Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Để Thành phố Tây Ninh trở thành “thành phố du lịch”
Bài 1: Cần có bản sắc, đặc trưng riêng
Thứ sáu: 14:39 ngày 17/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mỗi phường, xã đề xuất phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tạo gắn kết với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo việc làm cho người dân, cải thiện thu nhập cho người dân...

Những căn chòi cất tạm bợ trên mặt nước tại một quán ăn khu vực chân núi Bà Đen, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh không chắc rằng bảo đảm an toàn cho du khách

Thành phố Tây Ninh hiện có một lợi thế rất lớn là có Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen – một trong những địa điểm thu hút khách tham quan nằm trong top đầu của cả nước. Tuy nhiên, để khai thác và phát huy lợi thế đó, đối với thành phố Tây Ninh còn rất nhiều khó khăn thách thức, đòi hỏi phải có kế hoạch căn cơ, khoa học và có lộ trình thực hiện cụ thể mới hy vọng trở thành “thành phố du lịch” như kỳ vọng của chính quyền địa phương.

Tiềm năng chưa được phát huy, ít sản phẩm du lịch

Thành phố Tây Ninh là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá của tỉnh, phát triển hạ tầng về giao thông, các trung tâm thương mại, nhà ở; có hệ thống các khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú đạt chuẩn phục vụ tốt nhu cầu của du khách; có các tuyến giao thông quan trọng, thuận lợi cho việc kết nối với các huyện, thị xã trong tỉnh.

Các làng nghề truyền thống hiện đang được giữ gìn và phát triển như: chằm nón lá, nghề làm muối ớt, bánh tráng, gò nhôm... là tiềm năng để phát triển sản phẩm du lịch. Đặc biệt những đặc sản nổi tiếng, món ăn ngon được phục vụ tại các khu ẩm thực trên địa bàn tạo nét đặc trưng riêng của Thành phố.

Bên cạnh đó, địa phương còn các điểm đến du lịch và có giá trị ở khu vực Đông Nam bộ đang được khai thác, thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm, đây là lợi thế của tỉnh Tây Ninh nói chung và của thành phố Tây Ninh nói riêng.

Tuy nhiên, chính quyền thành phố nhìn nhận, trên địa bàn dù có một số địa điểm du lịch tiềm năng nhưng chưa được khai thác tối đa giá trị; mô hình du lịch sinh thái chưa phát triển; một số điểm tự phát không bảo đảm theo quy hoạch; các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ sản xuất thương mại chưa đạt chuẩn theo quy định gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về du lịch. Hệ thống giao thông đường bộ tại khu vực quanh núi Bà Đen chưa hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong việc đi lại, kết nối các điểm đến du lịch trong các dịp lễ, tết.

Du lịch của thành phố Tây Ninh hiện nay chủ yếu khai thác từ núi Bà Đen; sản phẩm du lịch thành phố vẫn chưa định hình rõ nét, đơn điệu, thiếu nhiều dịch vụ phụ trợ; các sản phẩm du lịch như ẩm thực, trải nghiệm, về nguồn... phát triển theo mô hình tự phát, chưa thật sự thu hút, giữ chân khách du lịch lưu trú tại địa phương.

Vì thế, giá trị thu được từ du khách cũng không cao, đó cũng là điểm yếu. Số lượng khách thống kê nhiều nhưng doanh thu từ các dịch vụ phụ trợ lại thấp, khó có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Song song đó, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành số lượng còn ít, quy mô nhỏ, chưa hình thành được doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực du lịch nội tỉnh; mặt khác, lại bị chi phối về khoảng cách địa lý, thời gian di chuyển giữa Tây Ninh với trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong những năm gần đây, mặc dù số lượng khách du lịch đến Tây Ninh so với khu vực và cả nước ở mức khá, nhưng doanh thu rất thấp. Thành phố chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch lưu trú dài ngày.

Nững cái chòi, cái lều được dựng đơn giản như thế này chưa đạt chuẩn cho khách lưu trú qua đêm nhưng hiện nay du khách vẫn có nhu cầu ( một quán ăn có tổ chức dịch vụ cắm trại dưới chân núi Bà Đen, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh).

Đến một số quán ăn mang hơi hướng sinh thái nằm trên địa bàn hai phường Ninh Sơn và Ninh Thạnh, nhất là những quán nằm khu vực gần chân núi Bà Đen, có nơi quảng cáo có tổ chức cắm trại qua đêm, nhưng chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy những căn chòi được dựng rất sơ sài trên ao, hay những “túp lều” cho khách ngủ qua đêm quá đơn điệu, ngoài tấm đệm và máy quạt không có hệ thống nhà vệ sinh riêng biệt.

Nhân viên của một quán ăn cho biết, khách đến ăn uống trên các chòi thiết kế nằm trên ao, nếu có nhu cầu cắm trại qua đêm, giá mỗi lều là 150 ngàn đồng/người. Riêng các quán ăn dọc kênh Tây (gần cầu K18), nằm trên địa bàn phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh, hầu hết được cất trên các ao nước lớn.

Một lãnh đạo phường Ninh Sơn cho biết, các quán trên đều xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng là các công trình tạm. UBND phường đã lập biên bản xử lý. Tuy nhiên do chưa triển khai quy hoạch, nên các quán cam kết tự tháo dỡ khi có quy định mới.

Riêng các lều cắm trại, UBND phường yêu cầu các quán phải đăng ký tạm trú cho khách qua đêm theo đúng quy định. Ngoài ra, UBND phường thường xuyên kiểm tra hoạt động của các quán ăn này về các vấn đề an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm…

Chủ tịch UBND phường Ninh Thạnh cho biết, những quán ăn nằm trên các ao nước đã hình thành hơn 10 năm về trước, dù xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng rất khó xử lý. Gần đây, UBND phường đã xử lý một quán ăn cất theo kiểu trên ao do xây dựng thêm và buộc tháo dỡ.

UBND phường cũng thường xuyên kiểm tra vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các quán có du khách ghé ăn thường xuyên. Tuy nhiên về vấn đề kết cấu của các quán ăn nằm trên mặt nước như thế nào là bảo đảm, UBND phường không biết phải xử lý ra sao và cơ quan nào xử lý vấn đề này.

Phát triển du lịch với những nét riêng, đặc thù

Xác định rõ những khó khăn, tồn tại trong việc phát triển địa phương trở thành “thành phố du lịch”, UBND TP. Tây Ninh đã ban hành Kế hoạch phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng với những nét riêng, đặc thù đến năm 2025.

Mục tiêu của Kế hoạch này là triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Tây Ninh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, trong đó tập trung xây  dựng và triển khai các nhiệm vụ đột phá về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, hấp dẫn với những nét riêng.

Đường vào một quán ăn mang hơi hướng sinh thái dưới chân núi Bà Đen tại phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch hiệu quả; kết nối các tuyến, tour du lịch trong và ngoài nước; phối hợp các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án (Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, các khu du lịch sinh thái trên địa bàn, phố đi bộ...) gắn với phát triển du lịch trọng điểm của thành phố; kết nối với các điểm đến du lịch ở các huyện, thị trong tỉnh: Toà Thánh Cao đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.

Phát triển du lịch góp phần lan tỏa sự phát triển của các ngành kinh tế khác  như nông nghiệp, xây dựng, vận tải, điện nước, thông tin liên lạc… nhất là phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng, mang đậm bản sắc văn hoá.

Cụ thể, thành phố phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giá trị thương mại- dịch vụ tăng bình quân mỗi năm 11,5%; thu hút khoảng 5 triệu lượt khách/năm và tiếp tục tăng trưởng lên mốc 8 triệu lượt vào năm 2035.

Những quán ăn dựng trên mặt nước nằm dọc kênh Tây nằm trên địa bàn phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh.

Tăng tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch, góp phần tăng thu ngân sách hằng năm từ 19-20%; Tăng số doanh nghiệp thương mại dịch vụ bình quân hằng năm trên 80 doanh nghiệp; giải quyết việc làm cho trên 750 lao động; góp phần thực hiện chỉ tiêu số lao động có việc làm tăng thêm hằng năm 2.700 lao động.

Phát huy lợi thế và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Thành phố như: tâm linh, ẩm thực, sinh thái, khám phá, vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng... bên cạnh đó, khai thác và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hoá, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể tạo sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm nét văn hoá địa phương tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Mỗi phường, xã đề xuất phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tạo gắn kết với  phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo việc làm cho người dân, cải thiện  thu nhập cho người dân từ hoạt động du lịch, phát triển du lịch một cách bền vững.

(còn tiếp)

Tấn Hưng

Tin cùng chuyên mục