BAOTAYNINH.VN trên Google News

Huyện Dương Minh Châu: Trên 2 tỷ đồng đầu tư kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn 

Cập nhật ngày: 07/09/2022 - 15:54

BTNO - Sáng 6.9, đoàn giám sát Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh tổ chức giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 tại huyện Dương Minh Châu. Đoàn do ông Nguyễn Việt Cường- Phó Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh làm trưởng đoàn.

Tham quan thư viện tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên huyện Dương Minh Châu.

Theo báo cáo UBND huyện Dương Minh Châu, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn huyện tổ chức  41 lớp đào tạo nghề cho 1.154 lao động, đạt 100% kế hoạch. Trong đó, đào tạo 26 lớp nghề nông nghiệp và 15 lớp nghề phi nông nghiệp, chủ yếu đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.  

Đối tượng được đào tạo nghề thuộc 3 nhóm: diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc gia đình bị thu hồi đất canh tác; lao động nông thôn thuộc diện hộ cận nghèo; lao động nông thôn khác.

Tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2016-2020 trên 2 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách trung ương gần 1 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 1 tỷ đồng.

Theo đánh giá của UBND huyện, đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Học viên sau khi học nghề đều được giới thiệu việc làm, số lao động có việc làm sau khi học nghề đạt trên 80%.  

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện còn một số tồn tại, hạn chế: thời gian phê duyệt kế hoạch của tỉnh kéo dài dẫn đến sự thay đổi nhu cầu của người lao động, không giữ được lượng người đã đăng ký; người khuyết tật không tham gia học nghề; trình độ học vấn và độ tuổi của học viên không đồng đều dẫn đến nhận thức và quá trình tiếp thu còn hạn chế; người học chủ yếu muốn học các nghề đơn giản, dễ học, có việc làm và thu nhập ngay; đa số lao động trẻ thì không có nhu cầu học nghề và làm việc tại địa phương; phần lớn đối tượng học nghề là lao động nông thôn thu nhập từ việc làm thuê, làm mướn trong lĩnh vực nông nghiệp nên khó sắp xếp thời gian học cố định và nhu cầu học nghề cũng hạn chế.

Ông Nguyễn Việt Cường, phó trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Nguyên nhân của những hạn chế là do chưa bố trí được cán bộ chuyên trách, chưa sâu sát với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian ngắn (dưới 3 tháng) không đủ trình độ, kỹ năng lao động để các doanh nghiệp tuyển dụng. ...

UBND huyện kiến nghị tỉnh sớm ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2022 và giai đoạn 2021-2025; kết nối với các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp để phối hợp đào tạo cho người lao động, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm; tạo nguồn vốn vay để học viên có điều kiện đầu tư, phát triển nghề.

Đoàn đến khảo sát tình hình dạy và học nghề, cơ sở vật chất tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Dương Minh Châu và nghe các báo cáo về triển khai công tác đào tạo nghề của các phòng chuyên môn như: LĐTB-XH, NN&PTNT, đại diện chi nhánh Ngân hàng CSXH huyện…

Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Cường đề nghị huyện tăng cường tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho người dân; tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã, huyện làm chuyên môn; tăng cường khảo sát để nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân; xác định cụ thể những chỉ tiêu, nhiệm vụ đối với đào tạo nghề, rà soát các danh mục nghề đào tạo để trình tỉnh bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của người học; quan tâm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện trên địa bàn huyện; tạo điều kiện cho các cơ sở ngoài công lập đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị được trang cấp trong đào tạo nghề; phối kết hợp với UBMTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội trong vận động người dân tham gia học nghề.

Ngô Tuyết