BAOTAYNINH.VN trên Google News

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 

Cập nhật ngày: 30/11/2021 - 11:18

BTNO - Thời gian qua, quá trình thực hiện Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 6.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 ở ở vài nơi tại cơ sở phát sinh một số thủ tục không đáng có do cách hiểu khác nhau.

Công chức Văn hoá – Xã hội phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành hướng dẫn người lao động tự do làm hồ sơ nhận hỗ trợ từ chính sách. Ảnh: Vi Xuân

Để thống nhất thực hiện, mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  có văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động triển khai và thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Cụ thể như sau:

Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương

Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương sẽ được hỗ trợ nếu thuộc một trong các trường hợp sau: phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong toả, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19 (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 16/CT-TTg) hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ ngừng hoạt động/ hoạt động hạn chế/ hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” hay bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch Covid-19 khi đủ các điều kiện: tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên tính từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.12.2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Mức hỗ trợ là 1.855.000 đồng/người nếu người lao động nghỉ việc từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng (30 ngày); hỗ trợ 3.710.000 đồng/người nếu người lao động nghỉ việc từ 1 tháng (30 ngày) trở lên. Người lao động mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em. Chi trả 1 lần cho người lao động.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ, gồm:

Bản sao văn bản thoả thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Trường hợp do dịch bệnh hoặc nguyên nhân bất khả kháng không thể thoả thuận bằng văn bản, người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận bằng các hình thức khác (qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử...) ghi vào cột ghi chú của Mẫu số 5 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

Người sử dụng lao động lập danh sách, chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về danh sách người lao động theo theo Mẫu số 5 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội.

Trường hợp thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 14 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg thì bổ sung thêm bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền.

Trình tự, thủ tục hỗ trợ như sau:

Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan BHXH xác nhận người lao động đang tham gia BHXH. Trong 02 ngày làm việc, cơ quan BHXH xác nhận.

Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện chậm nhất đến ngày 31.1.2022.

Trong 2 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND tỉnh thông qua Sở Lao động - TB&XH.

Trong 2 ngày làm việc UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ.

Cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ là UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Cơ quan phê duyệt là UBND tỉnh.

Lưu ý, trong thời gian tam hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương mà người lao động vẫn tham gia bảo hiểm xã hội liên tục thì sẽ được hỗ trợ theo chính sách ngừng việc. Do đó, đơn vị nộp hồ sơ phải gửi kèm theo Mẫu C12-TS của cơ quan Bảo hiểm xã hội thể hiện báo giảm lao động hoặc có văn bản chứng minh người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian 2 bên thoả thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.

Người lao động ngừng việc

Người lao động ngừng việc sẽ được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

Làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc vì lý do theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động và thuộc một trong các trường hợp sau: phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong toả hoặc không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; do người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch Covid-19 từ 14 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.12.2021; Đang tham gia BHXH bắt buộc.

Mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/ người. Người lao động mang thai hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/ người; người lao động nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 06 tuổi hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/ trẻ em. Trả 1 lần cho người lao động.

Hồ sơ đề nghị gồm:

Người sử dụng lao động lập danh sách, chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực về danh sách người lao động theo theo Mẫu số 6 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội;

Trường hợp thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 18 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg thì bổ sung thêm bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu một trong các giấy tờ: Giấy tờ chứng minh người lao động đang mang thai; Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của trẻ em; Giấy chứng nhận nuôi con nuôi; Quyết định giao, nhận chăm sóc thay thế trẻ em của cơ quan có thẩm quyền.

Trình tự, thủ tục như sau:

Người sử dụng lao động đề nghị cơ quan BHXH xác nhận người lao động đang tham gia BHXH. Trong 2 ngày làm việc, cơ quan BHXH xác nhận.

Người sử dụng lao động gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện chậm nhất đến ngày 31.1.2022.

Trong 2 ngày làm việc, UBND cấp huyện thẩm định, trình UBND tỉnh thông qua Sở Lao động - TB&XH.

Trong 2 ngày làm việc UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Danh sách và kinh phí hỗ trợ.

Cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ là UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Cơ quan phê duyệt là UBND tỉnh.

Hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế)

Hộ kinh doanh được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau: Có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế; Phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc do có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg hoặc phải áp dụng biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động theo Nghị quyết số 128/NQ-CP trong thời gian từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.12.2021.

Chi trả 1 lần, mức hỗ trợ 3.000.000 đồng/hộ kinh doanh. Hồ sơ và trình tự, thủ tục như sau:

Hộ kinh doanh gửi đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 11 Quyết định 33/2021/QĐ-TTg đến UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31.1.2022.

Trong 3 ngày làm việc, UBND cấp xã xác nhận tạm ngừng kinh doanh; niêm yết công khai; tổng hợp, báo cáo gửi Chi cục Thuế.

Trong 2 ngày làm việc, Chi cục Thuế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, gửi Phòng Lao động cấp huyện rà soát, tổng hợp trình UBND cấp huyện.

Trong 2 ngày làm việc, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ, Chủ tịch UBND cấp huyện thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cơ quan tiếp nhận: UBND cấp xã nơi có địa điểm kinh doanh; Cơ quan thẩm định hồ sơ: Chi cục Thuế; Cơ quan phê duyệt: UBND cấp huyện.

Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do)

Tiêu chí hỗ trợ: Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị  mất việc làm, do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong toả hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 từ 15 ngày trở lên trong thời gian từ 1.5.2021 đến ngày 31.12.2021, cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Đối tượng áp dụng là lao động tự do thực hiện một trong các công việc sau: Thu gom rác, phế liệu; lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm), lái xe công nghệ 02 bánh; Bán lẻ vé số xổ số kiến thiết; Bán hàng rong, sửa chữa đồ gia dụng, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; Lao động giúp việc gia đình, lao động trong các cơ sở giáo dục tư thục, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập ký hợp đồng khoán việc có quyết định thôi việc; Tự làm hoặc lao động làm việc trong các lĩnh vực: ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khoẻ (massage, xoa bóp y học, châm cứu), lĩnh vực làm đẹp (cắt tóc, gội đầu, nail); lĩnh vực dịch vụ (karaoke, spa, internet, quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, phòng trà, phòng tập gym, thể dục thể thao), lao động tự do trong lĩnh vực xây dựng.

Người lao động làm thuê trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Bao gồm: người làm thuê các công việc trong trồng trọt, chăn nuôi; chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng đánh bắt thủy, hải sản.

Người lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Bao gồm: người lao động làm việc theo hợp đồng khoán việc, công nhật, học việc, thử việc (gọi chung là người làm việc không có bảo hiểm xã hội bắt buộc) trong các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh, Trang trại.

Người lao động tự do làm việc trong các lĩnh vực khác phải tạm dừng công việc theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid – 19 của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Bao gồm: Bốc vác, vận chuyển hàng hoá bằng xe 2 bánh, 3 bánh, xe tải nhỏ từ 2 tấn trở xuống; Tài xế, phụ xế lái xe chở khách thuê; Buôn gánh bán bưng; phụ mua bán trong các sạp chợ; sửa chữa nhỏ đồ gia dụng tại nhà; phục vụ nhà hàng hiếu hỉ; người tự làm hoặc làm thuê thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tính chất nhỏ lẻ.

Mức hỗ trợ: 1.500.000 đồng/người đối với người lao động có thời gian nghỉ việc, mất việc làm từ 15 ngày trở lên (chỉ hỗ trợ 1 lần cho 1 người). Hồ sơ gồm:  Người lao động gửi đơn đề nghị (theo Mẫu số 01a) đến UBND các xã, phường, thị trấn trước ngày 31.12.2021.

Trường hợp người lao động làm thuê trong các cơ sở, hộ kinh doanh phải có xác nhận của chủ cơ sở (theo Mẫu số 02); Người lao động có nơi thường trú hoặc tạm trú không trong phạm vi tỉnh Tây Ninh phải cam kết không lập hồ sơ đề nghị hưởng chế độ hỗ trợ tại nơi khác nơi người lao động đang thường trú, tạm trú (theo Mẫu giấy cam kết).

Trong 5 ngày làm việc, UBND cấp xã thực hiện các nội dung như sau:

Tổ chức rà soát và lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ (theo Mẫu số 03) với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội; Công khai với cộng đồng dân cư; niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trong 2 ngày làm việc; Tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố (thông qua Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội).

Trong 2 ngày làm việc, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, tổng hợp trình UBND cấp huyện.

Trong 2 ngày làm việc, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Trường hợp không hỗ trợ, Chủ tịch UBND cấp huyện thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Căn cứ Quyết định phê duyệt, UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã chi trả hỗ trợ trong 3 ngày làm việc.

Cơ quan tiếp nhận và thẩm định hồ sơ: UBND cấp xã; Cơ quan phê duyệt: UBND cấp huyện. Lưu ý, đối với đối tượng người lao động làm nghề bán lẻ vé số xổ số kiến thiết phải có xác nhận của Đại lý vé số, được chi hỗ trợ từ nguồn xã hội hoá (Công ty TNHH MTV XSKT tài trợ).

Người điều trị Covid-19, cách ly y tế; hỗ trợ thêm đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật

Đối tượng hỗ trợ là trẻ em dưới 16 tuổi; người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; người từ đủ 80 tuổi trở lên (không thuộc diện hộ nghèo nêu trên) mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp đang hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; người điều trị do nhiễm Covid-19 (F0); người cách ly y tế để phòng, chống COVID-19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Mức hỗ trợ: tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người điều trị nhiễm Covid-19 (F0), từ ngày 27.4.2021 đến ngày 31.12.2021, thời gian hỗ trợ tối đa 45 ngày.

Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người cách ly y tế (F1), từ ngày 27.4.2021 đến ngày 31.12.2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày.

Đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật trong thời gian điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế: Được hỗ trợ thêm một lần mức 1.000.000 đồng/người; Ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm y tế.

Hồ sơ đối với các trường hợp F0 đang điều trị tại cơ sở y tế gồm: Danh sách F0 đủ điều kiện hưởng chính sách theo Mẫu số 8a tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg; Giấy ra viện hoặc giấy chứng tử của cơ sở y tế hoặc văn bản xác nhận của cơ sở y tế; Bản sao một trong các giấy tờ sau: giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy xác nhận mức độ khuyết tật. Đối với trường hợp mất hoặc không mang theo các giấy tờ trên thì thay thế bằng giấy cam kết chịu trách nhiệm về thông tin của F0, cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em cung cấp cho cơ sở y tế.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với các trường hợp F1 đang thực hiện cách ly y tế tại cơ sở cách ly gồm: Danh sách F1 theo Mẫu số 8a tại phụ lục Quyết định 33/2021/QĐ-TTg; Quyết định của cơ quan có thẩm quyền về việc cách ly y tế; Bản sao một trong các giấy tờ sau: giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy xác nhận mức độ khuyết tật. Đối với trường hợp mất hoặc không mang theo các giấy tờ trên thì thay thế bằng giấy cam kết chịu trách nhiệm về thông tin của F1, cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em cung cấp cho cơ sở cách ly.

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ đối với F1 đã kết thúc cách ly tại cơ sở cách ly trước ngày 6.11.2021, F1 cách ly tại nhà, F0 điều trị tại nhà gồm: Văn bản của UBND cấp huyện hoặc cấp xã hoặc của cơ quan y tế về việc cách ly y tế tại cơ sở cách ly, cách ly tại nhà hoặc điều trị tại nhà; Giấy xác nhận hoàn thành việc cách ly đối với F1 đã kết thúc cách ly tại cơ sở cách ly trước ngày 6.11.2021 hoặc cách ly tại nhà; xác nhận hoàn thành điều trị tại nhà hoặc xác nhận thời gian điều trị tại nhà đối với F0; Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng sinh, giấy khai sinh, hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy xác nhận mức độ khuyết tật; Phiếu thu hoặc biên lai hoặc giấy xác nhận thu tiền ăn tại cơ sở cách ly đối với F1 đã kết thúc cách ly tại cơ sở cách ly trước ngày 6.11.2021.

Trình tự, thủ tục như sau:

Trường hợp đang điều trị, cách ly tại cơ sở y tế, cơ sở cách ly, cơ sở y tế, cơ sở cách ly căn cứ vào hồ sơ quy định lập danh sách (theo Mẫu số 8a, 8b Quyết định 33/2021/QĐ-TTg) gửi UBND cấp huyện (thông qua Phòng Lao động - TB&XH), chậm nhất đến hết ngày 31.1.2022.

Trường hợp F0 đã kết thúc điều trị trước ngày 6.11.2021, F1 đã hoàn thành cách ly tại cơ sở cách ly trước ngày 6.11.2021, F1 cách ly tại nhà đã hoàn thành cách ly, F0 điều trị tại nhà đã kết thúc điều trị: Cha, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, các trường hợp F0, F1 gửi hồ sơ tới UBND cấp xã nơi cư trú. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31.1.2022. UBND cấp xã kịp thời tổng hợp, lập danh sách (Mẫu số 8a, 8b Quyết định 33/2021/QĐ-TTg) với trường hợp F0, F1 gửi UBND cấp huyện.

Trong 2 ngày làm việc, UBND cấp huyện tổng hợp, trình UBND tỉnh thông qua Sở LĐ - TB&XH. Trong 2 ngày làm việc, UBND tỉnh phê duyệt danh sách hỗ trợ. Cơ sở y tế, cơ sở cách ly, UBND cấp xã có trách nhiệm chi trả đầy đủ các chế độ hỗ trợ đối với F0, F1, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật đang điều trị, cách ly, điều trị tại nhà theo danh sách được UBND cấp tỉnh phê duyệt (Mẫu 8c tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 33/2021/QĐ-TTg).

Đối với trường hợp đang điều trị, cách ly tại các cơ sở y tế, cơ sở cách ly, cơ sở y tế, cơ sở cách ly gửi hồ sơ về UBND cấp huyện (thông qua Phòng LĐ- TB&XH). Đối với trường hợp F0, F1 đã kết thúc cách ly, điều trị; F0, F1 điều trị, cách ly tại nhà: UBND cấp xã. Đối với trường hợp F0, F1 đã kết thúc cách ly, điều trị; F0, F1 điều trị, cách ly tại nhà, cơ quan tiếp nhận, thẩm định hồ sơ là UBND cấp xã. Cơ quan phê duyệt: UBND tỉnh.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH sẽ có hướng dẫn riêng đối với chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh theo Khoản 21 Điều 1 Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg; chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Các chính sách hỗ trợ về tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất thực hiện theo quy định tại Chương  Chương II và Chương X Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sẽ do cơ quan Bảo hiểm xã hội và Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn.

Hy Uyên