Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Vụ lúa giống lẫn tạp:
Ðại lý Vũ Hoàng: “Tôi cũng là nạn nhân”
Thứ sáu: 05:51 ngày 20/04/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông Ðoàn Mộng Ðiệp - chủ đại lý vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng cho rằng, không những nông dân mà cả đại lý của ông cũng là nạn nhân, bởi ông mua lúa giống đã được đóng bao của Trung tâm Khuyến nông đem về bán cho nông dân.

Bao của Trung tâm Khuyến nông chứa lúa giống OM 1352 (ảnh: Minh Dương).

Mới đây, ông Ðoàn Mộng Ðiệp (sinh năm 1970, ngụ ấp Thanh Ðông, xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành- là chủ đại lý vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng) phản ánh cho rằng Báo Tây Ninh thông tin không đúng sự thật vụ việc lúa giống xác nhận OM 1352 bị lẫn tạp qua bài báo “Treo đầu dê, bán thịt chó”- số báo ra ngày 11.4.2018.

Cụ thể, ông Ðiệp nêu lên 3 điểm “chưa chính xác” trong bài báo trên. Thứ nhất, bài báo cho rằng “Ông Lê Trung Nghĩa, Phó trưởng Trại Thực nghiệm trồng trọt thừa nhận việc phối hợp với đại lý Vũ Hoàng để tổ chức thu mua lúa giống nguyên liệu, gia công thành lúa giống xác nhận OM 1352” là không có căn cứ, không có chứng từ chứng minh.

Thứ hai, trong bài báo trên có đoạn “Kinh phí thu mua nguyên liệu và gia công đều do cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng cung cấp cho ông Nghĩa”.

Ông Ðiệp cho biết kết luận như trên là bất hợp lý, bởi đại lý Vũ Hoàng chỉ thanh toán tiền mua hàng cho ông Nghĩa khi đã nhận lúa giống OM 1352 về kho để bán cho nông dân, chứ “chưa từng đưa trước cho ông Nghĩa xu nào”.

Thứ ba, bài viết có nêu “Việc sử dụng bao bì do Trung tâm Khuyến nông sản xuất đã đánh lừa người tiêu dùng, gây thiệt hại cho nhiều nông dân”.

Vấn đề này, ông Ðiệp cho rằng, không những nông dân mà cả đại lý của ông cũng là nạn nhân, bởi ông mua lúa giống đã được đóng bao của Trung tâm Khuyến nông đem về bán cho nông dân.

Khi xảy ra sự cố lúa bị lẫn tạp, nông dân đã phản ứng gay gắt với đại lý Vũ Hoàng. Do đó, việc ông mua bán lúa giống kém chất lượng từ Trại Thực nghiệm trồng trọt thuộc Trung tâm Khuyến nông đã gây tổn hại đến uy tín của cơ sở Vũ Hoàng, làm mất lòng tin của nông dân, làm thiệt hại về kinh tế...

Nếu căn cứ vào thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thì đại lý vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng là “thủ phạm” gây ra vụ việc khi phối hợp, đưa tiền cho cán bộ Trại Thực nghiệm trồng trọt thuộc Trung tâm Khuyến nông sản xuất, gia công và bán lúa giống OM 1352 bị lẫn tạp cho nông dân.

Tuy nhiên, ông Ðoàn Mộng Ðiệp, chủ đại lý Vũ Hoàng lại phủ nhận kết luận của Thanh tra Sở NN&PTNT và cho rằng một số nội dung kết luận thiếu căn cứ.

Ðồng thời, ông chứng minh đại lý của ông chỉ là “nạn nhân” của một số cán bộ thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Ðể rộng đường dư luận, Báo Tây Ninh tiếp tục phản ánh thông tin từ phía đại lý Vũ Hoàng.

Ông Ðiệp đề nghị Báo Tây Ninh xác minh, làm rõ vụ việc cũng như nội dung thông báo kết luận thanh tra của Sở NN&PTNT một cách khách quan.

Tuy nhiên, những nội dung mà ông Ðiệp phản ánh như đã nêu được Báo Tây Ninh trích dẫn từ Thông báo số 21/TB-TTr ngày 5.4.2018, thông báo nội dung kết luận thanh tra của Thanh tra Sở NN&PTNT đối với cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng. 

Ai bỏ tiền sản xuất lúa giống?

Từ phản ánh của ông Ðiệp, chúng tôi đã tìm hiểu thêm vụ việc và phát hiện một số vấn đề chưa hợp lý xung quanh thông báo kết luận thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cụ thể, tại Thông báo số 21/TB-TTr ngày 5.4.2018 của Thanh tra Sở NN&PTNT có nêu: “Lúa giống xác nhận OM 1352 do nhân viên Trại Thực nghiệm trồng trọt tiến hành thu mua tại ruộng của người dân và tổ chức gia công thuê cho các tổ hợp tác (có hợp đồng gia công ký kết giữa các bên).

Tiền thu mua lúa giống nguyên liệu do cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng ứng ra cho ông Lê Trung Nghĩa để thu mua... Ông Lê Trung Nghĩa, Phó trưởng Trại Thực nghiệm trồng trọt thừa nhận có phối hợp với cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng để tổ chức sản xuất lúa giống xác nhận OM 1352; tổ chức thu mua lúa giống nguyên liệu; tổ chức gia công lúa giống xác nhận OM 1352 và sử dụng bao bì của Trung tâm Khuyến nông để đóng lúa giống thành phẩm...

Kinh phí mua lúa nguyên liệu và gia công do cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng cung cấp cho ông Nghĩa, không qua hệ thống tài chính của Trung tâm Khuyến nông”.

Cũng tại Thông báo số 21/TB-TTr ngày 5.4.2018, Thanh tra Sở NN&PTNT nhận xét: “Ông Lê Trung Nghĩa, Phó trưởng Trại Thực nghiệm trồng trọt thực hiện không đúng quy định khi tham mưu tổ chức kiểm định đồng ruộng; gia công, sử dụng bao bì của Trung tâm Khuyến nông để đóng lúa giống thành phẩm OM 1352, nhận tiền của cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng để mua giống.

Từ đó, làm cho cơ sở Vũ Hoàng hợp thức hoá lúa giống OM 1352 là của Trung tâm Khuyến nông, đưa vào kinh doanh, gây thiệt hại về năng suất cho người sử dụng”.

Với nhận xét này, một lần nữa, Thanh tra Sở NN&PTNT khẳng định đại lý Vũ Hoàng đã có chủ đích từ ban đầu và gần như là người “đạo diễn” toàn bộ quá trình sản xuất, thu mua, gia công và bán lúa giống OM 1352 cho nông dân.

Tuy nhiên, ông Ðiệp khẳng định, ông không hề đưa tiền trước cho ông Lê Trung Nghĩa, Phó trưởng Trại thực nghiệm trồng trọt để sản xuất hay thu mua lúa giống OM 1352. Ông chỉ đặt hàng ông Nghĩa 1.500 bao (mỗi bao 40kg) lúa giống OM 1352 (thực nhận chưa tới 1.000 bao).

Quá trình sản xuất, gia công lúa giống không hề liên quan tới ông Ðiệp mà hoàn toàn do phía Trại Thực nghiệm trồng trọt thực hiện. Gần đến mùa vụ sản xuất, ông Ðiệp cho người trực tiếp đến kho của Trại Thực nghiệm trồng trọt nhận lúa về, sau đó mới thanh toán tiền.

“Tôi không đưa tiền cho ông Nghĩa sản xuất lúa giống OM 1352. Thực tế không có bất kỳ cơ sở, chứng cứ nào chứng minh là tôi đưa tiền hay ứng tiền cho ông Nghĩa để sản xuất lúa giống.

Trong khi tôi có đầy đủ cơ sở thể hiện đại lý Vũ Hoàng mua lúa giống thành phẩm từ Trại Thực nghiệm trồng trọt, đó là các phiếu xuất kho có ghi rõ ngày tôi mua lúa, ngày trả tiền, số tiền mua lúa”, ông Ðiệp nói.

Ông Ðiệp cung cấp cho người viết các phiếu xuất kho chứng minh việc mua lúa giống bằng tiền mặt sau khi nhận lúa từ Trại Thực nghiệm trồng trọt. Trong đó, phiếu xuất kho ngày 26.12.2017 có ghi “nợ thanh toán sau”, số tiền 19,6 triệu đồng.

Phiếu xuất kho ngày 27.12 cũng ghi nội dung tương tự, với số tiền gần 21 triệu đồng... “Nếu nói tôi ứng tiền trước cho ông Nghĩa, tại sao cứ mỗi đợt nhận lúa giống tôi lại phải trả tiền đầy đủ với giá 1.800 đồng/kg?”, ông Ðiệp đặt vấn đề.

Thẻ chất lượng giống trong bao của Trung tâm khuyến nông chứa lúa giống OM 1352 (ảnh: Minh Dương).

“Thủ phạm” hay “nạn nhân”?

Thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nêu: “Cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng không có hợp đồng mua bán với đơn vị cung cấp giống, không có hoá đơn, chứng từ chứng minh việc mua giống; thoả thuận với ông Lê Trung Nghĩa và cung cấp kinh phí cho ông Nghĩa mua và sản xuất giống lúa OM 1352 để cơ sở kinh doanh là vi phạm quy định tại điểm c, khoản 1, điều 21 Nghị định số 185/2013/NÐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (quy định xử phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ).

Tuy nhiên, do lúa giống OM 1352 có bao bì của Trung tâm Khuyến nông sản xuất, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm của Trung tâm Khuyến nông nên đã đưa sản phẩm vào kinh doanh, gây hậu quả cho người sử dụng. Xét nguyên nhân, tính chất vụ việc, xem xét không xử phạt hành chính đối với cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Vũ Hoàng nhưng cơ sở có trách nhiệm với các cá nhân có liên quan hỗ trợ thiệt hại người sản xuất lúa OM 1352 về năng suất (nếu có)”.

Kết luận thanh tra cũng đề ra biện pháp xử lý, buộc hai ông Lê Trung Dũng, Lê Trung Nghĩa phải phối hợp cùng đại lý Vũ Hoàng hỗ trợ người dân bị thiệt hại về năng suất do mua nhằm lúa giống OM 1352 bị lẫn tạp.

Trước kết luận của Thanh tra Sở NN&PTNT, ông Ðiệp cho rằng ông cũng là “nạn nhân”, khi mua nhằm lúa giống bị lẫn tạp từ người của Trung tâm Khuyến nông về bán lại cho nông dân chứ không phải là thủ phạm gây ra vụ việc.

Theo ông Ðiệp, cơ sở Vũ Hoàng mua lúa giống OM 1352 từ Trại Thực nghiệm trồng trọt thuộc Trung tâm Khuyến nông, lúa giống được đóng trong bao bì của Trung tâm Khuyến nông.

Ðồng thời, trong mỗi bao lúa giống còn đính kèm “Thẻ chất lượng giống”, có đóng dấu đỏ “Ðã kiểm nghiệm”, có chữ ký của người có trách nhiệm. Ngoài bao bì có ghi rõ thông tin về giống lúa xác nhận OM 1352 cũng như đơn vị cung ứng giống là Trung tâm Khuyến nông.  

Tuy nhiên, ông Ðiệp cho biết, ông không chối bỏ trách nhiệm và rất tích cực phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị chức năng lẫn các cá nhân có liên quan làm sáng tỏ vụ việc, và “chịu thiệt” khi phải bỏ tiền ra hỗ trợ những người đã mua lúa giống OM 1352 bị lẫn tạp.

Dù vậy, riêng đối với cá nhân hai ông Lê Trung Dũng, Lê Trung Nghĩa, chủ đại lý Vũ Hoàng cho biết sẽ có thoả thuận riêng nhằm bảo đảm quyền lợi cho cơ sở kinh doanh của ông, bởi cơ sở này mua lúa giống trên từ ông Nghĩa và có liên quan ông Dũng.

BẢO TÂM

Không để con sâu làm rầu nồi canh
Ngày 18.4, người viết có buổi làm việc với ông Võ Ðức Trong- Giám đốc Sở NN&PTNT và đại diện Thanh tra Sở.

Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, phân tích một số nội dung có liên quan đến vụ việc và xung quanh kết luận thanh tra như đã nêu. Lãnh đạo Sở NN&PTNT khẳng định, kết quả thanh tra cho thấy, vụ việc chủ yếu có liên quan đến vài cá nhân ở Trung tâm Khuyến nông và vi phạm cũng mang tính chất cá nhân chứ không phải của Trung tâm. Trong quá trình thanh tra cũng như về sau, quan điểm của Sở là phát hiện sai phạm đến đâu xử lý đến đó và xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Lãnh đạo Sở đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc khẩn trương tiến hành công tác rà soát, thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại của nông dân đã mua lúa giống OM 1352 bị lẫn tạp để các cá nhân có liên quan thực hiện hỗ trợ. Ðây là nhiệm vụ quan trọng nhằm khắc phục hậu quả, không để gây mất niềm tin nơi nông dân, không vì vài cá nhân mà làm mất uy tín của Trung tâm Khuyến nông.

Ðể xảy ra sự cố lúa giống OM 1352 bị lẫn tạp là điều rất đáng tiếc đối với ngành Nông nghiệp. Nhưng từ đó, ngành sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc, chấn chỉnh kịp thời để bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà.
Tin cùng chuyên mục