Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Huyện DMC: Diện tích mía có tăng nhưng... thiếu ổn định
Thứ sáu: 01:23 ngày 10/12/2010

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện trên địa bàn huyện có 3.907 ha mía, diện tích mía hiện có đạt 64,73% so với kế hoạch phát triển cây mía trên địa bàn huyện (KH 6.035 ha).

Bà Bùi Thị Hải Đường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Dương Minh Châu cho biết: Hiện trên địa bàn huyện có 3.907 ha mía, diện tích mía hiện có đạt 64,73% so với kế hoạch phát triển cây mía trên địa bàn huyện (KH 6.035 ha). Trong đó diện tích trồng mới là 1.931 ha tăng 118% so cùng kỳ năm trước. Hiện diện tích trồng mía trên địa bàn huyện chủ yếu thuộc vùng nguyên liệu của SBT (2.257 ha, diện tích trồng mới là 1.016 ha) và Nhà máy đường Biên Hoà - Tây Ninh (1.650 ha, trong đó trồng mới 825 ha). Mặc dù diện tích mía có tăng nhưng hiện còn nhiều khó khăn cần giải quyết để phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững.  

Thu hoạch mía vụ 2010 ở huyện Dương Minh Châu

Theo Phòng NN&PTNT huyện, trong niên vụ vừa qua, với sự quan tâm của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, các nhà máy đường đã cố gắng phát triển vùng nguyên liệu mía. UBND tỉnh đã tổ chức rà soát quy hoạch lại vùng nguyên liệu sát với thực tế, nhà máy và chính quyền địa phương đã có chính sách hỗ trợ cho nông dân thực hiện quy hoạch tạo vùng nguyên liệu tập trung đủ điều kiện áp dụng kỹ thuật thâm canh cao, chuyển đổi cây mía từ vùng cao xuống vùng thấp nhằm nâng cao năng suất chất lượng mía và tăng thu nhập cho người nông dân.

Tuy nhiên, trước tình hình giá cả biến động, người trồng mía gặp nhiều khó khăn hơn các năm trước. Giá đường, giá mía có tăng nhưng không tương xứng với mức tăng của vật tư, nguyên liệu đầu vào cũng như chưa tương xứng với mức tăng giá của nhiều sản phẩm nông nghiệp khác (mì, cao su). Với giá bán mía cho các nhà máy như hiện nay thì hiệu quả trồng mía vẫn còn thấp, nhiều nông dân đã “bỏ mía” chuyển đổi sang cây trồng khác, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu để các nhà máy đường chế biến.

Đánh giá chung về việc xây dựng vùng nguyên liệu mía trong thời gian qua trên địa bàn huyện cũng như tình hình chung trong tỉnh, Phòng NN&PTNT huyện DMC cho rằng diện tích vùng nguyên liệu của các nhà máy phát triển không ổn định, nhiều nơi đang thu hẹp dần, năng suất, chất lượng mía không cao. Đến cuối năm 2010, diện tích trồng mía không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để “cứu” cây mía

Phòng NN&PTNT huyện DMC nhận định: Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đối với việc thực hiện chuyển đổi cây mía từ vùng cao xuống vùng thấp còn những bất cập cần được giải quyết. Đó là sự đan xen của các nhà máy nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chưa nhiều, chưa đồng bộ so với tiềm năng mở rộng vùng nguyên liệu mía, nhất là đối với vùng thấp. Việc kiên cố hoá kênh mương thiếu quy hoạch lâu dài, vào mùa mưa dễ gây ngập úng cục bộ. Chi phí sản xuất quá cao: giá vật tư, công lao động, vận chuyển, giá mía cao như hiện nay khiến hiệu quả trồng mía thấp hơn nhiều so với cây trồng khác. Do yêu cầu về an toàn giao thông, các phương tiện trung chuyển mía như xe máy bị “khống chế” tải trọng nên việc chở mía về nhà máy gặp nhiều khó khăn, giá thành vận tải tăng cao, làm giảm thu nhập thực tế của người trồng mía. Tình trạng thiếu công lao động chăm sóc mía cũng là nỗi lo của nông dân. Nguyên nhân có phần do chuyển đổi cơ cấu lao động nên lao động phổ thông ngày càng thiếu, công chăm sóc thu hoạch mía tăng cao làm tăng giá thành sản xuất mía.

Ngoài những nguyên nhân khách quan còn có những nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc phát triển vùng nguyên liệu mía bị hạn chế. Cụ thể, việc rà soát quy hoạch vùng nguyên liệu mía chưa được thực hiện hợp lý; còn quy hoạch “chồng chéo” giữa các nhà máy và các cây nguyên liệu khác. Việc triển khai đồng bộ các giải pháp để thâm canh, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất mía nguyên liệu còn nhiều bất cập. Công tác chuyển giao giống mới, chuẩn bị mía giống chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Việc đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ, gắn bó người trồng mía với nhà máy “chưa thực sự được quan tâm”. Trong khi hệ thống thuỷ lợi, giao thông nội đồng chưa được thi công hoàn chỉnh thì có nơi đã xuống cấp… Những nguyên nhân trên làm cho người trồng mía không an tâm sản xuất, không tiếp tục đầu tư cho cây mía mà chuyển sang các cây trồng khác như  mì, cao su.

Có những nơi, việc thu hoạch mía kéo dài. Đám thì thu hoạch xong từ lâu nhưng đám liền kề đã “trổ cờ” trắng ruộng, cây mía khô đét vẫn phải chờ “đến lượt” khiến nông dân “bất mãn”.

Do đó, để phát triển và giữ được sự ổn định vùng nguyên liệu mía, đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy chế biến, cần có sự chỉ đạo đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước từ trên xuống cùng sự chủ động, nỗ lực của các nhà máy đường. Trong thời gian tới, ngành chức năng và các nhà máy cần tích cực hỗ trợ nông dân tổ chức chăm sóc tốt diện tích mía hiện có để nâng cao năng suất bù sản lượng mía thiếu hụt do giảm diện tích; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung có năng suất chất lượng cao, các nhà máy đường có kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt; tăng diện tích để tăng sản lượng là cần thiết nhưng để có vùng nguyên liệu ổn định thì việc tăng năng suất sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất cho cả nhà máy và người trồng mía, do đó các nhà máy cần xem đây là giải pháp cơ bản để đảm bảo nguồn nguyên liệu mía cho nhà máy hoạt động; đẩy mạnh phát triển giống mía có năng suất và chữ đường cao, thích nghi với từng vùng đất, có khả năng kháng sâu bệnh cao; chú trọng việc cung cấp đủ giống cho người trồng mía, bố trí cơ cấu giống mía rãi vụ thu hoạch, làm giảm áp lực trong thu hoạch; đầu tư đồng bộ hệ thống kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn, các cơ sở vật chất kỹ thuật khác, huy động tối đa nguồn tài chính Nhà nước, nhà máy, nhân dân cùng làm để đầu tư cho vùng chuyển đổi; trước mùa mưa cần phải chủ động có biện pháp tiêu thoát cho cây mía, phát huy các tuyến kênh tiêu đã có song cần phải nạo vét các tuyến tiêu chính bị bồi lấp và tiêu cục bộ.

Nhà nước và các nhà máy cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi đối với các hộ trồng mới và các HTX làm dịch vụ cây mía trong vùng nguyên liệu như hỗ trợ giống mới, lãi suất tiền vay, công chăm sóc, phân bón… Các nhà máy phải có kế hoạch tổ chức thu hoạch cuốn chiếu, dứt điểm trên từng diện tích mía hợp đồng không để ảnh hưởng đến mía chăm sóc mùa sau. Các nhà máy cần áp dụng mức giá thu mua hợp lý với giá đường để “kích” nông dân tham gia trồng mía, đồng thời có kế hoạch ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hoá trong chăm sóc và thu hoạch nhằm giảm giá thành sản xuất. Các nhà máy cũng cần xây dựng các chính sách phối hợp hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hoá. Ngoài ra, các nhà máy cũng cần nâng định suất đầu tư trồng mới và chăm sóc để hỗ trợ nông dân trồng mía trước tình hình giá vật tư tăng cao.

HOÀNG THI

 

 

 

 

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục