BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh tại kỳ họp Quốc hội:

Họp liên ngành về xác định tội danh và khung hình phạt để xét xử là cái lệ làm mất đi tính độc lập của hội đồng xét xử (*)

Cập nhật ngày: 07/06/2015 - 11:32

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương.

Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có vai trò rất lớn trong việc áp dụng pháp luật, góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ trật tự pháp luật; đồng thời giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Tuy nhiên, qua đợt giám sát vừa qua, đại biểu Phương nhận thấy còn một số tồn tại như sau:

Bộ Luật TTHS hiện hành quy định quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, trong đó có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, quyền khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng đồng thời cũng quy định bắt buộc người tiến hành tố tụng phải giải thích đầy đủ quyền này trước khi tiến hành lấy lời khai hoặc hỏi cung.

Tại các mẫu biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung do Bộ Công an ban hành đều có dòng chữ in sẵn, người tạm giữ, bị can, bị cáo được giải thích quyền và nghĩa vụ tại một điều luật cụ thể và ký tên xác nhận.

Quy định và hình thức là vậy nhưng qua quá trình nắm bắt và giám sát ở giai đoạn điều tra cho thấy rất hiếm khi người bị tạm giam, bị can, bị cáo được giải thích đầy đủ quyền và nghĩa vụ- nhất là những vụ án không có luật sư tham gia ngay từ đầu.

Việc người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không được giải thích, hoặc giải thích không đầy đủ ngay từ khi bị bắt làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền của họ và làm ảnh hưởng đến việc xác nhận sự thật khách quan của vụ án.

Nếu trong quá trình thẩm vấn chỉ có người bị tạm giữ, bị can, bị cáo với điều tra viên thì quyền của người bị thẩm vấn khó có được các quyền theo quy định một cách đầy đủ. Để kết tội một người thì phải căn cứ vào các chứng cứ theo quy định của Bộ luật TTHS.

Lời khai của người bị tạm giam, bị can bị cáo chỉ là một trong các nguồn chứng cứ để xác định chứng cứ. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ điều tra viên đã theo thói quen là “trọng cung hơn trọng chứng”. Tồn tại trên là một trong những nguyên nhân bấy lâu nay khi ra toà, bị cáo phản cung cho rằng mình bị ép cung, nhục hình khai theo điều tra viên.

Một thực trạng hiện nay, theo phản ánh của các luật sư, ở giai đoạn điều tra các luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của bị can hoặc gia đình bị can gặp nhiều khó khăn. Muốn được tham gia lấy lời khai hoặc hỏi cung thì luật sư phải có giấy chứng nhận người bào chữa, mà có được giấy này tại giai đoạn điều tra là không dễ dàng.

Sau khi làm thủ tục, không ít luật sư sau một thời gian dài chờ đợi thì nhận được văn bản trả lời của cơ quan điều tra là “bị can từ chối người bào chữa”. Mặc dù chưa có cơ sở nào xác nhận thật sự bị can từ chối luật sư, nhưng với văn bản thông báo của cơ quan điều tra thì luật sư cũng đành phải chấp nhận.

ĐBQH Trịnh Ngọc Phương còn nhận xét: Ở giai đoạn truy tố và chuẩn bị xét xử, đâu đó vẫn còn lệ họp liên ngành về xác định tội danh và khung hình phạt để xét xử. Mặc dù đây là hình thức không có trong TTHS nhưng nó là cái lệ làm mất đi tính độc lập của hội đồng xét xử trong quá trình tố tụng.

Cá biệt còn có địa phương còn có cả văn bản yêu cầu thẩm phán chủ toạ phải báo cáo lãnh đạo trước khi xét xử. Hiện tượng “án bỏ túi, xét xử lệ thuộc vào cáo trạng” vẫn còn.

Đặc biệt, những vụ án xét xử lưu động (ở ngoài trụ sở toà án) dường như là kịch bản được chuẩn bị trước, những kiến nghị của luật sư về chứng cứ về tố tụng hầu như không được Hội đồng xét xử chấp nhận, như trả hồ sơ để điều tra bổ sung, triệu tập người làm chứng về những vấn đề còn mâu thuẫn bất cập trong hồ sơ vụ án.

Trong nhiều phiên toà, sự có mặt của luật sư còn mang tính hình thức, bài bào chữa và các kiến nghị của luật sư ít khi được hội đồng xét xử xem xét hoặc xem xét không đầy đủ, vấn đề tranh tụng không được đề cao.

Một con số đáng quan tâm là mới đây trên VTV1 vào lúc 19 giờ 30 ngày 31.5.2015, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, chỉ có khoảng 20% vụ án tranh tụng tại Toà án đạt yêu cầu, khoảng 80% vụ án tranh tụng mang tính hình thức hoặc kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm không tranh luận với luật sư.

Những quan điểm bào chữa của luật sư được thể hiện không đầy đủ hoặc bị cắt xén tại bản án và gây không ít bức xúc cho người bào chữa. Nhận thấy khiếm khuyết về nội dung này, tại buổi toạ đàm lấy ý kiến về sửa đổi bổ sung Bộ luật TTHS, một thẩm phán có kinh nghiệm xét xử lâu năm tại Toà án nhân dân TPHCM kiến nghị cần có chế định để luật sư kháng cáo bản án về nội dung bài bào chữa của mình một cách phù hợp.

Đại biểu Phương cho rằng đây là một ý kiến đột phá, tiến bộ, mặc dù vẫn có quan điểm cho rằng làm như thế là “vẽ đường cho hươu chạy”.

QUANG NHÀN

(Lược ghi)