Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Cơ cấu nông nghiệp và nông thôn ở DMC chuyển dịch còn chậm, chưa phát huy được lợi thế vùng sản xuất chuyên canh cây trồng…

![]() |
Nông dân Dương Minh Châu đẩy mạnh thâm canh cây lúa |
Huyện Dương Minh Châu (DMC) có tổng diện tích đất tự nhiên trên 45.312 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm hơn 28.497 ha. Huyện có dân số khoảng 105.500 nhân khẩu, trên 80% hộ dân sống bằng nghề nông. Từ khi có Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, sản xuất nông nghiệp của huyện đạt được nhiều tiến bộ về năng suất, chất lượng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển tương đối ổn định, có tích luỹ và tái sản xuất trong nhân dân. Kết cấu hạ tầng nông thôn bước đầu được quan tâm xây dựng. Hộ nghèo từng bước được kéo giảm, hộ khá giàu ngày càng tăng lên làm cho diện mạo nông thôn của huyện ngày càng đổi mới.
Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân luôn được các ngành chức năng quan tâm. Trong hai năm 2009-2010, huyện đã mở được 205 lớp tập huấn, hội thảo, trình diễn, tham quan mô hình…, với hơn 10.000 lượt nông dân tham dự. Huyện đã tổ chức thực hiện được các chương trình, dự án phục vụ nông nghiệp như: Hỗ trợ 40 máy phun thuốc cho các hộ nghèo ở hai xã Suối Đá và Phước Ninh; 40 máy se nhang cho hộ nghèo xã Phước Ninh; 9 máy chẻ nan cho hộ nghèo các xã Phước Ninh và Bàu Năng. Huyện cũng thực hiện được mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất lúa, với 195 ha ở xã Chà Là.
Tuy nhiên, cơ cấu nông nghiệp và nông thôn ở DMC chuyển dịch còn chậm, chưa phát huy được lợi thế vùng sản xuất chuyên canh cây trồng; vẫn còn phổ biến tình trạng nông dân tự phát chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo biến động của giá cả thị trường. Người nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn trồng rồi chặt bỏ. Sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chưa phát triển vững chắc. Một bộ phận nông dân còn nghèo, thiếu việc làm, lao động nhàn rỗi còn nhiều, đời sống khó khăn. Cơ sở hạ tầng của huyện còn thiếu và chưa đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp.
Vấn đề khó khăn nhất hiện nay của nông dân DMC cũng như nhiều nơi khác là thị trường tiêu thụ nông sản, giá cả luôn bấp bênh, thiếu ổn định. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn ở diện hẹp, do thiếu kinh phí và lúng túng trong kế hoạch sử dụng vốn đầu tư ở lĩnh vực này. Đầu tư quy hoạch nông thôn cũng còn khó khăn.
![]() |
Hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn Dương Minh Châu đã được bê tông hoá |
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X), trong thời gian tới (giai đoạn 2010-2020) huyện DMC đã có kế hoạch phát triển vùng chuyên canh cây trồng, sản xuất mang tính hàng hoá tập trung vào các cây trồng chính: mía, mì, bắp, đậu phộng; từng bước đẩy mạnh cơ giới hoá đồng bộ các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh thâm canh cây lúa; xây dựng các vùng chuyên canh cây đậu phộng và vùng sản xuất rau an toàn; tập trung phát tiển giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phục vụ sản xuất các vùng nguyên liệu; đổi mới và xây dựng các hình thức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn…
D.H