BAOTAYNINH.VN trên Google News

HTX thuỷ lợi- Hiệu quả bước đầu của một mô hình mới

Cập nhật ngày: 13/11/2010 - 04:15

Gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, việc xây dựng mô hình hợp tác xã tại Tây Ninh theo Chỉ thị 68 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong gần 20 năm qua đã trở thành một phong trào được quan tâm xúc tiến ở các huyện, thị trong tỉnh. Trong khi còn nhiều Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, HTX tiểu thủ công nghiệp đang lao đao, tìm đường phát triển trong cơ chế thị trường thì hai năm qua phong trào hợp tác hoá ở tỉnh Tây Ninh có thêm một mô hình mới phát triển khá nhanh là 21 HTX dịch vụ Thuỷ lợi ở hai huyện Châu Thành và Trảng Bàng.

Mô hình mới- hiệu quả cao

Khơi dòng

Trong khuôn khổ dự án hỗ trợ thuỷ lợi Việt Nam có mục tiêu là quản lý tưới có sự tham gia của cộng đồng, từ tháng 6.2008 mô hình HTX dịch vụ thuỷ lợi ở Tây Ninh được thành lập từ sự bảo trợ nguồn vốn không hoàn lại của Quỹ phát triển xã hội Nhật Bản cùng sự giám sát và tư vấn của Viện khoa học thuỷ lợi Việt Nam. Ông Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Tây Ninh khẳng định: “Thông qua dự án này, các HTX dịch vụ thuỷ lợi ở Tây Ninh có mục đích nhằm tăng cường vai trò của cộng đồng trong quản lý và vận hành các hệ thống tưới, giảm tỷ lệ đói nghèo ở các vùng nông thôn nhờ cải thiện dịch vụ tưới, tăng thu nhập từ khu vực nông nghiệp cho các thành viên là hộ nông dân sản xuất trên địa bàn”.

Đây cũng là yếu tố để 21 HTX dịch vụ Thuỷ lợi đang hoạt động tại Tây Ninh khơi dậy tiềm lực chính mình. Như tại huyện Châu Thành, chỉ sau  hai năm phát động, đã ra đời 12 HTX thuỷ lợi ở khu vực tưới mẫu Kênh TN17. Tại huyện Trảng Bàng đã xây dựng được 9 HTX dịch vụ thuỷ lợi ở khu vực tưới mẫu kênh N20. Tổng diện tích được phục vụ từ mô hình HTX này là trên 6.000 ha, chiếm 20% diện tích tưới ở Tây Ninh. Bình quân mỗi HTX quản lý 30 đến 35 tuyến kênh tưới loại 3, thông thường có diện tích tưới tiêu dưới 50 ha/một tuyến kênh. Chức năng chính của các HTX là quản lý, bảo vệ, duy tu sửa chữa theo từng mùa vụ, để luôn đảm bảo nước tưới cho nhu cầu sản xuất của xã viên. Ngoài ra, các HTX còn đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ nước với các xí nghiệp thuộc Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Tây Ninh. Sau đó ký lại hợp đồng với các hộ nông dân cần nước tưới tiêu để phục vụ sản xuất.

Ông Lại Thành Phương, chủ nhiệm HTX thuỷ lợi số 4 Châu Thành thừa nhận: “Ngay từ ngày đầu vận hành, cơ chế  hoạt động của mô hình HTX dịch vụ thuỷ lợi cho thấy có nhiều thuận lợi hơn so với mô hình kinh tế tập thể khác. Trước hết, đó là hệ thống tưới tiêu kênh nội đồng giao cho các HTX được Nhà nước đầu tư có hệ thống từ nhiều năm trước nên khi đưa vào vận hành, quản lý thì các HTX đạt ngay hiệu quả sử dụng khá cao. 100% HTX dịch vụ thuỷ lợi đều được dự án hỗ trợ ban đầu về văn phòng và trang thiết bị. Nhiều HTX đã xây dựng quy chế với quyền lợi và nghĩa vụ của các xã viên được quy định rõ ràng”. Anh Trần Văn Tuấn, xã viên HTX dịch vụ thuỷ lợi số 4 Châu Thành còn hồ hởi khoe: “Mỗi ha sử dụng nước thuỷ lợi như một ha trồng lúa của gia đình tôi còn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ phí là 800.000 đồng/ha” (theo quy định của Nghị định 115/ CP của Chính phủ ban hành ngày 18.5.2004 -NV)

Từ những thuận lợi đó, khi mô hình 21 HTX dịch vụ thuỷ lợi đi vào hoạt động, diện tích tưới được tăng lên rõ rệt. Cụ thể tại huyện Châu Thành, diện tích được tưới ở các khu vực kênh tưới mẫu TN17 tăng lên gấp hai lần, số hộ sử dụng nước thuỷ lợi tăng 10%. Tại khu vực kênh tưới mẫu N20 ở  huyện Trảng Bàng diện tích tưới tăng 1,5 lần so với trước. Do sự điều tiết lưu lượng nước theo nhu cầu sản xuất của xã viên nên năng suất cây trồng, vật nuôi được tăng lên rõ rệt. Đời sống của 7.300 hộ hưởng lợi từ hai khu vực tưới TN17 và N20 cải thiện rõ rệt, trong đó thu nhập từ nhiều hộ nông dân đã ổn định và phát triển hơn trước.

Vẫn còn những cái khó

21 HTX dịch vụ thuỷ lợi ở Tây Ninh tuy đã phát huy hiệu quả trong việc đưa nguồn nước thuỷ lợi về phục vụ sản xuất, nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn nhất định. Hiện tại, đa số xã viên và hộ dân sử dụng nước tưới nói chung ở hai huyện thí điểm Châu Thành và Trảng Bàng vẫn chưa nắm rõ phương án thiết kế xây dựng, kiên cố hoá kênh mương trong khuôn khổ của dự án. Điều này dẫn đến việc thiếu thống nhất ở các HTX dịch vụ thuỷ lợi trong quy mô và diện tích phục vụ của từng HTX. Bên cạnh đó, phong cách sản xuất cá thể vẫn là rào cản tâm lý khiến nhiều hộ dân ngần ngại trong việc tham gia mô hình mới này.

Dòng kênh xanh

Ông Trần Khánh Toàn, Giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Châu Thành  đề xuất giải pháp căn cơ nhất là phải nâng cao năng lực quản lý của bộ máy cán bộ tổ chức các HTX. Riêng ông Đặng Văn Đáng, Giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Trảng Bàng kiến nghị, cần có cơ chế về vốn vay cho mô hình kinh tế hợp tác, vì sắp tới các HTX dịch vụ thuỷ lợi sẽ phát triển thêm các nhiệm vụ kinh doanh và dịch vụ khác. Còn ông Võ Văn Cọt, Chủ nhiệm HTX dịch vụ thuỷ lợi Lộc Châu đề xuất Ban quản lý tiểu dự án Dầu Tiếng cần đầu tư các tuyến kênh còn lại theo kế hoạch, có các lớp khuyến nông về khoa học kỹ thuật cho bà con xã viên.

Sau gần hai năm triển khai và xây dựng mô hình HTX dịch vụ thuỷ lợi, diện tích tưới tiêu thông qua 21 HTX đã chiếm tỷ lệ 20% tổng diện tích tưới trên địa bàn tỉnh nhà. Nghĩa là còn tới 80% diện tích cần được thành lập các đơn vị HTX dịch vụ thuỷ lợi trong thời gian tới. 

Đó chính là nhiệm vụ khá nặng nề đối với các cấp, các ngành chức năng có trách nhiệm với phong trào hợp tác hoá ở Tây Ninh, đồng thời cũng đòi hỏi Ban quản lý dự án tiểu khu Dầu Tiếng và Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cần sớm có quy hoạch đào tạo, nâng cao năng lực quản lý thuỷ nông của các Ban chủ nhiệm HTX.

HUỲNH MINH ĐỨC