Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tình hình người nghiện và tội phạm liên quan đến ma tuý đã, đang và tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Cuộc chiến chống “cái chết trắng” dù đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn đó những khó khăn, vướng mắc.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung trò chuyện với người đang cai nghiện (ảnh chụp tháng 2.2020).
Xã, phường nào cũng có người nghiện
Theo số liệu thống kê, từ năm 2009-2019, trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 1.769 vụ phạm tội về ma tuý, riêng năm 2019 có 412 vụ. Số vụ mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma tuý từ mức độ nghiêm trọng trở lên được phát hiện, xử lý tăng hơn 5% so với năm trước.
Việc phấn đấu hạn chế phát sinh người nghiện mới không đạt. Năm 2009, toàn tỉnh có 537 người nghiện ma tuý, và hằng năm số người nghiện đều tăng, đến nay (tháng 7.2020) lên tới 4.101 người. Tất cả những người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma tuý này đều có hồ sơ quản lý (người nghiện ma tuý là 2.058, người sử dụng là 2.044 người).
100% số người nghiện ma tuý đều được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện, cụ thể như cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cai nghiện tại cơ sở cai nghiện, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Lực lượng Công an gọi hỏi, răn đe, giáo dục, thuyết phục những người sử dụng trái phép chất ma tuý tham gia cai nghiện tự nguyện; thường xuyên test nhanh ma tuý để kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người nghiện.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 Cơ sở cai nghiện thực hiện chữa bệnh, cai nghiện; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, dạy nghề, lao động sản xuất, tái hoà nhập cộng đồng cho người nghiện ma tuý và người sau cai nghiện ma tuý. Tất cả các học viên tiếp nhận vào cơ sở được tổ chức cắt cơn, giải độc, điều trị cai nghiện và thực hiện các hoạt động quản lý giáo dục, lao động trị liệu theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Trong số 4.101 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma tuý tính đến tháng 7.2020 có nam: 3.899, nữ: 202. Trong số này có 1.252 người sử dụng trái phép chất ma tuý vi phạm pháp luật, phạm tội (chiếm 30,52%); có 264 người đã từng sử dụng trái phép chất ma tuý đang chấp hành án tại các Trại tạm giam Công an tỉnh và nhà tạm giữ Công an các huyện, thị xã, thành phố; 172 người nhiễm HIV/AIDS.
Trong giai đoạn 2009-2019, ngành chức năng còn phát hiện có 2 trường hợp học sinh sử dụng trái phép chất ma tuý, đến nay có 1 trường hợp đã trưởng thành; 1 trường hợp gia đình cam kết theo dõi, giám sát không để tái phạm.
Tình hình hoạt động tội phạm ma tuý trên biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động tinh vi, có xu hướng sử dụng vũ khí nóng, mua bán, vận chuyển với số lượng lớn, phạm vi hoạt động rộng liên quan nhiều tỉnh, thành phố và xuyên quốc gia.
Nổi lên việc người Trung Quốc, người Campuchia, người Việt Nam định cư ở nước ngoài câu kết, móc nối với số đối tượng trong nước hình thành các đường dây vận chuyển trái phép ma tuý từ thành phố Phnom Penh - Campuchia về các casino, trường gà dọc theo tuyến biên giới, sau đó thuê người vận chuyển trái phép chất ma tuý qua các đường tiểu ngạch, đường mòn lối mở dọc tuyến biên giới để đưa về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ hoặc đi nước thứ ba.
Cầm đầu trong các đường dây là những đối tượng có tiền án, tiền sự về ma tuý, hoạt động được tổ chức rất chặt chẽ, kín đáo, chỉ đạo từ xa thông qua mạng xã hội, không trực tiếp giao nhận ma tuý mà giao cho tay chân, đàn em thực hiện theo từng công đoạn khác nhau- nhất là các đối tượng vận chuyển thuê, mua bán trái phép chất ma tuý đều từ các tỉnh khác đến, gây khó khăn trong công tác phát hiện, bắt giữ và xử lý. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng các cơ sở kinh doanh như khách sạn, nhà hàng, quán bar, beer club để mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Xử lý người sử dụng trái phép ma tuý chưa đủ tính răn đe
Theo phân tích của các cơ quan chức năng, việc phòng, chống ma tuý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc một phần là do những bất cập trong các quy định của pháp luật.
Từ khi hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý không được coi là tội phạm và không xử lý bằng pháp luật hình sự, chỉ xử lý theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, không đủ tính răn đe đối với người sử dụng trái phép chất ma tuý…
Về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo quy định tại Khoản 1, 2 Ðiều 29 Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000 và sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì: “Người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình... mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ”.
Nhưng Khoản 1 Ðiều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 lại quy định: “Ðối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên... mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”.
Một bất cập nữa là công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong thời gian lập hồ sơ chờ toà án xét xử thì đối tượng bỏ trốn và sau 3 tháng mới bắt lại được, tiếp tục đề nghị toà án xét xử đưa đi cai nghiện bắt buộc thì không đưa ra xét xử được, vì đã hết thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (theo điểm d Khoản 2 Ðiều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 3 tháng).
Ðiểm a Khoản 4 Ðiều 21 Nghị định số 167/2013/NÐ-CP năm 2013 quy định “người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý nhà hàng, cơ sở cho thuê lưu trú, các câu lạc bộ, các phương tiện giao thông và các nơi khác để cho người khác lợi dụng sử dụng ma tuý trong khu vực, phương tiện mà mình quản lý” chỉ quy định hình phạt chính và hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Hình thức xử lý đối với các dịch vụ kinh doanh có điều kiện như trên chưa đủ sức răn đe các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tại khoản 1, Ðiều 21, Nghị định số 167/2013/NÐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định: “Hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý” bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng. Như vậy, chế tài xử phạt còn rất nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Từ thực tế đó, UBND tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét bổ sung “Tội sử dụng trái phép chất ma tuý” vào Bộ luật Hình sự năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung năm 2017, đối với những trường hợp đã có tiền sự về ma tuý.
Kiến nghị xem xét sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định 221/2013/NÐ-CP về độ tuổi áp dụng giáo dục xã, phường, thị trấn và đưa cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện theo hướng: “Ðối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi trở lên... mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định”.
Ðiểm d Khoản 2 Ðiều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cần bổ sung quy định về thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo hướng: Nếu trong thời gian chờ toà án đưa đối tượng nghiện ma tuý ra xét xử mà đối tượng có hành vi bỏ trốn, không chấp hành quyết định triệu tập của toà án thì thời gian đối tượng bỏ trốn không tính vào thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ðối với hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý được quy định tại Khoản 1, Ðiều 21, Nghị định số 167/2013/NÐ-CP năm 2013, đề nghị tăng mức phạt tiền nhằm bảo đảm tính răn đe của pháp luật.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Tây Ninh đầu năm 2020, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung nhấn mạnh vấn đề cần quan tâm là phải chặn nguồn cung cấp ma tuý, trong đó, vai trò của Công an, Biên phòng, Hải quan đặc biệt quan trọng.
Tại kỳ họp HÐND tỉnh, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nhiều gia đình bao che, không khai báo đúng thực tế về tình trạng nghiện của con, em mình. Tại cơ sở cai nghiện, công tác tổ chức quản lý học viên còn khó khăn, việc dạy văn hoá cho người nghiện gặp vướng mắc, vì có ít giáo viên nhận dạy.
Vấn đề dạy nghề cho người cai nghiện cũng khó thực hiện vì thời gian cai nghiện của mỗi người dài, ngắn khác nhau, không đồng đều. Do cơ sở vật chất của cơ sở cai nghiện đang sửa chữa, nâng cấp nên công tác quản lý chưa bảo đảm chặt chẽ.
Cụ thể, vẫn còn tình trạng ma tuý thẩm lậu vào cơ sở bằng cách “gửi” qua đường thức ăn hằng tuần (giấu ma tuý trong thức ăn). Có trường hợp người bên ngoài ném ma tuý vào bên trong cơ sở hoặc lợi dụng khi học viên được ra ngoài lao động sản xuất để tiếp cận cung cấp ma tuý. “Có kiểm tra, rà soát nhưng vẫn không triệt để, hiện vẫn chưa có giải pháp tốt nhất để ngăn chặn tình trạng thẩm lậu ma tuý từ ngoài vào các trại cai nghiện”.\
Việt Ðông