BAOTAYNINH.VN trên Google News

Huyện Hoà Thành: Kiên quyết xử lý tình trạng vi phạm Luật BVMT

Cập nhật ngày: 01/08/2010 - 05:14

Vừa qua, Ban Pháp chế HĐND huyện Hoà Thành đã tiến hành công tác giám sát việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với UBND các xã có nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch xây dựng, chế biến mì hoạt động gây ảnh hưởng xấu đến môi trường như Long Thành Nam, Trường Đông, Long Thành Trung và giám sát Phòng Tài nguyên - Môi trường, cơ quan tham mưu UBND huyện thực hiện quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn.

Kết quả giám sát cho thấy việc triển khai tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về môi trường đã đem lại kết quả khả quan trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Hầu hết các đơn vị được giám sát hằng năm đã phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước bằng nhiều hình thức phong phú như: tổ chức mít -tinh, diễu hành tuyên truyền nhân Ngày Môi trường thế giới 5.6, phối hợp với Đoàn Thanh niên huy động hàng trăm thanh niên ra quân vận động các hộ buôn bán giữ vệ sinh xung quanh khu vực Trung tâm thương mại Long Hoa, phát hàng ngàn tờ rơi về rác - mối hiểm hoạ của nhân loại. Tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật về môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường đã được quy định trong luật và các văn bản liên quan, đặc biệt là Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22.4.2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và Quyết định số 19/2007/QĐ-UBND ngày 14.8.2007 của UBND tỉnh Tây Ninh về chính sách hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường đối với các cơ sở sản xuất-kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2010.

Các cơ sở vi phạm đều được xử lý nghiêm - nhưng vẫn còn một cơ sở thỉnh thoảng lại xả khói gần Bệnh viện Hoà Thành

Từ đầu năm 2009 đến 30.6.2010 các xã đã giải quyết hầu hết các trường hợp có đơn của nhân dân yêu cầu xử lý đối với các hộ chăn nuôi heo, bò; các cơ sở kinh doanh dịch vụ không có phương án bảo vệ môi trường... thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã như Long Thành Trung xử phạt 3/6 trường hợp vi phạm gây ô nhiễm diện rộng không khắc phục khi được nhắc nhở; 3/6 trường hợp lập biên bản và yêu cầu cam kết khắc phục tốt việc vệ sinh chuồng trại khi nuôi heo không để ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, 1/6 trường hợp cơ sở sơn gia công không có phương án bảo vệ môi trường, xã đã đề nghị với ngành chức năng đình chỉ hoạt động. Đa số các xã còn lại chỉ làm biên bản nhắc nhở, chưa thực hiện xử phạt theo thẩm quyền đối với phần lớn là các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ có vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Tình trạng còn nhiều hộ vứt rác bừa bãi nơi công cộng-trên các tuyến đường lớn đã được ngăn chặn xử lý, nay đã giảm nhiều nhưng trên các tuyến đường vắng ở vùng nông thôn lại xuất hiện rác, mặc dù các xã đã có biện pháp ngăn chặn nhưng chưa có hiệu quả.

Đối với Phòng TN & MT đã thực hiện tốt việc tham mưu UBND huyện: Ban hành kịp thời Chương trình hành động bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm quán triệt rộng rãi đến các tổ chức, cá nhân, ban ngành, đoàn thể huyện các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường trên địa bàn; Qua đó Phòng TN & MT tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tiến hành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và của UBND tỉnh về việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm năm 2007, 2008, 2009; rà soát, bổ sung danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh, xây dựng lộ trình xử lý triệt để đối với các cơ sở có vi phạm về môi trường trong quá trình sản xuất, chế biến; kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng không có biện pháp khắc phục hậu quả.

Trước đây khi bước vào thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, trên địa bàn huyện Hoà Thành có 2 cơ sở chế biến mủ cao su, 29 cơ sở sản xuất gạch xây dựng, 21 cơ sở chế biến khoai mì và hơn 200 cơ sở chế biến thực phẩm (tương, chao, đậu hủ, thu mua phế liệu, xay chà, chế biến gỗ, chăn nuôi, giết mổ gia súc – gia cầm…). Các cơ sở này không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải xả thẳng trực tiếp ra môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Phòng TN & MT đã tham mưu UBND huyện xử lý triệt để 29 cơ sở sản xuất gạch thủ công xả khói thải ra môi trường, 21 cơ sở chế biến khoai mì xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp ra kênh rạch, sông suối gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, đề xuất xử lý 2 cơ sở chế biến mủ cao su thuộc thẩm quyền xử lý của UBND tỉnh Tây Ninh. Đến nay tình hình ô nhiễm môi trường đã có những chuyển biến tích cực, các cơ sở đã ngưng hoạt động hoặc di dời theo lộ trình xử lý của UBND tỉnh và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh sản xuất với quy mô nhỏ, lẻ đã xử lý dứt điểm không để tình trạng khiếu nại tiếp theo. Bên cạnh đó, Phòng TN & MT Hoà Thành còn phối hợp với Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh kiểm tra 6 cơ sở xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, xử phạt các cơ sở vi phạm từ 28,5 triệu đến 88 triệu đồng.

Nhìn chung từ khi có Luật Bảo vệ môi trường đến nay thông qua công tác tuyên truyền học tập, ý thức bảo vệ, giữ gìn môi trường sống và sức khoẻ của nhân dân ngày càng được cải thiện, ý thức của người dân về môi trường có nhiều chuyển biến đáng kể. Tình trạng ô nhiễm môi trường được khắc phục dần và từng bước hạn chế tác hại môi trường do sản xuất, chế biến gây ra ở Hoà Thành. 

THÀNH CHUNG