Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ngày 6.7, Tổng cục đường bộ Việt Nam họp trực tuyến với Sở Giao thông vận tải (GTVT) các tỉnh, thành phố đánh giá việc thực hiện quy định lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải và triển khai các giải pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Sở Giao thông vận tải Tây Ninh tham gia họp trực tuyến.
Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17.1.2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó, quy định về lắp camera giám sát ô tô đối với các xe kinh doanh vận tải. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, các quy định của Nghị định 10 đã và đang thực hiện hiệu quả, đáp ứng với yêu cầu phát triển vận tải phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần nâng cao trật tự vận tải cũng như trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Tuy nhiên, tiến độ lắp camera trên cả nước theo quy định của Nghị định 10 còn rất chậm. Đến nay, mới có hơn 15.000 xe lắp đặt, đạt 7,5% trong tổng số gần 200.000 xe phải lắp đặt. Qua thống kê, một số địa phương có tỷ lệ đạt khá cao như Nghệ An đạt 58,5%, Thanh Hoá 52%, Quảng Ngãi 40%, Đak Lak 28,2%; còn lại hầu hết các tỉnh, thành phố đều có tỷ lệ phương tiện lắp đặt khá thấp.
Nguyên nhân chậm là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn, sản lượng, doanh thu giảm, chỉ đạt 20 – 30% so với trước dịch; vận tải hàng hóa, sản lượng, doanh thu đạt khoảng 70%.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có hơn 4.600 doanh nghiệp với hơn 51.000 xe thuộc diện phải lắp camera, tuy nhiên, đến nay mới có hơn 2.000 xe lắp đặt camera theo lộ trình, chủ yếu là xe buýt.
Theo Sở GTVT TP. Hà Nội, địa phương có khoảng 31.000 xe thuộc đối tượng phải lắp camera, đến nay, có khoảng 5.000 xe đã lắp đặt, đạt 16%. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp kiến nghị lùi thời hạn lắp đặt. Còn theo Sở GTVT Bình Dương, số lượng doanh nghiệp thực hiện cũng rất hạn chế, đến nay, chỉ có 128 phương tiện vận tải trên tổng số 6.500 xe lắp đặt.
Theo Tổng cục đường bộ Việt Nam, thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục có văn bản chỉ đạo các Sở GTVT đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải khẩn trương triển khai việc lắp đặt camera theo quy định; nghiên cứu, ban hành hướng dẫn cho các đơn vị kinh doanh vận tải về quy trình, các bước để lựa chọn loại camera phù hợp với quy định tại Nghị định 10.
Bên cạnh đó, thành lập tổ nghiên cứu, xác minh, xác định hành vi vi phạm thông qua thiết bị hình ảnh từ camera lắp trên xe để làm cơ sở xây dựng hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera của Tổng cục đường bộ Việt Nam; tiếp tục phối hợp với VNPT triển khai thực hiện thí điểm hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh camera đúng tiến độ thời gian.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện- Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam cho biết, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ lùi thời hạn chưa xử phạt đối với xe khách trên 9 chỗ và xe container, xe tải chưa lắp camera đến tháng 6.2022.
Trong khi chờ Nghị quyết của Chính phủ, các cơ quan quản lý phải tuyên truyền cho chủ doanh nghiệp, lái xe chấp hành theo lộ trình Nghị định 10 và Thông tư 12/2020/TT-BGTVT. Thời gian lùi xử phạt sẽ không nhiều nên doanh nghiệp vận tải phải xây dựng tiến độ thực hiện lắp camera. Các Sở GTVT cũng cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện lắp camera, truyền, khai thác dữ liệu của các chủ doanh nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh có 225 đơn vị kinh doanh vận tải, tổng số xe thuộc diện phải lắp đặt là 2.392 xe, tổng số xe đã lắp đặt camera là 125 xe (tính đến ngày 15.6.2021). Theo Sở GTVT, do tình hình dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn, theo tinh thần cuộc họp, trong thời gian chờ Nghị quyết của Chính phủ, các Sở GTVT tiếp tục tuyên truyền, quán triệt thực hiện nội dung trên.
Giang Hà