Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp:
Hướng phát triển tất yếu
Thứ tư: 07:55 ngày 18/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Biến đổi khí hậu có thể đẩy Việt Nam vào tình thế phải triển khai nhanh một nền nông nghiệp chống biến đổi khí hậu, mà cốt lõi là thay đổi cơ cấu cây trồng và phương thức canh tác thích hợp với tình hình mới do hạn, mặn, nóng, lạnh, lũ lụt… nếu không, nông sản thực phẩm không an toàn sẽ mang đến cho đất nước nhiều hệ luỵ trầm trọng hơn.

Hiện nay, nông nghiệp được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những trọng tâm phát triển của nước ta trong thời gian tới, đặc biệt là việc phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm. Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về khuyến khích liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ (organic), bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Đại diện tập đoàn United Technologies đến khảo sát vườn mãng cầu của ông Huỳnh Biển Chiêu (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) trong đợt khảo sát về phát triển chuỗi cung ứng lạnh cho chuỗi giá trị nông nghiệp tại Tây Ninh.

CHUYỂN ĐỔI ĐÚNG, HIỆU QUẢ CAO

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT, Australia), nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước hai thách thức vô cùng to lớn. Đó là an toàn vệ sinh thực phẩm và biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu có thể đẩy Việt Nam vào tình thế phải triển khai nhanh một nền nông nghiệp chống biến đổi khí hậu, mà cốt lõi là thay đổi cơ cấu cây trồng và phương thức canh tác thích hợp với tình hình mới do hạn, mặn, nóng, lạnh, lũ lụt… nếu không, nông sản thực phẩm không an toàn sẽ mang đến cho đất nước nhiều hệ luỵ trầm trọng hơn. Trong tình hình người tiêu dùng đang rất lo ngại về thực phẩm không an toàn, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi cần thiết và kịp thời cho nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ mà chúng ta muốn cổ xuý cho Việt Nam hôm nay không phải là nông nghiệp hữu cơ thời hoang sơ mà là một nền nông nghiệp luôn tuân thủ 4 nguyên tắc: sức khoẻ, sinh thái, công bằng và quan tâm.

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam đạt 30,14 tỷ USD. Tuy có kém chút ít so với năm 2014 (30,86 tỷ USD) nhưng xuất khẩu rau, quả đã có tăng trưởng đột biến, đạt con số kỷ lục đầy ấn tượng 2,2 tỷ USD, ngành rau quả được xem như “hiện tượng” bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu nông sản Việt Nam năm 2015. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu rau quả đến 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 5 thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga và Hàn Quốc, ngoại trừ Trung Quốc có yêu cầu thất thường về an toàn vệ sinh thực phẩm còn lại các thị trường khác đều rất coi trọng, nếu không nói là khắt khe việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Do đó, để cung cấp một thị trường trong nước và xuất khẩu to lớn như vậy, nông sản Việt Nam buộc phải bảo đảm an toàn, sạch. Cũng theo ông Nguyễn Quốc Vọng, giải pháp cần thiết là Việt Nam phải xây dựng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho từng ngành hàng và tổ chức cơ chế quản lý.

Đại diện một doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc có tỷ lệ nhập khẩu các sản phẩm nông sản tương đối cao, thị trường nhập khẩu chủ yếu là Philippines, Trung Quốc, Thái Lan. Đối với sản phẩm nông sản của Việt Nam, phía doanh nghiệp này nhận định, trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp đã nhập khẩu một số loại trái cây như xoài, đu đủ… tuy nhiên qua kiểm tra, một số sản phẩm có chứa nông dược, do đó, nếu như Việt Nam có thể kiểm soát các vấn đề về chất lượng sản phẩm, chất lượng nguồn cung cấp nguyên vật liệu, giá cả cạnh tranh thì ông tin chắc rằng Việt Nam có thể trở thành một trong những quốc gia có khả năng phát triển ở thị trường Hàn Quốc, tương tự như Philippines hoặc Thái Lan.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Diệp Dũng– Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co.op cho biết: “Tôi hoàn toàn đồng tình về vấn đề sản phẩm rau, củ, quả cũng như trái cây của Việt Nam. Theo số liệu thống kê, khuynh hướng trái cây, rau củ quả miền nhiệt đới có mặt trên bàn ăn của các hộ gia đình tư bản thế giới tương đối lớn. Do đó, thị trường xuất khẩu sản phẩm này rất lớn, vấn đề là chúng ta có đạt được tiêu chuẩn về ATTP mà các thị trường đó yêu cầu hay không. Ngay cả ở thị trường nội địa cũng vậy, chúng ta cũng biết thách thức lớn nhất với thị trường nội địa hiện nay là chất lượng các loại rau, củ, quả, trái cây. Tôi nghĩ rằng, với mô hình thí điểm vùng nguyên liệu ở tỉnh Tây Ninh, nếu chúng ta sản xuất và giữ được chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng thị trường nội địa còn thiếu chứ chưa nói dùng để xuất khẩu”.

Theo phân tích của Tiến sĩ Lê Thành- Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ thì hằng năm, doanh thu toàn cầu của trái cây, rau, củ quả trên thế giới là 310 tỷ USD, trong đó, sản phẩm tươi là 40 tỷ USD; rau, củ, quả chế biến 270 tỷ USD. Trong khi đó, doanh thu toàn cầu của lúa, mì, cao su, mía đường chỉ khoảng 90 tỷ USD. Tây Ninh có khoảng 312.000 ha diện tích trồng các loại cây này, chiếm tỷ lệ 85% diện tích đất sản xuất, ước tính tổng doanh thu khoảng 752 triệu USD, bình quân mỗi ha chỉ cho giá trị sản xuất khoảng 2.410 USD. Tây Ninh hiện đang cung cấp khoảng 25% cho thị trường rau, củ, quả của TP. HCM với diện tích khoảng 41.000 ha, chiếm 11% trong tổng diện tích gieo trồng, với tổng doanh thu 250 triệu USD, tương ứng 6.000 USD/ha chưa tính xuất khẩu. Từ số liệu trên có thể thấy rằng, hiện nay, Tây Ninh đang đi vào “thị trường ngược”, nghĩa là diện tích lớn lại đi vào phân khúc nhỏ của thị trường thế giới (90 tỷ USD), trong lúc đó thị phần 310 tỷ USD đang rộng mở nhưng chúng ta chưa đi vào. Do đó, vấn đề đặt ra là phải gia tăng diện tích gieo trồng rau, củ, quả; áp dụng công nghệ cao vào khâu sau thu hoạch, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để chinh phục phân khúc này, đặc biệt là các sản phẩm rau, củ, quả chế biến chiếm doanh thu rất lớn.

Mục tiêu đặt ra sau 5 năm thực hiện tái cấu trúc nông nghiệp theo chuỗi giá trị của Tây Ninh như sau: tăng diện tích gieo trồng rau củ quả chiếm 55% tổng diện tích toàn tỉnh, tương đương 205.000 ha, diện tích tăng lên 5 lần nhưng doanh thu tăng lên 8 lần. Bên cạnh đó, kéo giảm diện tích cao su, mía, mì xuống 2 lần - còn lại 45%, doanh thu chỉ giảm 1,6%, có nghĩa là mức độ giảm doanh thu không nhiều nhưng có sự tăng đột biến về diện tích để thực hiện tái cấu trúc. Nếu thực hiện được điều này thì sau 5 năm, toàn chuỗi giá trị nông nghiệp của tỉnh sẽ đạt được con số 8 tỷ USD, thu nhập của nông dân từ 1.500 USD/năm lên 5.000 USD/năm. Theo tính toán sơ bộ của các doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà đầu tư thì tổng đầu tư trong 5 năm tới cho phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp Tây Ninh sẽ khoảng 17.000 tỷ đồng.

Ông Võ Đức Trong– Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, rất nhiều nông dân Tây Ninh có diện tích đất lớn (trên 1.000 nông dân), rất nhiều trang trại có diện tích từ 10 ha trở lên, thậm chí gần 1.000 ha, những nông dân này có thể tham gia vào chuỗi giá trị, đặc biệt là phát triển các loại cây ăn trái nhiệt đới. Tỉnh đang hướng tới chuyển dịch các vùng mía, mì có giá trị doanh thu thấp để chuyển qua phát triển cây ăn trái gắn với các nhà máy để có liên kết hệ thống chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

ĐỒNG HÀNH CÙNG TÂY NINH HỘI NHẬP THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Cho đến nay, các hợp đồng thoả thuận về đầu ra cho nông dân Tây Ninh với các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á và nội địa được thống nhất. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nhất trí đầu tư và tiến hành khảo sát, xúc tiến các thủ tục đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp tại Tây Ninh.

Ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Sài Gòn Co.op, nhà đầu tư chợ đầu mối trong dự án chuỗi giá trị tại Tây Ninh cho biết, chợ đầu mối là nơi tập trung lượng mua hàng với khối lượng lớn, cũng là nơi Sài Gòn Co.op có thể tập trung quản lý về mặt chất lượng đối với sản phẩm công ty thu mua. Theo mô hình của chuỗi giá trị nông nghiệp, chợ đầu mối còn là trung tâm hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật, thông qua những yếu tố đầu vào, chợ đầu mối sẽ là nơi công ty tập hợp mua sản phẩm khối lượng lớn, bảo đảm cho người nông dân yên tâm đầu tư trên mảnh đất của mình cũng như thị trường đầu ra cho sản phẩm, tạo sự ổn định về giá cả, ổn định về tâm lý cho người nông dân khi họ cam kết đầu tư theo phương thức mới, bảo đảm phần nào cho sự thành công của dự án.

Ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, tài chính tín dụng là một trong những thành tố quan trọng để mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp thành công. Những năm vừa qua, Vietinbank đã tập trung nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với tín dụng ngân hàng trong phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, trong quá trình thực hiện, ngân hàng sẽ cụ thể hoá, bám sát chủ trương để đưa vào thực tiễn, mặt khác, ngân hàng cũng sẽ là cầu nối để phản ánh những vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn mà cơ chế chưa bao quát được cho các cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ. Lãnh đạo Vietinbank cam kết “Tây Ninh gọi, Ngân hàng Công thương trả lời, không chỉ góp sức cho sự nghiệp phát triển KT-XH của tỉnh mà còn góp sức trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội”.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thuý Hạnh - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, những năm qua, đặc biệt là năm 2016, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định nông nghiệp và công nghệ cao là 2 lĩnh vực được ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư vốn, mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn quy định đối với 2 lĩnh vực này hiện nay khoảng 7%. Như vậy, so với mức vay ngắn hạn của các lĩnh vực khác thì nông nghiệp, nông thôn và công nghệ cao được xét vào lĩnh vực ưu tiên.

Bà Hạnh cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nhận được đề nghị của UBND tỉnh Tây Ninh về việc UBND tỉnh đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ dành ưu đãi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, lãnh đạo ngân hàng Nhà nước Việt Nam rất quan tâm vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản gửi cho UBND tỉnh, theo đó Thống đốc đánh giá cao và ủng hộ Tây Ninh trong việc đề xuất tham gia phát triển chuỗi liên kết giá trị, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thống đốc sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tham gia, hỗ trợ cho vay các dự án đầu tư phát triển chuỗi giá trị và ứng dụng sản xuất công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của một số nhà chuyên môn tham dự Hội thảo Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế tại Tây Ninh vừa qua, nếu hệ thống này được thực hiện thì Tây Ninh sẽ là tỉnh đầu tiên trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đưa được nông sản đi ra khắp thế giới mà không bị hao hụt. Tiến sĩ Lê Thành - Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ cho biết: “Với quyết tâm và sự nỗ lực không ngừng, những nhà đầu tư, những người làm nghiên cứu nhận ra rằng, về Tây Ninh như là về chính ngôi nhà của mình. Được sự động viên chân tình của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, chúng tôi mong muốn được cống hiến một mô hình bằng sự trải nghiệm đầu tư của chính mình trong suốt mười mấy năm qua để góp phần đưa Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng trở thành chỉ dẫn địa lý dẫn đầu về rau, củ, quả trên thế giới. Điều này không quá khó khăn nếu chúng ta quyết tâm mạnh mẽ và có sự hỗ trợ lớn của Nhà nước”.

TRÚC LY

Tin cùng chuyên mục