Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khiếu nại giá thuê Ki-ốt - sạp tại Trung tâm Thương mại Long Hoa:
Hy vọng tìm được tiếng nói chung tại buổi đối thoại… lần sau
Thứ hai: 15:25 ngày 13/03/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Thành Lê Hồng Vân kết luận như vậy khi kết thúc buổi đối thoại giữa Công ty cổ phần Xây dựng & Phát triển đô thị Tây Ninh (Công ty Phát triển đô thị) với các tiểu thương khiếu nại về giá cho thuê ki-ốt – sạp tại Trung tâm thương mại (TTTM) Long Hoa.

Một tiểu thương phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại.

Mặc dù sau cuộc đối thoại vào cuối năm 2016, trước tình hình kinh doanh của tiểu thương gặp nhiều khó khăn, Công ty Phát triển đô thị đã ra thông báo hỗ trợ chi phí lãi suất tuỳ vào hợp đồng thuê 4 năm (giai đoạn 2014-2018), 2 năm (giai đoạn 2016-2018), nhưng tại cuộc đối thoại vào sáng ngày 10.3.2017, các tiểu thương vẫn đề nghị công ty chia sẻ khó khăn bằng cách giảm 30% giá cho thuê ki-ốt- sạp, trên cơ sở giá thuê giai đoạn 2014 – 2018 mà công ty đã đưa ra trước đó.

Đối thoại với chủ đầu tư dự án B.O.T TTTM Long Hoa, hầu hết tiểu thương đều nêu lên những khó khăn đã ảnh hưởng đến kinh doanh của họ, trong đó có việc nhà đầu tư chưa xây dựng hoàn chỉnh khu C-D của TTTM Long Hoa, chưa khai thác hết công năng của TTTM, nhất là số sạp trên tầng lầu khu A-B.

Có ý kiến tiểu thương cho rằng, tình hình hoạt động kinh doanh của bà con không hiệu quả, một phần do bị tác động từ lỗi của nhà đầu tư, nhưng giải trình từ phía Công ty Phát triển đô thị vẫn luôn giữ quan điểm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhiều hơn, nhất là việc luôn “tính toán lãi suất” trên tổng số tiền thuê ki-ốt - sạp khi các tiểu thương phải chọn phương án kinh doanh ngắn hạn (lần lượt là 5 năm, 3 năm, 2 năm, rồi 4 năm, 2 năm) không như phương án mà công ty đưa ra ban đầu là theo chu kỳ 10 năm.

“Trước nay, mỗi lần tái ký hợp đồng công ty không hề được đưa ra thảo luận, thoả thuận với tiểu thương, nhưng chúng tôi là người dân ít am hiểu nên vẫn phải chấp nhận ký hợp đồng để kinh doanh, sinh sống”- một tiểu thương nói.

Tiểu thương còn nhận xét, trước đây khi đưa ra quy chế cho thuê trong từng giai đoạn, công ty không có những giải thích thoả đáng. Cho đến giai đoạn hiện nay, bà con tiểu thương mới biết cách tính của công ty không theo chu kỳ 10 năm, mà tính giá theo từng giai đoạn (có tính lạm phát), lại phải chịu cả lãi suất ngân hàng.

Trong khi đó, tài sản đưa vào sử dụng nhưng công ty không tính khấu hao khi đưa ra giá mới. Những khó khăn trong kinh doanh, những bức xúc của tiểu thương chưa được công ty quan tâm xem xét, trên cơ sở chia sẻ khó khăn để giảm giá cho thuê giai đoạn 2016–2018.

Trái lại, công ty luôn giữ quan điểm cho rằng “không tăng giá”, ra thông báo nếu tiểu thương không đồng ý sẽ “hỗ trợ” di dời tài sản ra khỏi chợ khiến nhiều người bức xúc. Khi đưa ra ý kiến bảo lưu, công ty phải giảm 30% trên cơ sở giá thuê giai đoạn 2014 – 2018, các tiểu thương cho hay, trong 12 năm qua, công ty đưa ra giá cho thuê ki-ốt - sạp luôn luôn tăng. Vì vậy, các tiểu thương cho rằng ý kiến của họ đề nghị giảm 30% giá cho thuê của giai đoạn năm 2014 – 2018 “công ty vẫn không lỗ”.

Trả lời những ý kiến của các tiểu thương, ông Nguyễn Tấn Thông - đại diện Công ty Phát triển đô thị giải thích, nếu các tiểu thương ký hợp đồng theo chu kỳ 10 năm, đóng tiền thuê ki-ốt – sạp một lần thì giá thuê sạp trong 10 năm này không thay đổi, ổn định về giá thuê.

Tuy nhiên, khi chọn phương án ngắn hạn theo chu kỳ 5 năm, số tiền thuê 5 năm còn lại, công ty phải tính lãi suất khi đưa ra giá thuê mới giai đoạn 5 năm sau. Tương tự, vào năm 2014, khi công ty đưa giá cho thuê mới giai đoạn 4 năm (2014 – 2018), do khó khăn, một số hộ kinh doanh chọn phương án 2 năm (2014 – 2016), sau khi hết hợp đồng hai năm, ký hợp đồng 2 năm tiếp theo (2016 – 2018), công ty đưa lãi suất 2 năm vào giá mới là phù hợp. Trong trường hợp này, nếu các hộ kinh doanh chọn phương án 4 năm, đương nhiên giá trong 4 năm này ổn định, không thay đổi.

Ông Nguyễn Văn Thái, người vừa nhận nhiệm vụ Giám đốc Công ty Phát triển đô thị (thay ông Thông) cũng chia sẻ khó khăn với các tiểu thương tham dự buổi đối thoại. Ông Thái cho rằng, là nhà đầu tư, công ty thực hiện dự án TTTM Long Hoa gặp nhiều khó khăn, giá cho thuê đều thông qua UBND huyện Hoà Thành - cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, đại diện bảo vệ quyền lợi của tiểu thương, công ty không thể “vượt qua” những quy định và sự giám sát của chính quyền địa phương.

Tại buổi đối thoại, ông Thái cũng cho biết, sắp tới, TTTM Long Hoa sẽ được đầu tư xây dựng hình thức chợ truyền thống theo chủ trương của tỉnh. Trong tương lai, các tiểu thương sẽ được kinh doanh trong ngôi chợ truyền thống, thẩm mỹ và hiệu quả hơn so với ngôi chợ trước đây đầu tư xây dựng còn dở dang, nhiều hạn chế, trở ngại.

Trên cơ sở đồng cảm với những ý kiến của các tiểu thương, của nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hồng Vân kết luận: Trong quá trình đầu tư xây dựng và tổ chức khai thác TTTM Long Hoa, nhà đầu tư gặp nhiều trở ngại và hạn chế, khó khăn, trong đó có việc chưa tổ chức, tuyên truyền tốt việc cho thuê trước khi ký hợp đồng nên gây nhiều bức xúc cho các tiểu thương.

Trên tinh thần đồng hành, cùng phát triển, chia sẻ những khó khăn với nhau, ông Lê Hồng Vân đề nghị Công ty Phát triển đô thị quan tâm, xem xét ý kiến của tiểu thương để có chính sách hỗ trợ phù hợp. Mặt khác, các tiểu thương cũng cần chia sẻ những khó khăn của nhà đầu tư.

Cuối cùng, vị đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong hợp đồng B.O.T thông báo, vào ngày 15.3 tới, UBND huyện Hoà Thành sẽ tổ chức cuộc đối thoại lần thứ ba và mong hai bên tìm được tiếng nói chung để các tiểu thương an tâm kinh doanh, ổn định cuộc sống.

ĐỨC TIẾN

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục