Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Bị cáo kháng cáo, TAND tỉnh tuyên huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho Viện KSND huyện Tân Châu điều tra lại vì vụ án có nhiều tình tiết chưa được làm rõ.
Vụ án một công chức địa chính ở xã Tân Hà nhận tiền của người dân “để giải quyết nhanh” thủ tục cấp giấy CNQSDĐ đã được TAND huyện Tân Châu đưa ra xét xử và tuyên phạt 3 năm tù về tội “nhận hối lộ”.
Bị cáo kháng cáo, TAND tỉnh tuyên huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho Viện KSND huyện Tân Châu điều tra lại vì vụ án có nhiều tình tiết chưa được làm rõ.
Cấp sơ thẩm: phạt 3 năm tù tội “nhận hối lộ”
Hồ sơ vụ án thể hiện, bà Trần Thị Ngọc Phương (ngụ ấp Thạnh Hoà, xã Thạnh Ðông, huyện Tân Châu) quen biết với ông Ðào Ngọc Hiệp (ngụ khu phố 2, thị trấn Tân Châu) nên nhờ ông này giúp đỡ làm hồ sơ, thủ tục đổi giấy CNQSDÐ của bà với diện tích 5,1 ha, toạ lạc tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu.
Khoảng tháng 5.2016, ông Hiệp cùng với Ðặng Hoàng Nam- công chức địa chính xã Tân Hà đến nhà bà Phương. Tại đây, bà Phương nhờ Nam làm thủ tục đổi giấy CNQSDÐ diện tích 5,1 ha thành 3 giấy CNQSDÐ, gồm: một giấy có diện tích 30.000m2 chuyển từ tên bà Phương sang tên con gái Huỳnh Thị Hoàng Oanh, một giấy diện tích 17.193,1m2 và một giấy có diện tích 4.406,7m2 còn lại do bà Phương đứng tên.
Nam đồng ý và thoả thuận làm xong trong 2 tháng với “giá” 8 triệu đồng. Do không có tiền nên bà Phương mượn chị Oanh 4 triệu đồng đưa trước cho Nam, trước sự chứng kiến của ông Hiệp.
Hơn hai tháng sau, Nam vẫn chưa hoàn tất thoả thuận, dù bà Phương và chị Oanh nhiều lần điện thoại yêu cầu giao giấy CNQSDÐ để bà Phương vay tiền ngân hàng.
Ngày 27.7.2016, chị Oanh nhờ bạn là anh Nguyễn Thành Phương cùng đến quán C.Ð thuộc xã Tân Hội, huyện Tân Châu để gặp ông Ðỗ Thiết Lập là Chủ tịch UBND xã Tân Hà. Trước đó, anh Thành Phương đã điện thoại hẹn trước, nhờ ông Lập “tác động” để Nam làm nhanh giấy CNQSDÐ cho bà Phương.
Khoảng đầu tháng 8.2016, Nam trực tiếp đến nhà và giao cho bà Phương một giấy CNQSDÐ có diện tích 30.000m2 đứng tên chị Oanh. Bà Phương tiếp tục đưa cho Nam 3 triệu đồng, còn 1 triệu đồng, bà cam kết sẽ đưa sau khi nhận 2 giấy CNQSDÐ còn lại. Một thời gian khá lâu không thấy Nam giao giấy, ngày 10.2.2017, bà Phương tố cáo hành vi của Nam đến Công an huyện Tân Châu.
Ngày 8.3.2017, Cơ quan CSÐT mời Nam đầu giờ chiều đến làm việc. Tuy nhiên, khoảng 11 giờ 30 phút cùng ngày, Nam điện thoại nhờ ông Hồ Quốc Việt - công an viên xã Tân Hà mang hồ sơ diện tích 4.406,7m2 của bà Phương để tại UBND xã gặp Nam tại Công an huyện. Tại đây, Nam đưa cho Việt một phong bì 7 triệu đồng và hồ sơ đất mang trả lại bà Phương.
Trong quá trình điều tra, Nam không thừa nhận việc nhận 7 triệu đồng của bà Phương là phạm tội, mà cho rằng, bà kẹp phong bì số tiền trên trong hồ sơ nên Nam không biết. Tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND huyện Tân Châu tuyên Nam phạm tội “nhận hối lộ”, xử phạt 3 năm tù.
Ngày 14.12.2017, bị cáo Nam có đơn kháng cáo với nội dung: Viện KSND huyện buộc tội Nam không có căn cứ, suy diễn, chỉ nghe theo lời khai duy nhất của bị hại, vi phạm tố tụng hình sự.
Quá trình điều tra, giữa bà Phương và ông Hiệp thông cung để thống nhất khai về số tiền, mệnh giá tiền. Bị cáo Nam đề nghị đối chất với bị hại nhưng không được chấp nhận. Khi xét xử sơ thẩm, bị hại vắng mặt.
Viện KSND tỉnh thay đổi quan điểm
Khi xét xử phúc thẩm, bị cáo Nam giữ nguyên nội dung kháng cáo trên, bổ sung nội dung: giữa bị cáo Nam và bà Phương không có thoả thuận ra 3 giấy CNQSDÐ, không có nhân chứng, Viện KSND huyện Tân Châu buộc tội bị cáo là không đúng quy định pháp luật.
Trong phần tranh luận, Viện KSND tỉnh xác định có cơ sở xác định lần đầu bà Phương đưa Nam 4 triệu đồng. Sau khi hoàn tất giấy CNQSDÐ cho chị Oanh, bà Phương đưa tiếp cho bị cáo 3 triệu đồng.
Bị cáo Nam khai bà Phương đến UBND xã bổ sung hồ sơ và đưa 7 triệu đồng vào ngày 7.3.2017 là không có căn cứ. Bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh nên Viện KSND không chấp nhận kháng cáo.
Bào chữa cho bị cáo Nam, luật sư Võ Văn Trà (Ðoàn luật sư tỉnh Quảng Nam) không đồng ý với quan điểm của Viện KSND. Luật sư Trà cho rằng, ngày 7.3.2017, qua kiểm tra điện thoại, ngày này bị cáo Nam nhắn tin cho bà Phương lúc 8 giờ 12 phút với nội dung “em đang họp”.
Cùng ngày, bị cáo Nam và bà Phương điện thoại liên lạc nhiều lần. Từ đó có cơ sở xác định, sáng ngày 7.3.2017, bà Phương có đến UBND xã Tân Hà. Tại phiên toà phúc thẩm, ông Hiệp xác định, thấy bà Phương đưa tiền nhưng không biết bao nhiêu. Bị cáo Nam thừa nhận hôm đó có nhận 400.000 đồng.
Theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, cơ quan tố tụng phải chấp nhận số tiền bà Phương đưa cho bị cáo là 400.000 đồng. Lần thứ hai, bà Phương đưa 3 triệu đồng, chỉ có lời khai bà Phương.
Cơ quan điều tra và Viện KSND hợp thức hoá lời khai của bà Phương và bà Oanh để xét xử. Vì vậy, bản án sơ thẩm mang tính suy diễn. Về tội danh, luật sư Trà cũng cho rằng, thẩm quyền ra giấy CNQSDÐ thuộc Chủ tịch UBND huyện và VPÐKÐÐ. Bị cáo Nam không thể là chủ thể của tội danh “nhận hối lộ”. Vì vậy, luật sư Trà đề nghị HÐXX huỷ bản án sơ thẩm, điều tra, xét xử lại.
Bào chữa cho bị cáo Nam, luật sư Nguyễn Thị Hằng (Ðoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho biết, vào thời điểm ngày 27.7.2016, bà Phương chỉ có 2 diện tích đất 30.000m2 và diện tích 15.500m2 hết hạn vay vào ngày 25.7.2016.
Trong khi tiếp xúc với bị cáo Nam tại quán C.Ð, anh Phương, chị Oanh có đưa ra giấy CNQSDÐ là phù hợp thực tế. Sau khi xem giấy tờ, anh Phương xác định, đất phải ra 3 giấy. Do đó, bà Phương khai thoả thuận với bị cáo Nam ra giấy CNQSDÐ là vô lý.
Về số tiền 4 triệu đồng, luật sư Hằng cho biết, chị Oanh khai ngày 8.5.2017 xác định, khoảng 10 giờ 30 phút, bà Phương mượn của Oanh 4 triệu đồng. Sự việc xảy ra buổi tối nhưng Oanh lại khai vào 10 giờ 30 phút. Lời khai của bà Phương và chị Oanh mâu thuẫn nhau.
Luật sư Hằng lập luận, không có số tiền 4 triệu đồng thì không có số tiền 7 triệu đồng như bà Phương khai. Bị cáo Nam và chị Oanh không biết nhau. Oanh không nói gì về số tiền 4 triệu đồng. Theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, Nam thừa nhận nhận 400.000 đồng thì phải chấp nhận lời khai của bị cáo.
Theo luật sư Hằng, việc nộp hồ sơ tại VPÐKÐÐ, ai nộp cũng được. Nếu xác định lời khai bà Phương làm căn cứ truy tố, xét xử bị cáo nhận tiền hai lần (4 triệu đồng và 3 triệu đồng) thuộc khoản 1 Ðiều 279 BLHS. Luật sư Hằng cũng cho rằng, bị cáo không phải là chủ thể của tội phạm mà Viện KSND truy tố.
Ðối với bản tường trình của bà Phương với nội dung khi nhận tiền, bị cáo Nam thường né tránh. Tuy nhiên, qua kiểm tra điện thoại của Nam thể hiện ngày 7.3.2017, bà Phương vẫn liên lạc và có đến UBND xã Tân Hà gặp bị cáo Nam. Bị cáo Nam có báo cáo lãnh đạo xã việc nhận số tiền 7 triệu đồng.
Do diễn biến tư tưởng không bắt buộc bị cáo Nam phải báo cáo liền. Luật sư Hằng cho rằng, việc không cho bị cáo Nam đối chất với bà Phương là vi phạm tố tụng hình sự. Từ những phân tích trên, luật sư Hằng đề nghị HÐXX huỷ bản án sơ thẩm.
Trong giai đoạn tranh luận như nêu trên, đại diện Viện KSND tỉnh thay đổi quan điểm cho rằng, chứng cứ trong hồ sơ có nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ. Vì vậy, Viện KSND cũng đề nghị HÐXX huỷ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
Cấp phúc thẩm: có dấu hiệu tội “đưa hối lộ”
Từ kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, thay mặt HÐXX, thẩm phán, chủ toạ phiên toà Phạm Thị Thanh Giang nhận định: xét chứng cứ chứng minh hành vi của bị cáo Nam, xác định bị cáo có đến nhà bà Phương; bị cáo Nam có nhận 7 triệu đồng và nhờ ông Việt trả lại. Tuy nhiên, một số chứng cứ chưa được cấp sơ thẩm làm rõ.
Cụ thể, về thời gian và địa điểm, vào ngày 31.3.2017, bị cáo khai với CQÐT nhận 7 triệu đồng vào khoảng 8 - 9 giờ ngày 28.7.2016 tại UBND xã.
Tuy nhiên, đến ngày 18.4.2017 (18 ngày sau), bị cáo thay đổi lời khai cho rằng nhận 7 triệu đồng vào sáng ngày 7.3.2017 khi bà Phương đến UBND xã nộp giấy tờ bổ sung hồ sơ đất.
Việc thay đổi lời khai này, bị cáo không cung cấp được chứng cứ nhưng qua kiểm tra điện thoại của bà Phương thể hiện ngày 7.3.2017, bà gọi cho Nam 3 cuộc vào buổi sáng, 2 cuộc vào buổi chiều. Về phía bị cáo, Nam có nhắn tin và gọi cho bà Phương vào lúc 10 giờ 20 phút.
Cùng ngày 7.3.2017, bị cáo Nam điện thoại cho ông Lập, báo việc bà Phương đưa tiền. Trong thời gian từ ngày 5.3.2017 đến 8.3.2017, giữa bị cáo Nam, bà Phương và một người tên Ngô Thị Thu Dung nhiều lần liên lạc qua điện thoại.
CQÐT chưa làm rõ nội dung các cuộc gọi theo biên bản kiểm tra ngày 10.3.2017, chưa tiến hành đối chất giữa bị cáo Nam với bà Phương; chưa đối chất giữa đối tượng tên Dung và bị cáo Nam với ông Lập, cũng như chưa đối chất giữa ông Lập với bà Phương để xem xét việc bị cáo Nam thay đổi lời khai có căn cứ hay không.
HÐXX cho rằng, đối với hồ sơ có diện tích đất 30.000m2, bà Phương được cấp giấy CNQSDÐ lần hai (cấp đổi) vào ngày 28.7.2014 và tiến hành làm thủ tục tặng cho chị Oanh tại xã Tân Hà vào ngày 28.7.2016, Nam trực tiếp làm xong và chuyển sang VPÐKÐÐ tiếp nhận trong cùng một ngày.
Theo biên bản xác minh tại VPÐKÐÐ ngày 2.6.2017 thể hiện: “…Ðối với hồ sơ đất của bà Trần Thị Ngọc Phương tặng cho Huỳnh Thị Hoàng Oanh diện tích 30.000m2... không cấp đổi giấy CNQSDÐ mới”, tức là chị Oanh không có đứng tên giấy CNQSDÐ diện tích 3 ha.
Tài liệu này mâu thuẫn với lời trình bày của bà Phương cho rằng, đến khoảng tháng 8.2016, bị cáo Nam đem giấy CNQSDÐ tên Huỳnh Thị Hoàng Oanh đến nhà và bà đã đưa tiếp 3 triệu đồng, nội dung này cần điều tra làm rõ.
Ðối với tờ tường trình tố cáo, HÐXX cho rằng, bà Phương nộp cho Công an huyện Tân Châu vào ngày 11.2.2017. Sau đó, bà vẫn tiếp tục giao dịch với Nam.
Ngày 7.3.2017, bà Phương điện thoại cho Nam liên tục 5 cuộc gọi. Lẽ ra khi liên lạc, bà phải trình báo Công an nhưng bà lại không làm. Theo nội dung đơn, bà Phương đưa tiền cho bị cáo Nam để làm một việc là “ra giấy đỏ” vì lợi ích của bà.
Tại thời điểm trình báo Công an, hành vi đưa tiền đã hoàn thành xong 6 tháng. Do không đạt kết quả như mong muốn nên bà Phương mới tố cáo. Như vậy, hành vi của bà Phương có dấu hiệu của tội danh “đưa hối lộ”.
Về tội danh “nhận hối lộ”, HÐXX cho biết, bản tường trình tố cáo của bà Phương xác định “chú Nam nhận hồ sơ làm sổ đất... Tôi phải đưa 8 triệu đồng”. Như vậy, bà Phương đưa tiền cho bị cáo Nam để làm sổ đỏ cho bà.
Quyết định của UBND huyện Tân Châu điều động bị cáo Nam nhận công tác tại UBND xã Tân Hà với chức danh Ðịa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường từ ngày 22.6.2015.
Hồ sơ vụ án chưa thể hiện chức vụ, quyền hạn cụ thể của bị cáo Nam làm gì tại UBND xã Tân Hà trong lĩnh vực tiếp nhận hồ sơ đất đai. Hồ sơ thể hiện, ngoài bị cáo Nam còn có ông Phạm Minh Quang tham gia trong quá trình làm hồ sơ đất đai cho bà Phương.
HÐXX đặt vấn đề, yêu cầu của bà Phương có thuộc trách nhiệm giải quyết của bị cáo hay không? Trong khi đó, hồ sơ thể hiện, chưa có ý kiến của cơ quan quản lý xác định công việc, chức vụ, quyền hạn cụ thể của bị cáo trong lĩnh vực đất đai tại địa phương như thế nào.
Tại phiên toà phúc thẩm, ông Lập trình bày, UBND xã Tân Hà ra hai quyết định phân công nhiệm vụ cho bị cáo Nam nhưng CQÐT không có yêu cầu cung cấp. HÐXX cũng nhận định, cấp sơ thẩm chưa làm rõ bị cáo nhận tiền để “làm nhanh” thủ tục ở giai đoạn cấp xã là những thủ tục gì, địa chính xã có quan hệ như thế nào với VPÐKÐÐ cũng như VPÐKÐÐ đã nhận hồ sơ trên cơ sở điện thoại của bị cáo Nam có đúng theo quy định không, trường hợp nào phải có giấy uỷ quyền.
Từ những phân tích trên, HÐXX tuyên huỷ bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Tân Châu, giao hồ sơ cho Viện KSND huyện Tân Châu điều tra lại theo thủ tục chung.
ÐỨC TIẾN