Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Chiều 6.1, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.
Tham dự buổi làm việc với đoàn có ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo UB.MTTQ, Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Chi cục ATVSTP và các ban ngành, đoàn thể liên quan.
Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. |
Buổi làm việc với UBND tỉnh lần này nhằm đánh giá lại những việc đã làm được và chưa được trong thời gian qua để cùng tìm ra giải pháp cho địa phương giải quyết những khó khăn, cũng như kiến nghị trình lên Quốc hội.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, từ năm 2011, việc áp dụng các chính sách, pháp luật về ATTP trong quản lý nhà nước đã mang lại hiệu quả như nâng cao trách nhiệm về ATTP cho các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến lĩnh vực thực phẩm, cơ sở sản xuất được đầu tư nâng cấp, giảm việc sử dụng chất cấm, tồn dư thuốc BVTV trong thực phẩm...
Các quy định về ATTP được các sở, ngành hướng dẫn người dân áp dụng kịp thời. Nhận thức về chất lượng ATTP được nâng cao. Sự phối hợp giữa các ngành cũng đã mang lại hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về ATTP có những chuyển biến tốt, từng bước hoàn thiện bộ máy.
Hiện nay, trong lĩnh vực Nông nghiệp, toàn tỉnh có 289 cơ sở thuộc phạm vi ngành Nông nghiệp quản lý, trong đó 77,5% cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; ngành Y tế quản lý 4.619 cơ sở và có trên 83,3% số cơ sở đã được cấp giấy; tương tự, ngành Công thương quản lý 1.572 cơ sở và cấp giấy đạt trên 44,1%.
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại buổi làm việc. |
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trong lĩnh vực ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp. 5 năm qua, có hàng chục ngàn lượt cơ sở bị thanh tra, kiểm tra và có gần 1.700 vụ vi phạm các quy định về ATTP do 3 ngành phát hiện, xử phạt hành chính, trong đó ngành Y tế phát hiện, xử phạt hành chính gần 800 vụ. Toàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.079 người mắc, không có trường hợp tử vong.
Báo cáo của UBND tỉnh cũng như ý kiến của đại diện các ngành có liên quan đều xoay quanh những khó khăn, như thiếu nhân lực thực hiện công tác VSATTP ở tuyến huyện và xã; thiếu kinh phí thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra; còn khó khăn trong quản lý nhóm đối tượng kinh doanh sản xuất, nhỏ lẻ.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền chưa thật sự phát huy hiệu quả; hình thức xử phạt còn chưa đủ tính răn đe đối với đối tượng vi phạm; tình trạng sử dụng chất phụ gia không rõ nguồn gốc, chất cấm trong sản xuất thực phẩm vẫn không quản lý được; cấp ủy, chính quyền một số nơi vẫn thiếu sự quan tâm đối với công tác ATTP...
Đoàn liên ngành VSATTP tỉnh kiểm tra sản phẩm bún tươi của một cơ sở sản xuất ở huyện Châu Thành- Ảnh minh hoạ |
Ông Huỳnh Thanh Phương- Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đưa ra một số khuyến cáo, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành có liên quan thực hiện trong thời gian tới để công tác đảm bảo ATTP thật sự hiệu quả, như: phát huy hiệu quả của truyền thông, có cơ chế khuyến khích tố giác vi phạm về ATTP; mở chuyên mục tuyên truyền trên báo, đài địa phương; UBND tỉnh cần chỉ đạo 3 ngành Nông nghiệp, Công thương và Y tế trong công tác, tránh sự chồng chéo, chờ đợi nhau khi thực hiện; kêu gọi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, từng bước đẩy lùi nạn kinh doanh thực phẩm bẩn.
Bên cạnh đó, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, tỉnh cũng cần có sự đầu tư thích đáng cho nguồn lực phục vụ công tác VSATTP.
Ngô Tuyết