BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hướng tới kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc 

Cập nhật ngày: 16/06/2018 - 16:19

Tại Trụ sở Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chiều 15/6, Ban Chỉ đạo kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc đã tổ chức họp báo về kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968- 24/7/2018).

Đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng ban Chỉ đạo kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, cung cấp thông tin tại Họp báo. Ảnh: VGP/Diệu Thúy

Tham dự Họp báo có đồng chí Lê Đình Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng ban Chỉ đạo kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc; đồng chí Đặng Quốc Vinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 50 chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc. 

Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân Phan Huy Hiền, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lương; Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Hà Tĩnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc  Hoàng Trung Dũng đồng chủ trì họp báo.

Theo Ban Chỉ đạo, trong thời gian từ 15/7/2018-24/7/2018 nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc sẽ được tổ chức, trong đó Lễ kỷ  niệm và chương trình nghệ thuật đặc biệt sẽ được tổ chức và tối 21/7/2018 tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc.

Cùng với đó, cũng tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và tại một số địa điểm của tỉnh Hà Tĩnh, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, nhiều hoạt động ý nghĩa khác cũng được tổ chức như: Chương trình gặp mặt các cựu TNXP tiêu biểu; Lễ cầu siêu các liệt sĩ; Lễ khánh thành Đền thờ Ngã ba Đồng Lộc; Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đồng Lộc – Giá trị hiện thực và lịch sử”’; Chương trình Hội quân; công diễn và trao giải cho các tác phẩm chất lượng viết về TNXP, Đồng Lộc; Lễ thắp nến tri ân…

Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, là nơi giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Từ đây có thể mở rộng các hướng, phục vụ tốt cho nhu cầu giao thông vận tải khi các tuyến giao thông ở đồng bằng bị cắt đứt.

Đây cũng là nơi có địa hình phức tạp và hiểm yếu. Toàn bộ khu vực Ngã ba Đồng Lộc nằm trên một khu đồi hẹp, thuộc phạm vi các xã: Đồng Lộc, Trung Lộc, Xuân Lộc, Mỹ Lộc, Thượng Lộc của huyện Can Lộc.

Địa hình trống trải, một bên là đồi trọc, một bên là ruộng nước sình lầy, mùa khô đường bụi đỏ, mùa mưa nước đọng, khi bị địch đánh phá thì việc khắc phục rất khó khăn. Trong chiến tranh, ước tính, mỗi mét vuông ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn.

Địa danh Đồng Lộc đã trở thành đỉnh cao của cuộc chiến tranh nhân dân, là sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu; đã 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của Chiến thắng Đồng Lộc vẫn còn vẹn nguyên giá trị đó là biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân ta, thể hiện tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta:

Nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”…, lấy ý chí, trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của địch.

Chiến thắng Đồng Lộc khẳng định ý chí kiên cường bất khuất, bằng sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến đấu dũng cảm mưu lược đã giữ vững mạch máu giao thông chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Chiến thắng Đồng Lộc mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Những chiến sỹ dũng cảm hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc là biểu tượng thiêng liêng, cao quý của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những tấm gương nghĩa liệt đó không chỉ trong cuộc chiến tranh ái quốc mà còn sáng mãi muôn đời để nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ noi theo. 

Chiến thắng Đồng Lộc là tiếp nối truyền thống yêu nước, cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh; khẳng định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phới phới dậy tương lai” của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Nguồn Chinhphu