Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 31.5 Thường trực HĐND huyện Châu Thành tổ chức phiên họp, yêu cầu cơ quan chuyên môn huyện giải trình một số vấn đề mà cử tri và thường trực HĐND huyện quan tâm.
Đây là lần đầu tiên thường trực HĐND huyện Châu Thành tổ chức phiên giải trình theo chức năng nhiệm vụ, thể hiện tinh thần đổi mới trong hoạt động của thường trực HĐND huyện.
Quang cảnh phiên giải trình
Tại phiên họp, thường trực HĐND huyện yêu cầu Phòng Văn hóa thông tin huyện giải trình về thực trạng công tác quản lý nhà nước đối với việc kinh doanh hoạt động karaoke, karaoke di động, internet và trò chơi điện tử trên địa bàn huyện.
Ông Phạm Văn Sĩ- Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 52 cơ sở kinh doanh hoạt động karaoke được cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động, trong đó ngưng hoạt động 17 cơ sở, chỉ còn lại 35 cơ sở đang hoạt động trên địa bàn 10/15 xã, thị trấn (5 xã không có cơ sở kinh doanh Karaoke gồm An Bình, Hòa Hội, Hòa Thạnh, Hảo Đước, Đồng Khởi). Thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động Karaoke do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh thực hiện.
Về Internet, trò chơi điện tử, tính đến nay, tổng số điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng trên địa bàn huyện có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động là 82 điểm/15 xã, thị trấn, không có điểm nào không có giấy phép.
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, đội kiểm tra liên ngành văn hóa-xã hội của huyện và cấp xã đã tiến hành kiểm tra được 85 đợt kiểm tra tại 147 lượt cơ sở hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa thông tin, trong đó có 67 cơ sở karaoke, 31điểm Internet. Kết quả nhắc nhở 25 cơ sở karaoke, 19 điểm Internet, cho làm cam kết hoạt động đúng quy định.
Về Karaoke lưu động, thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện một số loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa mới chưa được quản lý, sử dụng âm thanh lưu động hát nhạc hoặc karaoke tại các điểm kinh doanh dịch vụ, quán ăn; các hộ kinh doanh cho thuê âm thanh và dàn máy karaoke đến phục vụ tại các hộ gia đình, cá nhân trong đám tiệc, sinh hoạt văn hóa, các điểm hát với nhau gây tiếng ồn quá quy định, làm mất trật tự, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.
Tính đến cuối năm 2017, theo thống kê, trên địa bàn huyện có 140 dàn âm thanh lưu động với công suất lớn, trong đó có 93 dàn karaoke lưu động, 47 dàn âm thanh cho thuê.
Kết luận phiên giải trình, ông Lê Văn Tuấn- Phó chủ tịch HĐND huyện yêu cầu, để kịp thời chấn chỉnh các hoạt động nêu trên, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cần tiếp tục tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của các hộ kinh doanh; tăng cường kiểm tra liên ngành văn hóa-xã hội các cấp, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Thiện Nhân