Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Áp dụng chế định “Lẽ công bằng” theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
Thứ bảy: 10:45 ngày 09/01/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bộ luật Tố tụng Dân (BLTTDS) sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016, có những chế định mới liên quan trực tiếp tới công tác xét xử các vụ án dân sự, trong những đạo luật ấy nổi lên một chế định pháp lý rất mới, đó là “Lẽ công bằng”. Ðây là khái niệm “lạ” trong nền tư pháp Việt Nam.

Không phải tự nhiên mà BLTTDS 2015 lại có một khái niệm mới mẻ về lẽ công bằng như vậy. Ðiều này vốn xuất phát từ Hiến pháp năm 2013, một đạo luật quan trọng nhất trong hệ thống văn bản pháp luật nước ta đã quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội; bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Theo Ðiều 45, BLTTDS 2015 thì “Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”. Toà án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật.

Như vậy, lẽ công bằng bây giờ không phải là phạm trù đạo đức hay là nhận thức chủ quan của thẩm phán nữa, mà là những khuôn khổ pháp luật được khuôn định bởi BLTTDS 2015 và bắt buộc phải áp dụng nếu có đủ điều kiện để xử án. Theo đó, khi có những vụ việc dân sự, mặc dù pháp luật không quy định, không có các điều luật để áp dụng, không có tập quán, tương tự pháp luật hay án lệ thì Toà án vẫn phải thụ lý giải quyết, và việc giải quyết này sẽ được thực hiện theo nguyên tắc “Lẽ công bằng”.

Vừa qua, một TAND huyện trong tỉnh đã xét xử một vụ án, áp dụng chế định lẽ công bằng như nêu trên. Trong thời gian sống chung với anh T và chị L (vợ kế anh T), cháu A và cháu B thường bị anh T và chị L nhiều lần đánh đập, hành hạ. Năm 2019, anh T bị TAND tỉnh hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên, không cho trông nom, chăm sóc, giáo dục, quản lý tài sản riêng của cháu B hoặc đại diện theo pháp luật cho cháu B trong thời hạn 3 năm. Toà án cũng giao cháu B cho bà ngoại nuôi dưỡng, là người đại diện cho cháu theo quy định của pháp luật.

Cháu B có một phần tài sản được hưởng thừa kế từ mẹ ruột do anh T quản lý vì cháu B là người dưới 18 tuổi. Anh T là người đại diện pháp luật đứng tên trên suất thừa kế của cháu B với điều kiện phải sử dụng tài sản trên để nuôi dưỡng, chăm sóc, lo cho cháu ăn học khi đến tuổi trưởng thành và với sự giám sát của chị gái. Tuy nhiên, anh T không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của cha đối với con, không nuôi dưỡng con ruột và hành hạ, đánh đập cháu B.

Vì vậy, bà ngoại của cháu B khởi kiện yêu cầu anh T trả lại tài sản là quyền sử dụng đất cho cháu B. Trong khi đó, anh T cho rằng cháu B là trẻ em, chưa đến 18 tuổi nên không trả lại phần đất thừa kế cho cháu, nếu có trả thì buộc cháu B phải thanh toán lại công trình phụ, cây trái trên phần đất đang tranh chấp vì anh đã đầu tư canh tác tốn rất nhiều công sức và tiền bạc.

Toà án nhận định, sau khi mẹ cháu B chết, anh T đã không làm tròn nghĩa vụ nuôi dưỡng nên cháu B về sống với bà ngoại. Anh T không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con trong khi anh sử dụng phần đất cháu B được thừa kế cũng như những di sản mà mẹ cháu B để lại có thu nhập hằng ngày. Khi anh T xây dựng và trồng cây trên đất đã không thông qua ý kiến của người giám sát là cháu A. Ðồng thời vì tình nghĩa cha con, cháu B là trẻ em, không thể tự mình lao động để nuôi sống bản thân mà phải sống phụ thuộc vào bà ngoại nuôi dưỡng nên không có tiền để trả lại cho anh T.

Khi buộc anh T giao trả đất cho cháu B, Toà án có xem xét đến việc không phải thanh toán lại cho anh T tiền giá trị công trình xây dựng và cây trái trên đất. Bởi lẽ, trong quá trình anh T và chị L sử dụng diện tích đất, cây trái trên đất có một phần là di sản của mẹ cháu B để lại nhưng bà ngoại cháu B, cháu A không yêu cầu chia mà để lại cho anh T sử dụng. Hơn nữa, anh T không làm tròn nghĩa vụ làm cha, không cấp dưỡng nuôi con nhưng bà ngoại cháu B vẫn không yêu cầu. Ðể bảo vệ quyền và lợi ích cho con chưa thành niên, cháu B là trẻ em và theo “Lẽ công bằng” thì những tài sản trên đất nằm trong phần diện tích giao cho cháu B được quyền quản lý mà không phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán lại cho anh T và chị L là phù hợp.

Luật gia Nguyễn Thị Ngọc Linh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục