Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trâm và nhóm bạn bàn bạc làm sạch cung đường leo núi Bà Đen sau khi nghe nhiều lời phàn nàn về ý thức giữ gìn môi trường của các “phượt thủ”.
Rau củ quả (ảnh trên) và những đòn bánh tét nghĩa tình mà người dân và các bạn trẻ ở Tây Ninh gói gửi lên tuyến đầu chống dịch.
Bằng những cách khác nhau, nhiều người trẻ ở Tây Ninh chọn “sống xanh” - một lối sống có trách nhiệm với xã hội, cùng mang những giá trị tốt đẹp lan toả ra cộng đồng- nhất là từ sau khi trải qua cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 không chỉ cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội mà còn đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ và sinh mệnh của hàng triệu người. Trong cuộc chiến này, lòng nhân ái đã chiến thắng trên “mặt trận không tiếng súng”.
Sau đại dịch, nhiều người chợt nhận ra rằng, giá trị của cuộc sống chính là lối sống trách nhiệm với xã hội. Thế nên, đã có rất nhiều người trẻ tình nguyện xông vào “vùng đỏ” giúp dân - từ những y, bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang cho đến đoàn viên thanh niên. Còn trong nhân dân, người giúp người qua những bó rau, cọng hành, trái ớt, những đòn bánh tét nghĩa tình đầy xúc động…
Nguyễn Tường Vy (32 tuổi, ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) trải lòng: “Đại dịch Covid-19 là biến cố lớn để chúng ta nhìn lại mình và đánh giá lại mọi thứ xung quanh. Trong đại dịch, thay vì buồn chán, tôi khát khao và quyết tâm làm những điều ý nghĩa”.
Và những ngày dịch bệnh bất ngờ ập đến, toàn xã hội bị phong toả, Vy chạnh lòng khi nhìn thấy cảnh bà con nông dân nghẹn ngào bên những vườn nhãn nặng trĩu quả đến kỳ thu hoạch. Không thể ngồi yên, Vy kết nối nhiều người đến hỗ trợ giải cứu, giúp người dân bán đi hơn 300kg nhãn với giá 4.000 đồng/kg.
“Rồi mình bỏ công, bỏ thêm chút tiền xăng để đi giao nhãn đến từng người. Mình cũng góp thêm ít tiền mua chút mắm muối, bột ngọt, rau… tặng bà con ở khu vực phong toả, các anh dân quân ở các chốt…” - Vy chia sẻ.
Hành trình làm đẹp môi trường của những bạn trẻ Tây Ninh.
Tương tự, Võ Thị Quế Trâm (ngụ TP. Tây Ninh) luôn xông xáo trong những chuyến đi hỗ trợ các mặt hàng thiếu yếu cho người dân vùng dịch, lặn lội về những vùng sâu, vùng xa giúp cho những hoàn cảnh không may. Trâm tâm sự, cô tận dụng mạng xã hội Facebook để lan toả nhanh hơn những thông điệp tích cực, kêu gọi mọi người đồng lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Nhiều bạn trẻ biết đến Trâm qua các hoạt động thiện nguyện hay dự án nhặt rác bảo vệ môi trường, chương trình tổ chức Trung thu cho các em nhỏ ở vùng biên giới hằng năm…
Lý giải vì sao bền bỉ với những chuyến đi thiện nguyện suốt nhiều năm qua, Trâm nói: “Duyên!”. Trâm kể, trong một lần đến thăm cụ ông M.V.P (hơn 60 tuổi) sống một mình ở ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Tân Biên: “Ông bị tai biến, mọi sinh hoạt hằng ngày phải tự lo. Hôm em đến thăm ông, chứng kiến cảnh ông múc cơm ăn đầy khó nhọc, cơm đổ hết trên người và ông bật khóc khiến em càng quyết tâm với công tác này”.
Trâm cũng tâm sự: “Dù những điều chúng em cho đi không quá lớn lao, nhưng em hy vọng hành động của mình và các bạn sẽ lan toả, để có thêm nhiều người khó khăn khác được giúp đỡ”.
Trâm và nhóm bạn bàn bạc làm sạch cung đường leo núi Bà Đen sau khi nghe nhiều lời phàn nàn về ý thức giữ gìn môi trường của các “phượt thủ”. “Lúc đầu chỉ có một nhóm nhỏ. Sau khi tụi em lên fanpage Tôi Yêu Tây Ninh kêu gọi mọi người hưởng ứng, gần 100 bạn tham gia. Sau đó, đến ngày 6.3.2022, số lượng đăng ký lên đến 200 bạn trẻ, và có hơn 90 bao rác thải nhựa đã được mang xuống núi”.
Các bạn trẻ xung phong hỗ trợ phòng chống dịch tại nơi từng là tâm dịch lớn nhất tỉnh - huyện Dương Minh Châu.
Không đâu bằng quê mình
Và không đâu trên đất nước Việt Nam như ở Tây Ninh, có một phiên chợ rất kỳ lạ, đó là người bán hàng chỉ nhận lá chứ không nhận tiền của người mua. Nghe tưởng như đùa nhưng đó lại là sự thật.
Phiên chợ kỳ lạ này dù đã tồn tại hàng chục năm qua nhưng không phải ai ở Tây Ninh cũng biết. Mỗi năm, phiên chợ chỉ họp chóng vánh vỏn vẹn trong 2 buổi sáng 14 và 15 tháng Giêng. Địa điểm họp chợ không cố định, mà được tổ chức ở nhiều nơi khác nhau trong khu vực thị xã Hoà Thành để bà con vùng đạo Cao Đài ai cũng có thể mua hàng.
Ở chợ này, ai có gì bán nấy, chỉ lấy lá làm lộc chứ không lấy tiền. Còn người mua thì có thể tấp ven đường hái vài chiếc lá để thay tiền mua hàng. Thế nên, người ta mới gọi phiên chợ này là “Chợ Tiên” hay “Chợ Lá”, người bán lẫn người mua đều vui vẻ, cầu mong cho nhau được sức khoẻ, bình an và cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong năm mới.
Cũng ở đây, nào là chè, xôi, nào là bánh mì, hủ tiếu xào… Tất cả đều là đồ ăn, thức uống chay. Sau này, khi nhiều bạn trẻ biết đến, mang xoài, ổi, đu đủ ở vườn nhà, mua thêm nước đem đến bán để lấy lộc mang về.
Nét đẹp của phiên chợ lá này đã lan toả ra toàn tỉnh từ sau dịch. Tết năm 2021, những phiên chợ lá ấm áp tình người kéo dài gần suốt tháng Giêng. Lần đầu chứng kiến phiên chợ kỳ lạ này, Trương Mỹ Hân (27 tuổi, ngụ thị xã Hoà Thành) thốt lên: “Không đâu bằng quê mình!”.
T.Y