HTX Long Mỹ có quyết định thành lập từ tháng 3.2009, gồm 16 xã viên, với vốn điều lệ 16 triệu đồng và diện tích đất canh tác là 6 ha.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Thành Bắc (Hoà Thành) Nguyễn Khắc Lộc đưa chúng tôi đến thăm Hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn Long Mỹ ở khu vực Sân Cu. Đang chăm sóc đám bí rợ đậu (một loại bí rợ trái nhỏ nhưng năng suất và chất lượng cao), Phó Chủ nhiệm HTX Châu Văn Sáu tạm ngưng công việc tiếp chúng tôi.
Anh Sáu cho biết, HTX Long Mỹ có quyết định thành lập từ tháng 3.2009, gồm 16 xã viên, với vốn điều lệ 16 triệu đồng và diện tích đất canh tác là 6 ha. Ngành nghề sản xuất là trồng rau an toàn, gồm các loại rau ăn lá, ăn quả và ăn bông, nhưng chủ yếu là rau ăn quả như: dưa leo, khổ qua, mướp, bí đao, bí rợ…
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Long Thành bắc thăm vườn rau an toàn của xã viên HTX. |
Bao đời nay, bà con nông dân ở cánh đồng Sân Cu này tự học hỏi “bắt chước” nhau mà sản xuất, vốn đầu tư cũng phải vay bên ngoài, sản xuất rồi tự đem ra chợ bán nên khó tránh khỏi nạn giá cả bấp bênh “được mùa thất giá, được giá thất mùa”, lại còn thường xuyên bị thương lái ép giá… Nay vào làm ăn tập thể có nhiều thuận lợi, các xã viên rất phấn khởi.
Từ khi vào HTX, nông dân được ngành chức năng mở lớp tập huấn trồng rau an toàn. Người nông dân nâng cao được kiến thức cơ bản về trồng trọt các loại rau. Đặc biệt là cách dùng thuốc trừ sâu đúng cách, đúng liều lượng. Từ đó nông dân ở đây đã chuyển từ cách dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nhiều chất độc hại và tồn lưu trong nông sản lâu ngày trước đây, sang thuốc bảo vệ thực vật sinh học, hạn chế được chất độc hại. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nông dân giảm được chi phí mà nâng cao năng suất, đặc biệt sản phẩm rau làm ra khá an toàn đối với người tiêu dùng.
Được trang bị về khoa học kỹ thuật, khi vào HTX các xã viên còn được vay vốn ưu đãi, không phải vay nặng lãi như trước. Cụ thể là vừa qua, HTX được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay mỗi hộ xã viên bình quân 8 triệu đồng (lãi suất 0,32%/tháng). Có được vốn vay ưu đãi, có kiến thức về sản xuất rau, các xã viên bước đầu rất phấn khởi sản xuất.
Tuy nhiên cũng do mới thành lập nên HTX còn gặp rất nhiều khó khăn đang cần được sự hỗ trợ của các ngành, các cấp. Trước hết là phương tiện sản xuất, HTX cần có máy cày để làm đất cho xã viên và làm thêm dịch vụ bên ngoài HTX để tạo nguồn thu cho xã viên. Để sản xuất rau an toàn, HTX cần máy sục khí ozon (giá khoảng 30 triệu đồng); máy test nhanh sản phẩm (khoảng 450 triệu); nhà xưởng (150 triệu). Khâu “đầu vào” cho cây trồng, hiện nay nông dân nói chung, các xã viên HTX cũng đang rất lo. Nhất là giống. Hiện nay các loại hạt giống, nông dân tự mua trôi nổi ngoài thị trường theo kiểu “may nhờ rủi chịu”. Nếu mua phải loại giống dỏm, năng suất quá kém, người nông dân cũng đành cam chịu. Kế đến là phân bón thuốc, trừ sâu dỏm, nông dân cũng khó phân biệt. Còn khâu “đầu ra” nông sản phẩm vẫn chưa hết bấp bênh như trước đây. Người tiêu dùng cũng chưa thể nào phân biệt được rau nào an toàn rau nào không an toàn. Thường thấy loại nào rẻ, hình thức bên ngoài bắt mắt là mua về dùng.
Để cho HTX sản xuất rau an toàn Long Mỹ có điều kiện phát triển, hoạt động hiệu quả hơn, đời sống xã viên ngày càng được nâng cao, Ban Chủ nhiệm HTX đề nghị các cấp lãnh đạo các ngành chức năng tạo nhiều điều kiện hơn nữa cho HTX hoạt động, như giúp cho HTX các loại máy móc trang thiết bị; giúp thêm nguồn vốn cho xã viên mở rộng sản xuất; các ngành chức năng cần có biện pháp kiểm tra quản lý chất lượng nguồn giống, phân bón, thuốc trừ sâu. Đặc biệt là HTX rất cần có đơn vị kinh doanh ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho xã viên, để xã viên an tâm sản xuất.
D.H