Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo quy định, sau khi sáp nhập, Trung tâm vẫn phải chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND TP. Tây Ninh, huyện Châu Thành, thị xã Hoà Thành về nhiệm vụ chính trị được giao.
Thầy và trò của Trung tâm GDNN-GDTX TP. Tây Ninh trong phòng học chật hẹp.
Trung tâm GDNN-GDTX cụm thành phố Tây Ninh là đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có tài khoản tại ngân hàng và Kho bạc Nhà nước. Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục thường xuyên của Sở Giáo dục và Đào tạo, hoạt động giáo dục nghề nghiệp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chịu sự quản lý nhà nước trên địa bàn của Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi Trung tâm đặt trụ sở chính.
Ngày 19.9.2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1927 kèm theo đề án thí điểm tổ chức lại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) cụm thành phố Tây Ninh trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Trung tâm GDNN-GDTX cụm TP. Tây Ninh được tổ chức trên cơ sở sáp nhập các Trung tâm GDNN-GDTX TP. Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và huyện Châu Thành (gọi tắt là Trung tâm). Một trong những thay đổi lớn của việc hợp nhất ba Trung tâm là, sau khi sáp nhập, đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT. Việc sáp nhập bắt đầu từ 1.1.2024.
Số lượng học sinh tăng mạnh
Thời điểm hiện tại, Trung tâm GDNN-GDTX TP. Tây Ninh có 25 lớp, 914 học sinh. “Trong tổng số gần 1.000 học sinh nêu trên, có khoảng 60% đang là học viên, học sinh Trường cao đẳng nghề Tây Ninh. Do không đủ phòng học, hiện nay, Trung tâm sử dụng tạm thời các phòng học của Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (cũ).
Tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo UBND tỉnh hôm 20.9 vừa qua, chúng tôi đã kiến nghị xem xét đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất, xây thêm phòng học cho Trung tâm GDNN-GDTX TP. Tây Ninh”- bà Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX TP. Tây Ninh cho biết.
Lãnh đạo Trung tâm nói thêm, đơn vị đang thiếu giáo viên rất nghiêm trọng. Trung tâm có 25 lớp nhưng chỉ có bảy giáo viên chính thức, phải thỉnh giảng hợp đồng với hàng chục giáo viên. Trung tâm phải liên tục thay đổi thời khoá biểu để tạo điều kiện thuận tiện cho giáo viên thỉnh giảng (vì số giáo viên này là người của nhiều trường phổ thông). Do thiếu phòng học và giáo viên, toàn bộ học sinh, học viên đang học Trường cao đẳng nghề Tây Ninh phải học ca đêm.
“Cơ sở vật chất chưa đáp ứng giảng dạy, hiện trạng các phòng xuống cấp nặng. Trung tâm đang mượn cơ sở vật chất Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha (cũ) tại đường Võ Thị Sáu, tổ chức dạy học từ năm học 2021-2022”- lãnh đạo Sở GD&ĐT thông tin.
Sở GD&ĐT cho biết, Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Tây Ninh là nơi tiếp nhận học sinh từ nguồn học sinh tốt nghiệp THCS không trúng tuyển lớp 10 các trường gồm: Trường THPT Tây Ninh, THPT Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn và THPT chuyên Hoàng Lê Kha theo định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Trung tâm hiện đang hợp đồng liên kết dạy chương trình THPT cho Trường cao đẳng nghề Tây Ninh, dạy nghề cho học sinh các trường THCS trên địa bàn thành phố Tây Ninh, điều này giải thích vì sao số lượng học sinh của Trung tâm hiện nay rất lớn.
Trong khi đó, Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Hoà Thành có 15 lớp, tổng cộng 552 học sinh. Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Hoà Thành là nơi tiếp nhận học sinh từ nguồn học sinh tốt nghiệp THCS không trúng tuyển lớp 10 các trường THPT Lý Thường Kiệt, THPT Nguyễn Trung Trực và THPT Nguyễn Chí Thanh theo định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Tại Trung tâm GDNN-GDTX Châu Thành, năm học này có 13 lớp, 389 học sinh nhưng hiện chỉ có 10 giáo viên. Trung tâm GDNN-GDTX Châu Thành đã được chính quyền địa phương quan tâm, quy hoạch đủ đất để xây dựng cơ sở vật chất khang trang.
Trung tâm GDNN-GDTX Châu Thành là nơi tiếp nhận các học sinh từ nguồn học sinh tốt nghiệp THCS không trúng tuyển lớp 10 các trường gồm: THPT Hoàng Văn Thụ, THPT Lê Hồng Phong theo định hướng phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Trung tâm hợp đồng liên kết dạy chương trình THPT cho Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh, dạy nghề cho học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện Châu Thành.
Trụ sở Trung tâm được đầu tư hoàn chỉnh, kiên cố, trong thời gian dài hoạt động còn hạn chế, tuyển học sinh lớp 10 hằng năm chỉ được 1 đến 3 lớp, do vậy, việc sử dụng cơ sở vật chất hiệu quả chưa cao và đã bàn giao cho Trường THPT Hoàng Văn Thụ làm cơ sở 2. Trung tâm giữ lại khối phòng học bộ môn, khối phòng học nghề. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong việc bố trí phòng học theo quy định, tận dụng sắp xếp khối phòng học nghề làm phòng học văn hoá.
Thông tin nêu trên cho thấy, số lượng học sinh của ba Trung tâm (trước khi sáp nhập vào cuối năm nay) tăng rất mạnh so với giai đoạn trước.
Khó khăn, vướng mắc
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, việc sáp nhập nhằm bảo đảm tinh gọn đầu mối quản lý, giảm biên chế, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất nâng cao hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và “từng bước nâng cao tính tự chủ tài chính, nâng cao đời sống viên chức, kết nối trong định hướng phát triển văn hoá - xã hội với hạ tầng giao thông, không gian phát triển kinh tế”.
Thí điểm sáp nhập còn nhằm giảm đơn vị công lập, sắp xếp lại biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, giảm chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Chủ trương này còn để “nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục ở các Trung tâm GDNN-GDTX, từng bước đáp ứng nguồn nhân lực cho mục tiêu cơ cấu kinh tế và lao động.
Theo quy định, sau khi sáp nhập, Trung tâm vẫn phải chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND TP. Tây Ninh, huyện Châu Thành, thị xã Hoà Thành về nhiệm vụ chính trị được giao. Việc chọn Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Tây Ninh làm điểm chính gặp nhiều khó khăn về diện tích đất, chỉ rộng 3.562,9m2 (phòng học, phòng làm việc) chưa đáp ứng giảng dạy, hiện trạng các phòng xuống cấp nặng; sắp xếp tổ chức, bố trí nhân viên theo vị trí việc làm theo đơn vị tạo ra khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ (kế toán, bảo vệ, văn thư…), do Trung tâm có 3 cơ sở, chỉ có 1 nhân viên phụ trách cho 3 cơ sở.
Việc tinh giản biên chế, sắp xếp dôi dư theo Nghị định 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, khi triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng, chưa thống nhất, biểu hiện qua việc cán bộ quản lý, nhân viên đều xin được tinh giản biên chế. Khi sắp xếp lại nảy sinh việc bố trí điều động giáo viên giảng dạy tại 3 cơ sở tạo nên khó khăn trong di chuyển phân công lên lớp.
Đối với học sinh, cải thiện chất lượng học tập, bảo đảm các điều kiện học tập, có sự tương tác, giao lưu giữa học viên của các cơ sở thuộc Trung tâm và sinh hoạt vui chơi được tốt hơn.
Đối với đội ngũ viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên phục vụ: sau thí điểm tổ chức lại cụm Trung tâm sẽ giảm số lượng viên chức quản lý, phương án giải quyết đối với số lượng giáo viên dôi dư theo kế hoạch, thực hiện điều động giáo viên giữa các Trung tâm và các trường THPT trực thuộc Sở.
Để khắc phục bất cập, khó khăn, Sở GD&ĐT phối hợp Sở Nội vụ thẩm định kế hoạch chuyển cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Hoà Thành, huyện Châu Thành vào Trung tâm GDNN-GDTX cụm thành phố Tây Ninh.
Bố trí đủ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên theo cơ cấu mô hình trung tâm sau khi sáp nhập, trên tinh thần bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng theo vị trí việc làm của trung tâm theo quy định; từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ. Sàng lọc, sắp xếp đội ngũ sau khi tổ chức lại, bố trí thích hợp (sắp xếp vị trí, cử đào tạo lại, chấm dứt hợp đồng, giải quyết xin nghỉ việc theo nguyện vọng cá nhân) đối với giáo viên dôi dư (nếu có).
Việt Đông
Một trong những bất cập của Trung tâm GDNN-GDTX hiện nay là, theo quy định hiện hành, UBND cấp huyện quản lý về đội ngũ, ngân sách (chi trả lương) trong khi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý lĩnh vực dạy nghề, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý về giáo dục phổ thông.