Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhiều hộ cố tình dây dưa không thực hiện trồng rừng như cam kết, việc vận động những hộ này rất khó vì họ thường né tránh, không có mặt khi đoàn công tác của huyện, xã đến làm việc.

(BTNO) - Tại Hội nghị sơ kết công tác giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn huyện Dương Minh Châu ngày 14.12, Ban chỉ đạo huyện cho biết, tổng dự án trồng rừng ở tiểu khu 63 trên địa bàn huyện là 440 ha (chủ yếu ở xã Suối Đá) nhưng có trên 238 ha đất bị bao chiếm, gồm: trồng mì 118 ha, trồng cao su 73,9 ha và một số cây trồng khác là 46,1 ha.
Sau khi tổ chức tuyên truyền vận động, đồng thời áp dụng các biện pháp mạnh như phạt vi phạm hành chính, buộc khắc phục hậu quả đối với 31 hộ vi phạm và quyết định cưỡng chế đối với 9 hộ khác, đã có 23 hộ tự nguyện chặt bỏ cây cao su trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp và có 64 hộ đăng ký tham gia trồng rừng. Hiện vẫn còn 109,6 ha đất lâm nghiệp bị bao chiếm và sử dụng sai mục đích phải tiếp tục xử lý để trồng rừng trong năm 2011 theo đúng kế hoạch của tỉnh đề ra. Điều đáng quan ngại là trong số diện tích còn lại cần xử lý thì có đến 23,5 ha cho đến thời điểm này vẫn chưa xác định được chủ hộ.
![]() |
Người dân tiểu khu 63 tự nguyện chặt bỏ cây cao su trồng sai mục đích. |
Riêng ở Tiểu khu 65 (xã Phước Ninh) có 47 hộ vi phạm lấn chiếm đất rừng. Huyện đã vận động di dời dược 11 hộ, hiện còn 36 hộ bao chiếm 14.541 mét vuông đất rừng. Hầu hết các hộ vi phạm đất lâm nghiệp đều là những hộ nghèo, sống bằng nghề đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng nên Ban chỉ đạo huyện cùng xã Phước Ninh lập phương án di dời 32 hộ về khu tái dịnh cư trên đất công của xã (4 hộ còn lại phải tự di dời vì mới lấn chiếm sau năm 2005 không được hỗ trợ đất tái định cư).
Theo phản ánh của các xã Suối Đá, Phước Ninh, việc giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích còn gặp một số trở ngại như có nhiều hộ cố tình dây dưa không thực hiện trồng rừng như cam kết, việc vận động những hộ này rất khó vì họ thường né tránh, không có mặt khi đoàn công tác của huyện, xã đến làm việc. Thêm vào đó, danh sách chủ rừng, do Xí nghiệp trắc địa bản đồ 305 thực hiện, giao cho huyện không chính xác nên cũng gây không ít trở ngại.
Phát biểu với hội nghị, ông Tạ Văn Đáo-- Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Phó ban trực ban chỉ đạo tỉnh yêu cầu huyện DMC cần xử lý nghiêm đối với những hộ vi phạm cố tình không trồng rừng theo thiết kế. Đối với những diện tích chưa nắm được chủ đất thì thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về thời gian, đia điểm để họ đến kê khai và đăng ký trồng rừng, nếu không địa phương phải thu hồi đất, bàn giao cho người có nhu cầu tham gia trồng rừng.
Đối với diện tích đất bán ngập thì Ban chỉ đạo huyện cùng với Ban quản lý rừng phòng hộ hồ Dầu Tiếng cần trao đổi, bàn bạc với người dân địa phương để thống nhất trồng loại cây gì cho phù hợp, vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa gìn giữ môi trường sinh thái.
Giang Sơn