Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
“Cử nhân” tuổi 80...
Thứ tư: 14:55 ngày 11/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Học không bao giờ có giới hạn. Học không kể tuổi tác. Học để cho mình có vốn sống nhiều hơn. Học để làm gương cho con cháu. Ðó là những suy nghĩ về sự học của ông Lê Văn Chấn, ngụ ấp Tua Hai, xã Ðồng Khởi, huyện Châu Thành.

Vợ chồng ông Chấn cùng xem lại thành quả học tập của ông.

Nhận bằng cử nhân ở tuổi… 80

Ông Chấn là sinh viên đặc biệt trong gần 1.000 sinh viên tham gia chương trình đào tạo đại học của Trường đại học Trà Vinh khoá 2014-2017. Ông được các bạn học cùng khoá vui vẻ gọi là “ông ngoại”, còn giảng viên của trường cũng yêu mến nên gọi ông là “thầy”.

Năm nay đã 82 tuổi, ông Chấn vẫn còn rất linh hoạt. Ngồi trò chuyện, tôi bất ngờ khi nghe ông nói tiếng Anh lưu loát. Thỉnh thoảng, ông cười giòn khi kể lại quá trình học tập của mình. Ông không nhớ rõ bản thân đã tham gia bao nhiêu lớp học, lớp tập huấn kiến thức. Ðối với ông, khi có cơ hội là ông học, không bao giờ nghĩ sẽ thừa kiến thức.

Thời trẻ, ông Chấn được gia đình cho học đến tú tài I. Sau này, trong thời gian làm việc Nhà nước, ông tham gia nhiều lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Ở lớp nào ông cũng học tập rất nghiêm túc, có lớp tốt nghiệp xuất sắc. Nhờ vốn kiến thức đã học, ông có công việc ổn định để chăm lo cho vợ con.

Ông bảo: “Lương công chức Nhà nước khi ấy thấp nên khó thể nuôi nổi gia đình". Ông phải làm thêm nhiều nghề khác như tài xế, chăn nuôi kiếm thêm thu nhập chăm lo cho gia đình với 7 người con.

 Rồi khi tuổi ngoài 40, ông Chấn lại rẽ sang học nghề này. Ông nhớ như in lý do chọn học ngành thú y. Ông cho biết: “Lúc đó, gia đình tôi chăn nuôi heo, bò. Mỗi lần đám vật nuôi bệnh tật, tìm được một nhân viên thú y đến nhà kiểm tra rất khó khăn. Có khi kiếm được họ về nhà thì đám vật nuôi đã chết. Vì vậy, tôi quyết định theo học nghề thú y”.

Không ngờ quyết định này đã giúp ông gắn bó với nghề thú y suốt mấy chục năm qua. Ông không quên những ngày vất vả đạp xe từ Tua Hai, Ðồng Khởi của huyện Châu Thành xuống trường ở Bến Kéo, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành để học khoá ngắn hạn 6 tháng về thú y.

Dẫu có vất vả thế nào ông cũng quyết tâm. Ðến giờ, khi tuổi đã ngoài 80, ông vẫn đảm nhiệm chức danh cán bộ thú y của xã, làm “cố vấn” cho các trang trại hay người chăn nuôi nhỏ lẻ ở địa phương.

Từ kiến thức sách vở, kinh nghiệm thực tiễn, giờ đây, chỉ cần nghe người nhà miêu tả triệu chứng là ông Chấn có thể nhận biết con vật bị bệnh gì, phải làm thế nào để xử lý.

Ông nói: “Thời gian sau này, do tuổi cao nên tôi ít còn đến tận nơi chữa bệnh cho vật nuôi. Nhưng tôi có thể hướng dẫn người nuôi đỡ đẻ hay xử lý bệnh cho vật nuôi qua điện thoại”. Không ít lần ông nhận cuộc gọi lúc nửa đêm.

Ông cười: “Tôi thấy vui mỗi khi giúp được người nông dân chữa bệnh hay đỡ đẻ thuận lợi cho đàn vật nuôi. Tôi không ngại thời gian, chỉ cần giúp được ai là tôi sẵn lòng làm ngay”.

Ông Chấn không bao giờ tự mãn, tự cho rằng vốn kiến thức của mình đã đủ để hành nghề. Vì vậy, gần 80 tuổi, ông lại khăn gói đi luyện thi, đăng ký thi tuyển và đậu vào ngành thú y Trường đại học Trà Vinh khoá 2014-2017.

Ông nói: “Tôi muốn đi học để nâng cao trình độ cho bản thân mình, có thể làm tốt nghề nghiệp hơn nữa. Vì vậy, khi đi học, tôi quyết tâm lắm. Những gì người trẻ làm được tôi cũng làm được”.

Ðến giờ, ông còn nhớ như in cảm xúc ngày nhận bằng tốt nghiệp. Những phần thưởng, tràng vỗ tay của bạn học khiến ông nhớ mãi. Ông hào hứng: “Nếu còn sức khoẻ, minh mẫn, tôi vẫn muốn học thêm”.

Học để làm gương cho con cháu

Ông Lê Văn Sự, người con trai thứ hai của ông Chấn chia sẻ: “Bốn năm trước, khi nghe ba tôi nói sẽ đi luyện thi đại học, cả nhà ủng hộ để cho ông vui. Nào ngờ sau 2 tháng ôn luyện, ba tôi đã thi đậu vào ngành thú y đại học Trà Vinh trước sự ngỡ ngàng của con cháu”.

Ông Chấn kể: “Lúc đến trường, nhập học cùng lớp trẻ đáng tuổi cháu mình, tôi cũng cảm thấy ngại và sợ thua thiệt vì tuổi tác. Nhưng sau đó, tôi dần lấy lại tự tin và học hành chăm chỉ”.

Với những kiến thức tích luỹ qua hàng chục năm, ông Chấn dần trở thành “đầu tàu” cho lớp học. Ông luôn là người đầu tiên thực hiện kỹ thuật trong những tiết thực hành.

Ông nói rằng: “Tôi có sự dạn dĩ vì đã qua thực tế mà lớp trẻ không có được. Ðiều này khiến tôi ngày càng tự tin”. Những lúc gặp khó khăn trong việc học, ông đã có đội ngũ “gia sư” hùng hậu là các con và cháu của mình.

Nhờ vậy, việc học dần trở nên đơn giản với ông cụ gần tám mươi tuổi. Ông Chấn chia sẻ: “Càng học tôi càng thấy kiến thức của mình quá ít ỏi so với thực tế. Vì vậy, tôi luôn dặn mình phải cố gắng.

Không phải không có những dị nghị, cười cợt của người xung quanh, rằng “ông già rồi mà còn đi học để làm gì”. Nhưng ông gạt ngoài tai tất cả. Ông biết mình cần phải học để làm gì.

Ngày còn trẻ, khi cuộc sống của gia đình còn khó khăn, việc học không quan trọng bằng việc kiếm sống, nhưng ông vẫn cố gắng lo cho các con mình đến trường học hành đàng hoàng.

Ông nghĩ: “Khi có kiến thức, chúng ta sẽ dễ dàng tính toán cho cuộc sống của mình hơn”. Nhờ những quyết tâm đó, bây giờ các con, cháu của ông đa số đều thành đạt. Nhiều người có bằng đại học, thạc sĩ, có việc làm ổn định.

Tuổi đã già, nhưng tinh thần ông Chấn vẫn trẻ trung với ham muốn được đến trường. Không chỉ nâng cao kiến thức cho mình, mà còn là cách ông làm gương cho các con, cháu.

Ông cười: “Các cháu tôi nhìn vào tôi sẽ phải nghĩ ông mình còn đi học được thì sao mình không cố gắng”. Thành tích học tập của con cháu luôn là niềm tự hào lớn của ông cụ này khi trò chuyện với ai đó.

Dù ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng việc học chưa bao giờ dừng lại trong ý nghĩ của ông Chấn: “Tôi ước gì mình có thể trẻ lại vài chục tuổi để học thêm những kiến thức mới, giúp ích được nhiều hơn cho mọi người”.

VI XUÂN

Tin cùng chuyên mục