Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Tiềm năng cho hợp tác thương mại giữa hai nước còn rất lớn và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Chúng ta đang phải chứng kiến nhiều điều “bất thường” trên thế giới hiện nay. Các nhà kinh tế hàng đầu của Đức thì cảnh báo về “những đám mây đen” đang kéo đến bầu trời châu Âu và Berlin, trong đó có lẽ đáng lo ngại nhất là hậu quả tồi tệ của một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang ngày một hiện hữu.
Trong bối cảnh chung đó, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và CHLB Đức liệu có bị tác động và triển vọng của quan hệ hợp tác này sẽ ra sao trong những năm tiếp theo?
Thống kê ấn tượng
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kể từ khi Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2011/2012, chỉ sau 4 năm, cán cân thương mại song phương đã tăng tới 120%.
Trong các nước EU, Đức đứng thứ hai, sau Hà Lan, và đứng thứ bảy trên thế giới trong số các nước nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Việt Nam. Số lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Đức chiếm tới 19% tổng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài, bằng tổng hàng hóa xuất sang Anh và Pháp cộng lại.
Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 12,6 tỷ USD và năm 2017 ở mức trên dưới 10 tỷ; con số này là 12 tỷ USD theo thống kê của phía Đức.
Bốn tháng đầu năm 2018, xuất nhập khẩu song phương đạt 3,321 tỷ USD. Nếu tính từ thời điểm 2008 với mức kim ngạch là 3,553 tỷ USD thì sau 10 năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đã tăng gấp ba lần.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Đức Angela Merkel bắt tay tại Hội nghị G20 tại Hamburg tháng 7/2017. (Nguồn: AFP)
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Đức cũng thay đổ, với hàng hóa từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như điện thoại và linh kiện điện tử tăng mạnh (theo số liệu bốn tháng 2018 là 685 triệu USD), sau đó là các mặt hàng truyền thống như giầy dép (279 triệu USD), hàng dệt may (217 triệu USD), cà phê (176 triệu USD) và thủy sản (61 triệu USD).
Nếu chỉ tính riêng cà phê nguyên liệu thì Việt Nam đứng đầu danh sách nước xuất sang Đức với mức ổn định khoảng 500 triệu USD. Do một số yếu tố ngoại cảnh tác động nên mặt hàng thủy sản, nhất là cá tra, có xu hướng giảm hơn so với trước kia.
Trong khi đó, mặt hàng chủ đạo từ Đức nhập vào Việt Nam vẫn là máy móc, thiết bị công nghiệp (đạt 514 triệu USD trong 4 tháng đầu năm), sau đó là xe o to và phụ tùng (52,5 triệu USD).
Năm 2017, Đức là quán quân xuất khẩu trên thế giới với thặng dư thương mại rất lớn, trong đó có thị trường lớn như Mỹ, Nga hay các nước EU khác. Nhưng ngược lại, trong quan hệ thương mại với Việt Nam, Đức lại là nước nhập siêu.
Về đầu tư trực tiếp từ Đức vào Việt Nam, Đức vẫn đứng ở vị trí khá khiêm tốn so với tiềm năng to lớn của hai nước. Đến tháng 4/2018, Đức có 286 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký hơn 1,4 tỷ USD, đứng thứ 20 trong tổng số 116 nước có đầu tư ở Việt Nam.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, có 14 dự án mới được đăng ký với số vốn khoảng 40 triệu. Đầu tư từ Việt Nam sang Đức đạt mức 21,44 triệu USD với 11 dự án.
Những con số trên nói lên điều gì?
Thứ nhất, hợp tác kinh tế thương mại song phương Việt - Đức có tầm quan trọng đặc biệt.
Đức là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam ở EU và châu Âu nói chung và ngược lại Đức cũng coi Việt Nam là thị trường có tiềm năng phát triển nhanh ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, với 92 triệu người tiêu dùng và vì hàng hóa “Made in Germany” có uy tín ở Việt Nam.
Các dòng xe ô tô cao cấp do Đức sản xuất rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Thứ hai, hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế có quy luật riêng, với sự điều tiết của thị trường và quy luật cung cầu. Không phủ nhận là bầu không khí chính trị có tác động nhất định đến hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, song nó cũng không ngăn cản được hoạt động này.
Đối mặt với quan hệ căng thẳng hiện nay giữa EU, Đức và Mỹ sau những biện pháp áp thuế phạt ở mức cao, các doanh nghiệp đã tự điều chỉnh để giảm thiểu các thiệt hại về mặt thương mại.
Tương tự, sau những đe dọa từ Mỹ liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp EU ở Iran, doanh nghiệp Đức vẫn bám trụ ở đó và triển khai thực hiện các thỏa thuận hợp tác một cách bình thường.
Thứ ba, điều quan trọng đối với hoạt động kinh tế là vấn đề lợi ích, lợi nhuận doanh nghiệp và lợi ích quốc gia. Nếu hoạt động kinh tế bị đình trệ do tác động của chính trị thì hệ quả sẽ rất nặng nề và không phải chính phủ nào cũng sẵn sàng đứng ra bồi thường cho doanh nghiệp.
Vừa qua, EU cũng cân nhắc khả năng bồi thường cho doanh nghiệp châu Âu nếu rút khỏi Iran theo lệnh của Mỹ, nhưng thấy mức thiệt hại sẽ rất lớn, vượt quá khả năng ngân sách cho phép của EU.
Mới đây, Brussels cũng quyết định gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế với Nga, nhưng Đức vẫn kiên trì với việc xây dựng đường ống dẫn khí từ Nga sang Đức vì đó là lợi ích chiến lược, gắn liền với an ninh năng lượng của Đức.
Triển vọng hợp tác
Dự báo cán cân xuất nhập khẩu hai chiều Việt – Đức năm 2018 cũng vẫn sẽ đạt mức của năm 2017 là trên dưới 10 tỷ USD. Các mặt hàng của ta vẫn giữ được vị trí nhất định ở thị trường Đức và ngược lại, hàng hóa và công nghệ từ Đức vẫn rất cần thiết cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế ở Việt Nam.
Một trong những điểm mới của sự hợp tác những năm tới là về đào tạo và cung ứng lao động cho lĩnh vực điều dưỡng và phục vụ y tế ở Đức.
Điều dưỡng viên là một trong những lĩnh vực có tiềm năng hợp tác lớn giữa Đức và Việt Nam - Ảnh minh họa. (Nguồn: Alamy)
Đức đang đối diện với tình trạng già hóa dân số nhanh. Theo thống kê đến năm 2060, dân số Đức sẽ chỉ còn 70 triệu, giảm 10 triệu so với hiện nay. Tỷ lệ người ở độ tuổi lao động (20-60 tuổi) giảm 20%, trong khi tỷ lệ người trên 60 tuổi tăng từ 25% như hiện nay lên 39%.
Đặc biệt, số người già trên 80 tuổi sẽ tăng từ 4 triệu lên 10 triệu (tăng gấp 3 lần). Tính đến năm 2025, số người ở độ tuổi lao động sẽ giảm tới 6 triệu người.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Đức đã đưa ra nhiều chương trình quốc gia nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong ngành điều dưỡng. Đến năm 2021, Đức cần ít nhất 8.000 đến 13.000 điều dưỡng viên. Ngoài nguồn lao động tại chỗ, Berlin cũng quan tâm đến việc hợp tác tuyển dụng nguồn lao động nước ngoài.
Từ cuối năm 2017 đã có ba đoàn Bộ trưởng kinh tế của bang Hamburg, Bremen, Rheinland-Pfalz và đoàn Quốc vụ khanh kinh tế bang Mecklenburg-Vorpommern sang thăm, tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác Việt Nam.
Một trong những đề tại được đề cập đến trong tất cả các cuộc gặp là lĩnh vực đào tạo và đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc tại Đức. Dự kiến trong thời gian tới, các bang sẽ tiếp tục cử các đoàn trao đổi cấp cao sang Việt Nam.
Do đó, có thể nói tương lai hợp tác Việt - Đức, đặc biệt là về kinh tế - thương mại, có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển bền vững, vì lợi ích của nhân dân hai nước.
Nguồn baoquocte (từ Berlin, Đức)