BAOTAYNINH.VN trên Google News

Họp báo Thường kỳ Chính phủ tháng 9/2013: Chỉ số CPI 9 tháng tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua

Cập nhật ngày: 30/09/2013 - 05:55
Chiều 29.9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thông tin về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2013 và một số vấn đề dư luận quan tâm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì buổi họp báo.

Chỉ số CPI 9 tháng tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam thông tin tại Phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội và thống nhất đánh giá: Trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP, Nghị quyết các phiên họp thường kỳ và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2013 chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện, nổi bật là: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 1,06% (cùng kỳ năm trước tăng 2,2%), chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá một số mặt hàng như: điện, giáo dục đầu năm học mới; CPI 9 tháng tăng 4,63%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua.

 

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam. Ảnh: Chinhphu.vn

Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng cho hay "mặc dù tình hình kinh tế - xã hội như vậy nhưng chúng ta không lơ là. Chẳng hạn, dư địa lạm phát, lấy số tròn là 2,4% cho 3 tháng. Nhưng nếu lơ là những tháng còn lại để xảy ra trên 1% thì cả năm sẽ trên 7%. Về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), chúng ta đã làm nhưng phải nói thẳng thắn là có tiến bộ nhưng chưa đạt yêu cầu. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tháng sau, quý sau cao hơn tháng trước, quý trước nhưng cần xét tới mặt ngược lại là còn nhiều DN ngưng hoạt động.

Nhiều chính sách, như hỗ trợ thị trường bất động sản đã đề ra nhưng đến cuộc sống còn chậm. Vấn đề này cần chỉ đạo quyết liệt. Tinh thần mà Chính phủ chỉ đạo, đúng như tinh thần là Chính phủ kiến tạo, xem DN khó ở đâu, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ trưởng trực tiếp gỡ khó ở đó".

Điều chỉnh tăng lương phải cân đối, hài hòa

Trả lời câu hỏi về vấn đề Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình kế hoạch tăng lương cho người lao động để đảm bảo thu nhập, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam cho biết, Trung ương đã có một kỳ hội nghị bàn riêng về tiền lương. Tiền lương có 2 phần. Một phần là lương công chức, viên chức, người có công, các đối tượng cần trợ giúp... và một phần là lương tại DN.

Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội, Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang trình phương án điều chỉnh lương của DN. Vấn đề lương của DN có hai mặt, là bao giờ cũng muốn người lao động hưởng lương cao nhưng nếu cao quá thì sức hút đầu tư sẽ giảm đi. Vì vậy, điều chỉnh thì phải rất cân đối, hài hòa.

Giải thích rõ hơn về bức tranh tổng thể về lương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết việc tăng lương cũng sẽ gây thêm sức ép về ngân sách rất lớn. Nếu ngân sách thu 100 đồng thì phần dành cho trả nợ, làm tròn số là khoảng 15%; một phần dành cho đầu tư phát triển, trước đây mình đầu tư nhiều, thậm chí lên đến 40%, nhưng gần đây đã giảm xuống, năm ngoái còn khoảng 20%, cộng lại là 35%; còn lại là 65% là chi thường xuyên trong đó khoảng một nửa là chi cho lương, cho công chức, viên chức, những người chưa phải là công chức nhưng hưởng các định suất lương ở địa phương, chi cho người có công…

Thêm nữa, có sức ép rất lớn về tăng lương cao, đối với DN cần cân đối nếu tăng lương cao quá thì sẽ không còn sức cạnh tranh, còn khu vực lương dùng ngân sách nếu tăng cao thì ngân sách không có vì chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi, tôi nói số tròn, trong đó hơn một nửa là chi cho lương. Nếu các bạn muốn làm rõ thêm thì tôi nhớ không nhầm, trong đó chi cho lương công chức, viên chức từ cấp huyện trở lên, số tròn là 9%, cho đội ngũ sự nghiệp (giáo viên, y tế) là trên 35%, lực lượng vũ trang khoảng 25% còn lại là người có công, đối tượng là cán bộ xã, cán bộ không phải là biên chế nhưng được hưởng định suất lương khoảng 6,5%.

Linh hoạt số lượng Thứ trưởng ở các Bộ

Trả lời về vấn đề số lượng Thứ trưởng của mỗi Bộ đều vượt quá 4 người không đúng với quy định của Nghị định 36, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Vũ Đức Đam giải thích rõ: Chính phủ hiện nay đã yêu cầu tất cả các Bộ báo cáo tình hình công việc của Bộ mình, kiến nghị số lượng Thứ trưởng cần thiết phải có để đảm bảo chức năng Bộ mình. Bộ Nội vụ đã tổng hợp, đang nghiên cứu để đề xuất phương án, mỗi Bộ cần bao nhiêu Thứ trưởng. Ý kiến của Bộ Nội vụ đã được chuyển đến các Bộ. Hiện nay các Bộ đang trao đổi. Chính phủ sẽ bàn riêng về việc này.

“Còn nói về số lượng Thứ trưởng hiện nay, kể cả cấp phó của các Bộ, các Cục trực thuộc, tuyệt đại đa số các Bộ đều có số lượng Thứ trưởng nhiều hơn số lượng quy định tại Nghị định. Về lý do, chúng ta tiến hành sắp xếp lại các Bộ, hoàn thiện các Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Thực tế hoạt động của bộ máy chính quyền không chỉ là hành chính mà trong bộ máy của Đảng, Nhà nước nói chung, có những nét đặc thù.

Đơn cử, tại Văn phòng Chính phủ (VPCP) hiện nay có 6 Thứ trưởng. Khi Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đi công tác, bao giờ cũng có văn bản thông báo chỉ đạo điều hành, vì vậy cần có 1 đồng chí Thứ trưởng tháp tùng để giúp việc tại các sự kiện đó. Do đó, cần tới 5 người. Đặc thù như ở VPCP trước đây, vào thời điểm gia nhập WTO, cần xây dựng rất nhiều văn bản pháp luật nên có Ban xây dựng pháp luật. Sau thời điểm đó, tổ chức lại thì còn 1 đồng chí Phó Chủ nhiệm chuyên trách phụ trách xây dựng pháp luật. Như vậy, số lượng Phó Chủ nhiệm đã nhiều hơn 4. Nhưng thực sự VPCP hiện nay lúc nào cũng thấy thiếu” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm làm rõ thêm vấn đề.

Tinh thần chung Chính phủ chỉ đạo là sẽ xem xét, rà soát số lượng Thứ trưởng ở các Bộ để tùy từng Bộ, có số lượng Thứ trưởng tối thiểu cần thiết chứ không thể máy móc chỉ có 3 hay 4. Có những Bộ như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính gần như cuộc họp nào cũng cần có đại diện. Còn tinh thần chung sẽ là ở mức tối thiểu. Chúng tôi đang bàn, tới đây Chính phủ sẽ bàn và kết quả sẽ thông báo cho các bạn. Chắc chắn đây là một việc Chính phủ sẽ phải báo cáo các cơ quan của Đảng, cơ quan có thẩm quyền để có kết luận cuối cùng./.

Theo Báo điện tử  ĐCS