Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trẻ tiếp cận với smartphone ngày càng sớm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Hoạt động giúp gắn kết tình thân trong gia đình.
Do công việc, thời gian, hiện nay nhiều bậc cha mẹ quen dần với việc nhờ smartphone làm “bảo mẫu”, giữ chân con trẻ ở nhà, giúp kích thích bữa ăn hay giữ im lặng trước những cuộc gặp gỡ.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Dũng (Khoa Khoa học giáo dục, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Thành phố Hồ Chí Minh), thực tế, có không ít trường hợp trẻ em trở thành nạn nhân của những chiêu trò qua mạng xã hội, mà smartphone là công cụ dẫn dắt khiến các em trở thành con mồi cho những kẻ tội phạm.
Trẻ con vốn tò mò. Trong chiếc smartphone sẽ có vô vàn những điều thú vị, những bài hát, trò chơi, những video làm trẻ cảm thấy kích thích và thu hút sự chú ý của trẻ nhỏ. Chính vì thế, khi được sử dụng điện thoại, trẻ dường như quên đi mọi thứ xung quanh và đắm chìm vào thế giới ảo trong chiếc điện thoại, ipad. Trẻ sẽ trở nên ngoan ngoãn, vâng lời và không phá phách, làm phiền đến những người bên cạnh.
Tạo sân chơi thiết thực cho trẻ.
Tuy nhiên, khi cha mẹ liên tục bận rộn thì thời gian sử dụng điện thoại của con trẻ lại càng tăng cao. Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy đây là một giải pháp hiệu quả có thể giúp con ngoan ngoãn hơn để cha mẹ có thể làm tốt công việc của mình, từ đó họ phó mặc cho con thoải mái chơi đùa cùng chiếc điện thoại. Mỗi khi không có thời gian chơi đùa, trò chuyện cùng con thì họ sẽ “quăng” cho trẻ một chiếc điện thoại và mặc cho trẻ “phiêu lưu” với nó.
Chị Bích Phượng (ngụ xã Tân Phú, huyện Tân Châu) cho biết, chị đã rất ngạc nhiên khi thấy những đứa con, cháu nhỏ chưa vào lớp 1 có thể tìm kiếm những điều chúng muốn trên chiếc điện thoại thông minh hay tivi có kết nối internet. Dò hỏi, chị mới biết được chúng tìm kiếm bằng giọng nói.
Những hôm rảnh rỗi, chị Bích Phượng tìm hiểu con, cháu mình đang xem những gì trên điện thoại, có lúc uốn nắn, nhắc nhở khi nghe, thấy bọn trẻ xem gì đó không phù hợp. Nhưng không phải lúc nào chị cũng có thể ở bên cạnh để điều chỉnh cho trẻ.
Những đứa trẻ nhà chị Bích Phượng không phải là trường hợp cá biệt. Chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh đứa trẻ chăm chú dán mắt vào điện thoại tại các gia đình, không gian công cộng. Khi không nhận được sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của gia đình, người thân, trẻ nhỏ cũng có xu hướng sử dụng điện thoại quá mức để bù đắp cho những sự thiếu vắng của bản thân. Nhiều đứa trẻ tìm kiếm sự đồng cảm, vui vẻ và hạnh phúc thông qua những điều thú vị, hấp dẫn trên mạng xã hội. Trẻ có thể chơi game hàng giờ đồng hoặc xem những chương trình yêu thích để khoả lấp đi những nỗi trống vắng trong lòng.
Smartphone đang dần chia cắt những giá trị gia đình. Mỗi người ôm một chiếc điện thoại là hình ảnh quen thuộc hiện nay. Từ đó, những sẻ chia, trao đổi giữa ba mẹ, con cái ngày một ít đi. Và “nghiện” là từ được nhiều người dùng khi bắt đầu ngán ngẩm với cảnh con, cháu mình cứ khư khư ôm điện thoại, dần ít tiếng nói, lười nhác việc nhà, chểnh mảng học hành hay ngại rời khỏi nhà vì không muốn bỏ dở ván game hay sự hấp dẫn từ TikTok, YouTube.
Trước những vấn đề đó, nhiều bậc cha mẹ bắt đầu loay hoay tìm cách giảm thời gian chơi điện thoại của con. Chị Bích Phượng nói rằng vợ chồng mình đã bắt đầu hạn chế giờ sử dụng điện thoại của con, để chúng chú tâm học tập, sinh hoạt. Các con chị dù đã ít tiếp xúc điện thoại hơn nhưng chị vẫn chưa thật hài lòng và vợ chồng chị đang nghĩ đến một phương pháp khác hiệu quả hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Dũng cho biết: "Khi tiếp cận những ca có triệu chứng nghiện điện thoại, chúng tôi luôn mời gọi sự cộng tác của phụ huynh. Điều này là một tiến trình mang tính thoả hiệp, chúng tôi yêu cầu phụ huynh phải có sự đồng hành cùng con mình trong suốt tiến trình trị liệu triệu chứng nghiện smartphone như một giao ước thường nhật. Sự cưỡng chế dù bất cứ lý do nào cũng chỉ mang lại hậu quả, khoét sâu hơn sự xa cách giữa trẻ và cha mẹ…”
Cùng trẻ làm việc nhà.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, đa phần những em được tiếp nhận điều trị có chung đặc điểm là cha mẹ hiếm khi chia sẻ, lắng nghe, đồng hành cùng các con. Cha mẹ không nhất thiết 24/24 hiện diện trực tiếp bên cạnh con.
Có thể mỗi ngày cha mẹ chỉ có được 45 phút chơi cùng các con nhưng nó phải là trọn vẹn dành cho các con: giải trí chung, làm việc nhà, lắng nghe và chia sẻ dù nhỏ cũng tạo nguồn "kháng thể" mạnh mẽ, giúp các con đủ sức đề kháng trước những cám dỗ từ samrtphone và mạng xã hội.
Đừng để smartphone làm giảm quyền kiểm soát, sự thân mật của cha mẹ và các con. Dẫu biết rằng người lớn quá bộn bề với những lo toan việc mưu sinh nhưng đừng để những chiếc điện thoại vô tri phá vỡ hay thay dần những tương quan tình thân trong gia đình.
Vi Xuân - Cỏ May