Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Cô Vân” của những đứa trẻ khuyết tật
Thứ bảy: 07:16 ngày 29/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cô Vân mà chúng tôi muốn nói đến là bà Võ Thu Vân (sinh năm 1958), hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Tây Ninh tại xã Bình Minh (TP. Tây Ninh).

Trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6.2013 với nhiệm vụ chính là chăm sóc, nuôi dạy và hỗ trợ chức năng cho trẻ là nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm tải gánh nặng cho những gia đình không may có con em bị ảnh hưởng chất độc.

Trung tâm thành lập được hơn 5 năm, là cũng chừng đó năm cô Vân gắn bó với Trung tâm. Trước đó, cô có thời gian dài công tác tại UBND phường 2 (TP. Tây Ninh). Sau khi nghỉ hưu, cô Vân được mời ở lại công tác tại Trung tâm cho đến bây giờ.

Cô tâm sự: “Ai về hưu chẳng muốn nghỉ ngơi. Nhưng có những việc đến với mình như một cái duyên, không thể từ bỏ được, chỉ có thể nỗ lực hết mình để đồng hành cùng với nó”.

Cô Vân

Mặc dù chưa từng có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ khuyết tật nhưng tinh thần trách nhiệm cùng sự đồng cảm, yêu thương những đứa trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam kém may mắn, cô Vân kiên trì trau dồi kiến thức để hoà nhập và tìm hiểu về các em. Cho đến bây giờ, cô đã biết rõ tính cách, thói quen và cả thói xấu của từng đứa trẻ ở Trung tâm để có cách dạy bảo, chăm sóc khác nhau.

Hiện tại, Trung tâm đang nuôi dưỡng 25 trẻ là nạn nhân chất độc da cam theo hình thức bán trú, trong đó có 15 trẻ bán trú thường xuyên. Từ thứ hai đến thứ 6, các em được gia đình đưa đến Trung tâm từ sáng sớm và đón các em về nhà vào lúc xế chiều. Trong thời gian ở lại Trung tâm, các em được chăm sóc, ăn uống và học tập, vui chơi như ngôi nhà thứ hai của mình. Mỗi đứa trẻ ở Trung tâm có hoàn cảnh khác nhau nhưng đều thuộc dạng khó khăn.

Cô Vân cho biết, đến nay, Trung tâm đã có 7 lần đổi nhân viên vì công việc tại Trung tâm rất vất vả trong khi phụ cấp công việc lại thấp. Ðiều quan trọng nhất để nhân viên có thể gắn bó lâu dài với công việc này là cái tâm của người cha, người mẹ. Trung tâm hiện chỉ có 5 nhân viên, gồm một phó giám đốc, một bảo mẫu, một cấp dưỡng, một giáo viên và một bảo vệ.

Nguồn kinh phí hoạt động của Trung tâm khá hạn chế do phụ thuộc vào nguồn vận động hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh. Vì vậy, dù có thiếu nhân viên, Trung tâm cũng không đủ kinh phí thuê thêm người làm. Ngoài bảo vệ làm công tác trông coi cơ sở, chỉ có 4 người còn lại là túc trực, chăm lo cho các em từ việc ăn ngủ đến vui chơi, học hành.

Còn nhớ thời gian đầu đi vào hoạt động, vào mùa mưa, khoảng sân trước Trung tâm rất lầy lội, không có không gian để các em sinh hoạt. Năm 2016, cô Vân đã vận động các nhà hảo tâm nguồn chi phí cải tạo khoảng sân bằng cách nâng nền, tráng xi măng để các em có nơi vui chơi khô ráo, sạch sẽ.

Trước đó, vào năm 2015, cô Vân cũng đã vận động tiền xây dựng một nhà để xe cho nhân viên công tác tại Trung tâm. Nhờ có hai công trình trên, bộ mặt của Trung tâm đã khang trang, tươm tất hơn trước rất nhiều. Cô Vân cũng là người xây dựng lớp học tại Trung tâm này. Nhờ có lớp học, các em đã phát triển trí tuệ hơn trước.

Ngoài những khó khăn về cơ sở vật chất, việc nuôi dạy các em mới là một thử thách lớn đối với Trung tâm, bởi đội ngũ nhân viên lẫn giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trẻ khuyết tật. Ở đây, các cô phải dạy trẻ từng chút một, từ cách ăn cơm, cách chơi, dạy chữ, dạy hát… thậm chí còn phải dạy các em cách tắm, cách đi vệ sinh đúng chỗ và cách tự chăm sóc bản thân.

Chia sẻ về việc nuôi dạy trẻ, cô Vân cho biết: “Các em bị nhiễm chất độc da cam hầu hết đều có trí tuệ kém phát triển, tự kỷ và khuyết tật cơ thể nên vốn từ của các em rất hạn chế. Ngoài ra, trẻ khuyết tật thường khó kiềm chế được cảm xúc, có thể bộc phát lúc nóng giận. Vì vậy, việc nuôi dạy các em không hề đơn giản”.

Ðể nuôi dạy các em, sự kiên nhẫn và tình yêu là hai yếu tố không thể thiếu. Hầu hết cán bộ, nhân viên của Trung tâm đều dành toàn bộ thời gian ở trường để tiếp xúc với các em, chơi đùa, ngủ cùng trẻ để có thể thấu hiểu trẻ và cho chúng cảm nhận được tình yêu thương. Cô Vân cũng thường xuyên nhắc nhở giáo viên, bảo mẫu phải luôn nhẹ nhàng, ân cần khi dạy bảo các em.

Ở Trung tâm, tất cả các học viên đều rất yêu quý cô Vân. Ngày nghỉ cuối tuần không đi học là các em than buồn, nhớ trường, nhớ cô. Còn cô Vân, nhìn các em trưởng thành từng ngày, là niềm vui lớn của cô. Từ những đứa trẻ không có ý thức về môi trường xung quanh, không biết tự chăm sóc bản thân, hay phá phách, cáu bẳn… các em đã dần đi vào nề nếp, biết dạ - thưa khi gặp người lớn, biết tham gia các sinh hoạt tập thể, biết múa hát, tập thể dục, biết bày tỏ cảm xúc...

Nhiều em đã biết đọc, biết viết những câu đơn giản và có thể tự vệ sinh cá nhân. Ðáng mừng hơn, là các em bị tự kỷ, gần như không nói được khi mới vào trung tâm, qua sinh hoạt tập thể với các bạn và sự chỉ dạy tận tình của các cô mà các em đã dần mở lòng mình với mọi người. Các em đã biết ra dấu, gật đầu khi được hỏi, biết mỉm cười khi chơi đùa cùng các bạn, biết giúp đỡ bạn… Ðây quả thật là một tín hiệu đáng mừng đối với các cô tại Trung tâm và gia đình của các em.

Từ sự tiến bộ của các em, Trung tâm dần nhận được sự quan tâm của nhiều gia đình có trẻ bị nhiễm chất độc da cam. Hiện nhu cầu gửi trẻ thuộc đối tượng này trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều, nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp, Trung tâm không thể nhận thêm học viên.

Cô Vân hy vọng, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ từ các đơn vị, mạnh thường quân về mặt kinh phí để Trung tâm có thể duy trì hoạt động và bảo đảm công tác chăm lo cho các em. Ước mong của cô hiện tại là có kinh phí để xây dựng một khu vui chơi ngoài trời tại Trung tâm cho các em có nơi vui chơi, giải toả năng lượng và sinh hoạt cùng nhau.

Bước qua tuổi 60, cô Vân chẳng mong gì nhiều, chỉ mong có đủ sức khoẻ để tiếp tục đồng hành cùng những đứa trẻ học tại Trung tâm, được tiếp tục cống hiến để Trung tâm ngày càng hoàn thiện hơn.

Ngọc Bích - Lê Thuỳ

Tin cùng chuyên mục