Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Hướng tới giải thưởng Xuân Hồng lần I: Người nghệ sĩ vừa “tân” vừa “cổ”
Thứ năm: 03:44 ngày 03/01/2013

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, tháng 6.1961, Lê Chí Trung thoát ly tham gia cách mạng.

(BTN)- Tôi thường gặp ông trong các cuộc gặp mặt của giới văn nghệ Tây Ninh. Ông vẫn vậy với nụ cười hiền lành, phong cách giản dị, tính tình khiêm tốn, ít nói. Nhiều bạn văn nghệ trẻ ngày nay có lẽ ít ai biết ông chính là tác giả của nhiều ca khúc đã được sử dụng, dàn dựng trong các cuộc hội diễn, liên hoan văn nghệ cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc.

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng, tháng 6.1961, Lê Chí Trung (ảnh bên) thoát ly tham gia cách mạng. Một thời gian sau đó, ông được tổ chức phân công vào đoàn văn công của tỉnh với nhiệm vụ tổ trưởng tổ nhạc cổ kiêm nhạc công đờn kìm và được cử đi học lớp tân nhạc do tiểu ban văn nghệ Trung ương tổ chức. Thời gian này, Lê Chí Trung đã có nhiều ca khúc sáng tác để cổ vũ phong trào đấu tranh. Ca khúc tiêu biểu của ông thời điểm này là “Dân công Đông Xuân” (1965). Năm 1967, ông sáng tác ca khúc “Chúc tết Bác Hồ”- phổ nhạc từ bài thơ của một đồng chí công tác chung đoàn. Ca khúc này được ông dàn dựng cho các nghệ sĩ trong đoàn văn công biểu diễn trong mùa xuân ấy.

Tháng 11.1968, nhạc sĩ Lê Chí Trung được phân công làm Phó trưởng Đoàn văn công tỉnh. Ông cũng là nhạc công cả cổ nhạc lẫn tân nhạc. Ông có nhiều bản nhạc không lời sử dụng cho các điệu múa do đoàn dàn dựng, hoặc làm nhạc nền cho các tuồng cải lương. 

Tháng 2.1970, ông chuyển công tác sang quân đội, làm trưởng đoàn văn công của Tỉnh đội Tây Ninh. Ngoài nhiệm vụ lãnh đạo đoàn văn công, nhạc sĩ Lê Chí Trung vẫn tiếp tục công việc sáng tác. Nhiều ca khúc của ông như: “Du kích vành đai”, “Xuân về hát tặng bài ca”, “Tây Ninh rực lửa tiến công” được dàn dựng, phục vụ chiến trường. Ông còn sáng tác lời mới cho các điệu lý (dân ca Nam bộ) đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị lúc bấy giờ. Trong thời gian từ năm 1968 đến 1976, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm nhạc múa, phục vụ hàng trăm buổi biểu diễn của đoàn (những năm tháng đó không ai sử dụng nhạc playback mà tất cả các bài hát, múa đều được biểu diễn bằng “dàn nhạc sống”).

Sau 1975, đất nước thống nhất trong niềm vui của quân dân cả nước. Nhạc sĩ Lê Chí Trung cùng đoàn văn công Tỉnh đội tiếp tục lên đường phục vụ chiến sĩ và đồng bào trong tỉnh. Năm 1976, do yêu cầu của trên, đoàn văn công Dân chính và Tỉnh đội sáp nhập thành một, ông được điều sang làm Trưởng đoàn Cải lương Tây Ninh, thuộc Ty Thông tin - Văn hoá. Với trách nhiệm mới, ông vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có thể nói, Đoàn cải lương tỉnh Tây Ninh trong thời gian này rất được quần chúng yêu thích cải lương của tỉnh nhà hâm mộ.

Từ tháng 6.1980 đến 1990, nhạc sĩ Lê Chí Trung từng giữ các chức vụ quan trọng của ngành văn hoá tỉnh nhà như: Trưởng phòng Văn hoá quần chúng, Trưởng phòng Thông tin và cổ động, Trưởng đoàn Ca múa nhạc kịch, cho đến ngày về hưu (tháng 3.1990). Và ông đã kịp cho ra đời một số ca khúc như: “Xuân về xứ Trảng”, “Về chiến khu kỷ niệm”, “Quê tôi”, “Nhìn lại Tây Ninh”…

Tôi vẫn thường gặp nhạc sĩ Lê Chí Trung, nghe ông chia sẻ tâm tình về nghề nghiệp. Ông bày tỏ mong muốn Tây Ninh có được các thế hệ văn nghệ sĩ giỏi nghề, vững vàng về chính trị nối tiếp bậc cha, chú đi trước để phục vụ quê hương nhiều hơn.

Từ năm 2010 trở đi, ca khúc “Tây Ninh rực lửa tiến công” của nhạc sĩ Lê Chí Trung đã giành được nhiều huy chương vàng qua các hội diễn văn nghệ cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Ông cũng từng giành giải cao tại các cuộc Liên hoan đờn ca tài tử ở một số tỉnh bạn miền Tây nhờ ngón độc tấu đờn kìm và giọng ca cổ.

Bằng những cống hiến của mình, nhạc sĩ Lê Chí Trung đã được bình chọn để trao tặng giải thưởng Xuân Hồng- giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh lần thứ I.   

Lê Hữu Trịnh

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục