BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hy vọng từ những lá phiếu tín nhiệm

Cập nhật ngày: 22/10/2018 - 19:46

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, vai trò quản lý, điều hành hiệu quả của Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp… kinh tế vĩ mô có sự ổn định, lạm phát được kiểm soát; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; an sinh xã hội được chăm lo, bảo đảm… Nhiều bộ ngành đã thực hiện cải cách bộ máy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp... Đó là những kết quả nhìn thấy rất rõ được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, nhân dân đánh giá rất cao sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong kiện toàn hệ thống chính trị và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV được hứa hẹn là một kỳ họp hấp dẫn vì là kỳ họp cuối năm, giữa nhiệm kỳ với nhiều nội dung mới sẽ được trình Quốc hội, trong đó có vấn đề nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm cán bộ. Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 về phát triển kinh tế - xã hội; cơ cấu lại nền kinh tế; tài chính quốc gia; đầu tư công trung hạn…

Việc xem xét các báo cáo này sẽ đánh giá lại chúng ta đã làm được đến đâu, trên cơ sở đó, Quốc hội xác định xem có cần điều chỉnh hay cần thêm những giải pháp nào khác để phấn đấu đạt được mục tiêu của kế hoạch 5 năm. Đây sẽ là vấn đề quan trọng, không chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong ngắn hạn mà còn trong trung hạn và dài hạn.

Một vấn đề mà nhân dân, cử tri rất mong muốn được tiếp tục làm rõ trong kỳ họp Quốc hội này là việc quản lý đất đai, tài nguyên và bảo vệ môi trường. Vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra Chính phủ đã tập trung chỉ đạo chính quyền các địa phương giải quyết tình trạng lãng phí đất đai.

Tuy nhiên, thực tế vẫn diễn ra việc sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản ở một số địa phương không theo quy hoạch; tình trạng phá rừng, khai thác đá, cát, sỏi trái phép, không phép; việc đền bù, tái định cư khi thu hồi đất chưa công khai, minh bạch; giá bồi thường chưa phù hợp. Một số sai phạm, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai chưa được giải quyết thỏa đáng, dẫn đến khiếu kiện bức xúc, kéo dài...

Trước thời điểm Quốc hội khai mạc, vụ việc rừng Sóc Sơn (Hà Nội) bị “xẻ thịt”, vụ khiếu kiện về giải tỏa đất đai tại Thủ Thiêm (TPHCM) vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Do đó, cử tri rất mong Quốc hội có tiếng nói đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện tổng rà soát và thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; giải quyết dứt điểm các vụ việc, xử lý nghiêm các vi phạm. Người dân đòi hỏi Chính phủ cần tăng cường công tác quản lý đất đai; rà soát, sửa đổi các chính sách, quy định, nhất là các quy định liên quan đến thu hồi đất, đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa giữa quyền lợi của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Ai sai thì phải bị xử lý.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, việc lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được tiến hành, là dịp để Quốc hội đánh giá mức độ tín nhiệm của người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trên cơ sở thực tế điều hành, quản lý trong suốt thời gian gần 3 năm từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII và cho thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra những kết quả tốt.

Nhiều trường hợp có kết quả tín nhiệm chưa cao nhưng sau đó đã có những điều chỉnh, rút kinh nghiệm, đổi mới phương thức điều hành, lãnh đạo và tạo ra những chuyển biến rõ rệt đối với ngành, lĩnh vực phụ trách, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Tuy nhiên vẫn còn một số vị trí thời gian qua chưa tạo được dấu ấn, bản lĩnh trong điều hành, khiến nhân dân bức xúc ở lĩnh vực họ phụ trách. Chắc chắn điều này cũng sẽ được thể hiện qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp cho các trường hợp giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thấy được thực tế, cá nhân mình, bộ ngành mình phụ trách đang được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đánh giá như thế nào, phải “sửa mình” ra sao nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của Quốc hội, nhân dân. Nội dung hấp dẫn này được đợi chờ không chỉ là để biết kết quả “chấm điểm” của Quốc hội, mà sâu xa hơn là Quốc hội và nhân dân hy vọng sẽ tạo thêm một cú hích để chuyển biến tình hình ở nhiều lĩnh vực.

Đó cũng là điều mong mỏi lớn nhất của cử tri, của nhân dân với mỗi kỳ họp Quốc hội, niềm hy vọng mỗi kỳ họp Quốc hội khép lại, tình hình sẽ tốt lên, kinh tế sẽ tăng trưởng ổn định, các vấn đề xã hội nhức nhối được giải quyết.

Nguồn SGGPO