Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến làm Trưởng đoàn tham dự khai mạc Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam tại Trung tâm Triển lãm Hội chợ Giảng Võ- Hà Nội.

Trong không khí dịu mát của mùa thu Hà Nội, từ sáng sớm ngày 1.10.2010, hàng chục ngàn người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận đã đổ về các con đường lớn chung quanh hồ Hoàn Kiếm để tham dự chương trình khai mạc Đại lễ Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội. Trước đó, đêm 30.9.2010, đường phố của Hà Nội rộn ràng và tươi sắc với hàng trăm ngàn lẵng hoa, biểu ngữ, chân dung Hồ Chủ tịch, ngập tràn các pa nô chào mừng ngày đại lễ này ở những tuyến phố chính như Lê Duẩn, Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Cửa Bắc…
![]() |
Khai mạc đại lễ tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. |
Các khu vực Lăng Ba Đình, Hồ Gươm được trang hoàng lộng lẫy, thu hút bà con nhân dân Thủ đô chen kín các ngã đường dẫn về khu vực này. Giữa không khí sôi nổi của quân dân cả nước cùng hướng về đại lễ, đúng 8 giờ sáng, hiệu lệnh khai mạc Đại lễ Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội chính thức bắt đầu trước tượng đài Lý Thái Tổ qua ngọn đuốc thắp lửa thiêng từ tay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.
Có mặt tham dự tại buổi đại lễ có các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Chính phủ, các vị nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, các đại biểu bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Thành uỷ và UBND thành phố Hà Nội, các đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền các địa phương trong cả nước. Tham dự lễ khai mạc còn có các đoàn khách quốc tế, trên 300 phóng viên báo chí trong và ngoài nước.
Đại lễ Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội bắt đầu với nghi thức dâng hương dưới tượng đài Lý Thái Tổ, vị vua có công dời đô và xây dựng thành Thăng Long, Hà Nội ngày nay. Theo lịch sử mùa thu năm Canh Tuất- 1010, vua Lý Công Uẩn, vị vua đầu tiên của nhà Lý, quyết định dời đô từ Ninh Bình ra đất mới vì đất cũ chật hẹp. Khi đến sông Hồng, nhà vua thấy rồng từ mặt nước bay lên trời nên vùng đất này được đặt tên là Thăng Long.
Nhân dịp này, tổ chức quốc tế UNESCO đã trao Bằng chứng nhận danh hiệu Di sản văn hoá thế giới của khu vực Hoàng Thành Thăng Long- Hà Nội cho Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Trong diễn văn chào mừng, đồng chí Phạm Quang Nghị- Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định: Hướng tới Đại lễ Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ chính trị xã hội, với nhiều công trình, dự án tiêu biểu phục vụ nhu cầu dân sinh trên địa bàn.
Sau lễ khai mạc là 5 chương trình văn nghệ được tổ chức cùng lúc quanh khu vực Hồ Gươm với các chủ đề: 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, Nhịp điệu Trẻ, Dòng máu Lạc Hồng, Bạn bè bốn phương, Thăng Long hội tụ. Các sân khấu này tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội xưa, chào đón du khách trong và ngoài nước về tham dự lễ hội này.
Được Đài Truyền hình Việt Nam trực tiếp phát sóng đến cả nước, buổi khai mạc Đại lễ Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội tại vườn hoa Lý Thái Tổ, đã kết nối trái tim của hàng chục triệu người dân trong cả nước hoà nhịp chung vui với thủ đô Hà Nội, đồng thời mở đầu cho nhiều chương trình quy mô khác như Triển lãm hiện vật cổ, Lễ đón nhận Danh hiệu di sản thế giới, Chương trình văn nghệ quốc tế, các lễ hội đường phố và ẩm thực Hà Nội… được tổ chức từ ngày 1.10 đến ngày 10.10 năm 2010.
Đúng 7 giờ 30 tối cùng ngày, tại Trung tâm Triển lãm Hội chợ Giảng Võ- Hà Nội, Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam chính thức khai mạc trên diện tích gần 16.000 m2 với sự tham dự của lãnh đạo Trung ương và 30 đoàn đại biểu các tỉnh, thành trong nước. Đoàn đại biểu tỉnh Tây Ninh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến làm Trưởng đoàn tham dự khai mạc triển lãm. Triển lãm này thu hút trên 500 doanh nghiệp thuộc 69 đơn vị tỉnh, thành và bộ, ngành trong cả nước, tham gia trưng bày gần 300 gian hàng giới thiệu các đặc trưng kinh tế vùng miền, thành tựu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, văn hoá trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Đây là đợt triển lãm quy mô lớn nhất tại Thủ đô Hà Nội từ trước đến nay, được chia thành 2 khu vực chính: Khu triển lãm trưng bày những thành tựu nổi bật của đất nước trong 65 năm xây dựng và phát triển trong thời kỳ đổi mới; Khu tôn vinh doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam giới thiệu các thương hiệu có uy tín của doanh nghiệp và những doanh nhân đóng góp vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới.
![]() |
Gian hàng trưng bày của Công ty CP du lịch Tây Ninh |
Với chủ đề Tây Ninh kết nối đến tương lai, khu vực trưng bày triển lãm của tỉnh Tây Ninh có diện tích trên 200m2, tập trung giới thiệu khái quát cảnh quan, tiềm năng và thế mạnh kinh tế xã hội của tỉnh nhà trên đường phát triển cùng cả nước. Khu trưng bày nổi bật với các gian hàng trưng bày sản phẩm của 6 doanh nghiệp đại diện cho các thành phần kinh tế ở Tây Ninh là các đơn vị: Công ty cổ phần du lịch Tây Ninh, Công ty cổ phần Bourbon- An Hoà, Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh, Công ty cổ phần xi măng Tây Ninh, Công ty tinh bột mì Định Khuê, Doanh nghiệp Trà Hoàn Ngọc. Ông Phạm Văn Sơn (Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh) cho biết, qua đợt triển lãm này, các doanh nghiệp hy vọng sẽ quảng bá và cung cấp thông tin cho nhiều doanh nhân trong và ngoài nước biết đến tiềm năng và thế mạnh của nông sản Tây Ninh như mía, mì, cao su… và mời gọi doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia những dự án đầu tư hạ tầng trong tương lai.
Tại triển lãm, các doanh nghiệp Tây Ninh trưng bày nhiều sản phẩm hàng hoá phong phú từ tiềm năng thế mạnh kinh tế của tỉnh nhà như các sản phẩm đường Nước Trong, tinh bột khoai mì Tapioca, sản phẩm bao bì Trà Phí, tinh bột khoai mì Định Khuê, cao su Nước Trong, xi măng nhãn hiệu Fico… Gian hàng Trung tâm của Khu triển lãm Tây Ninh còn trưng bày những đặc sản của Tây Ninh nổi tiếng cả nước như muối ớt tôm, bánh tráng Trảng Bàng… Bên cạnh đó là việc giới thiệu các dự án mời gọi đầu tư của Công ty cổ phần Bourbon- An Hoà, dự án giới thiệu tiềm năng du lịch của Công ty cổ phần du lịch tỉnh Tây Ninh, dự án xây dựng Cụm Công nghiệp Tân Hội của Công ty TNHH MTV Mía đường Tây Ninh trong giai đoạn 2010-2020 được nhiều đối tác trong và ngoài nước quan tâm.
Chúc mừng các đơn vị tham gia tại khu trưng bày triển lãm của tỉnh Tây Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tiến nhận định, các đơn vị tham gia triển lãm của Tây Ninh lần này đã tổ chức tốt các khâu chuẩn bị hiện vật, tư liệu giới thiệu cảnh quan, tiềm năng, đất và con người Tây Ninh trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Quy mô và sự đầu tư của khu triển lãm thể hiện được tấm lòng của quân dân Tây Ninh cùng hướng về Thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước trong dịp chào mừng Đại lễ Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội lần này.
Hà Nội đêm 1.10.2010 càng tưng bừng với nhiều sự kiện văn hoá nghệ thuật diễn ra cùng lúc, càng nhân lên niềm vui của người dân thủ đô và hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước. Đó là chương trình Đêm Hồ gươm lung linh với hiệu ứng ánh sáng lazer, đã kiến tạo Tháp Rùa và đền Ngọc Sơn ở Hồ Gươm thành những kỳ quan bằng ánh sáng huyền ảo, rực rỡ trong bầu trời đêm thu Hà Nội. Tại Nhà hát Lớn Hà Nội là chương trình hoà nhạc Hội nhập quốc tế- Niềm tin tưởng đến tương lai với sự tham dự của nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn và các danh cầm quốc tế.
Đại lễ Ngàn năm Thăng Long- Hà Nội còn tiếp tục kéo dài cho đến ngày 10.10.2010 với hàng loạt sự kiện lớn khác như khánh thành con đường gốm sứ dài hơn 4.000 mét tại An Dương, khai mạc Hội chợ triển lãm Làng nghề các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô- Sơn Tây, liên hoan ẩm thực du lịch Hà Nội, khai mạc trưng bày hiện vật lịch sử 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long; ra mắt tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến tại Thư viện Quốc gia…
HUỲNH MINH ĐỨC
(Tường thuật từ Thủ đô Hà Nội)