Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Những ngày đầu khai trường cũng là lúc phụ huynh tất bật có mặt ở các nhà sách tìm mua cho đủ những sách, vở, đồ dùng học tập còn thiếu. Mà không phải nhà sách nào cũng có bán sách VNEN, nên nhiều phụ huynh phải tìm đến nhiều nhà sách để mua được trọn bộ những sách còn thiếu.
Phụ huynh, học sinh tìm mua sách tham khảo tại nhà sách Fahasa Tây Ninh.
Cả tuần nay, hầu như ngày nào đi học về, cô con gái mới vào lớp 6 cũng đòi tôi chở đi nhà sách mua thêm một số sách tham khảo và vở bài tập các môn học. Trước đó, chuẩn bị cho con nhập học, từ giữa tháng 8, tôi đã đưa bé đến một nhà sách lớn trên địa bàn thành phố để mua trọn bộ sách giáo khoa lớp 6, tập vở và các đồ dùng học tập.
Tôi cứ ngỡ như thế là đã xong. Nhưng ngay ngày đầu tiên nhập học, con bé về liệt kê gần chục cuốn sách giáo khoa và vở bài tập còn thiếu do các giáo viên bộ môn yêu cầu bổ sung. Trong đó, sách Tiếng Anh phải là bộ theo chương trình mới (Tiếng Anh 6- tái bản lần bảy), không phải là cuốn sách mà tôi đã mua trước đó (Tiếng Anh 6- tái bản lần thứ 18). Phải tìm đến nhà sách thứ 4 trên địa bàn thị xã Hoà Thành, mẹ con tôi mới tìm mua đủ số sách con liệt kê, gồm bộ sách Tiếng Anh theo chương trình mới, vở bài tập Toán, vở bài tập Ngữ Văn, vở bài tập Sinh học, vở bài tập Vật lý, sách và vở bài tập Công nghệ…
Sang ngày thứ hai, con tôi tiếp tục đòi chở đi mua sách Mỹ thuật, Âm nhạc, tập chép nhạc… Ðến ngày thứ ba, nó lại bảo thiếu tập Bản đồ, vở bài tập Giáo dục công dân… Và lần này, tôi đã phải chạy đến 9 nhà sách từ thành phố Tây Ninh về thị xã Hoà Thành, từ nhà sách lớn đến nhà sách nhỏ để mua, nhưng cũng chẳng tìm đâu ra cuốn vở bài tập Giáo dục công dân 6, chỗ nào cũng bảo hết hàng.
Trong “hành trình” ấy, tôi gặp không ít phụ huynh các khối lớp khác cũng tất bật chạy tìm sách, vở bài tập cho con giống như tôi, nhiều nhất là phụ huynh những lớp đầu cấp. Có người vẫn chưa tìm mua được bộ sách Tiếng Anh 6 chương trình mới.
Nhìn ánh mắt lo lắng của mấy đứa nhỏ không tìm ra sách, vở theo yêu cầu của giáo viên, không bậc phụ huynh nào có thể an tâm, dù rất muốn bảo với chúng rằng: “Con vào nói với cô là các nhà sách bán hết rồi, mình không mua được!”. Mọi người phải hỏi thăm nhau, ai biết nhà sách/cửa hàng nào còn sách hay vở bài tập môn đó thì chỉ, và khuyên lo chạy nhanh để tìm mua cho kịp.
Lo cho đứa lớn chưa xong, tôi lại phải lo thêm việc mua sách, vở cho đứa nhỏ. Bé nhỏ của tôi năm nay học lớp 3, học sách của chương trình VNEN. Mấy năm nay, mỗi lần đến ngày nhập học của nó là tôi lại… lo.
Ngoài việc đăng ký mua bộ sách giáo khoa ở trường vào cuối năm học trước, năm nào tôi cũng nhận được một tờ thông báo đi mua thêm một mớ sách khác còn thiếu trong chương trình. Chẳng hạn năm nay, ngày đầu tiên về, con đưa ngay tờ giấy thầy chủ nhiệm thông báo, rằng ngoài bộ sách VNEN lớp 3 đã đăng ký mua ở trường, phụ huynh cần mua thêm các cuốn sách và vở như: Ðạo đức, Âm nhạc, Thủ công, Tập viết, Bài tập Toán, Bài tập Tiếng Việt, hộp đồ dùng học tập… Áp lực lớn nhất là phụ huynh phải mua ngay để hôm sau con có đủ tập, sách đem vào cho thầy/cô kiểm tra.
Và năm nào cũng vậy, những ngày đầu khai trường cũng là lúc phụ huynh tất bật có mặt ở các nhà sách tìm mua cho đủ những sách, vở, đồ dùng học tập còn thiếu. Mà không phải nhà sách nào cũng có bán sách VNEN, nên nhiều phụ huynh phải tìm đến nhiều nhà sách để mua được trọn bộ những sách còn thiếu.
Ðể khắc phục tình trạng này, Ban giám hiệu các trường nên yêu cầu các giáo viên từng khối lớp thống kê những sách giáo khoa, vở bài tập, sách tham khảo, đồ dùng học tập từng môn học rồi tổng hợp để thông báo cho phụ huynh biết trước ngày nhập học, để phụ huynh có kế hoạch mua sắm cho con em mình theo yêu cầu của nhà trường.
Mới đây, Bộ GD&ÐT đã yêu cầu các Sở GD&ÐT tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo phục vụ năm học 2020-2021 trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về tài liệu tham khảo sử dụng tại trường để học sinh, phụ huynh biết lựa chọn. Phụ huynh, học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế và không bắt buộc.
Trịnh Vi