Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần “nâng niu” cây lúa
Bài 1: Chưa khai thác được tiềm năng
Thứ sáu: 00:42 ngày 13/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc sản xuất lúa gạo của tỉnh còn nhiều hạn chế như hệ thống giao thông, thuỷ lợi còn thiếu, gây khó khăn cho việc vận chuyển và tưới - tiêu ở nhiều nơi. Hầu hết các địa phương trong tỉnh thiếu sân phơi, máy sấy để bảo đảm chất lượng hạt lúa, hạt gạo nhằm tăng giá trị sản phẩm khi bán ra.

Thu hoạch lúa ở xã Thanh Ðiền, huyện Châu Thành. Ảnh: Ð.H.T

Nghị quyết Ðại hội đại biểu lần thứ XI Ðảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu: “Phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; nâng cao chuỗi giá trị, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và xuất khẩu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong sản phẩm nông nghiệp, nhất là gia tăng giá trị sản xuất trên 1 ha, phấn đấu cao hơn mức bình quân chung của cả nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hoá vào sản xuất”.

Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, năng suất bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 54,5 tạ/ha (tức gần 5,5 tấn/ha, tăng 3,4% so với năm 2015), sản lượng đạt 763.000 tấn/năm.

Thực hiện đề án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao đến năm 2020, diện tích lúa được chứng nhận VietGAP là 2.231 ha.

Những mục tiêu trên cũng là định hướng quan trọng của địa phương trong kế hoạch phát triển nông nghiệp 5 năm tới. Riêng đối với cây lúa, tỉnh cần phải có sự quan tâm đúng mức để nâng cao giá trị của cây trồng truyền thống quan trọng này.

Diện tích rộng lớn

Ông Hà Thanh Tùng, Thạc sĩ nông nghiệp - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cho biết, lúa là một trong những cây trồng chính của tỉnh, có diện tích tương đối lớn (khoảng 43.000 ha). Tây Ninh cũng là tỉnh có diện tích trồng lúa lớn nhất Ðông Nam bộ (theo một tài liệu đáng tin cậy, tổng diện tích đất trồng lúa của tỉnh trong 1 năm là trên 130.000 ha/3 vụ - PV). Dù có diện tích rất lớn nhưng giá trị, lợi nhuận thu được cho nông dân, cho xã hội từ cây lúa chưa cao.

Những năm gần đây, nông dân trong tỉnh chủ yếu sử dụng các giống lúa OM5451, OM6776, OM4900, OM18, OM4218 (chiếm 55%-60%); OM576, IR50404 (chiếm 15%-20%); Jasmine85, ST24, 25, Khao Dawk Mali, Ðài thơm 8 chiếm 5%-10%; các giống khác chiếm 5%-10%.

Nông dân trồng lúa trong tỉnh nhận thức được tầm quan trọng của chất lượng hạt giống quyết định năng suất, chất lượng sản phẩm lúa hàng hoá nên phần lớn nông dân đã sử dụng giống xác nhận trở lên để gieo sạ. Nếu như năm 2015, chỉ có khoảng 30% diện tích đất trồng lúa sử dụng giống lúa xác nhận thì đến nay là khoảng 99,4%.

Bên cạnh đó, số lượng hạt giống gieo sạ/ha cũng đã giảm nhiều, từ 150kg - 180kg/ha xuống còn 110kg - 120kg/ha. Thông qua công tác thông tin tuyên truyền, qua các mô hình trình diễn khuyến nông, kiến thức về sản xuất lúa của người dân đã được nâng cao đáng kể so với trước.

Ðến cuối năm 2020, việc cơ giới hoá trên cây lúa đã có bước phát triển vượt trội so với khoảng 5 năm về trước. Hiện nay, tỷ lệ nông dân làm đất bằng cơ giới chiếm trên 98%; tỷ lệ diện tích đất trồng lúa được thu hoạch bằng máy đạt trên 95% (năm 2015 khoảng 50%); tỷ lệ cấy lúa bằng máy cấy khoảng 15%; tỷ lệ diện tích đất được sử dụng máy phun hạt giống và trục sạ hàng khoảng 70%; lượng hạt giống sử dụng cho máy cấy là 75kg/ha và sử dụng máy phun hạt giống là 110-120kg/ha. Mô hình chuỗi liên kết trên cây lúa khoảng 2.500 ha.

Theo ghi nhận của người viết, có một nghịch lý là hiện nay, sản lượng lúa trong tỉnh rất dồi dào, dư để cung ứng cho thị trường nội tỉnh. Trong đó, có khá nhiều diện tích đất đã và đang được canh tác một số giống lúa có chất lượng cao. Thế nhưng, do tỉnh chưa chú trọng khâu chế biến, tiêu thụ phục vụ thị trường tại chỗ nên hầu hết nông dân vẫn phải bán lúa nguyên liệu cho thương lái hoặc doanh nghiệp ở nơi khác thu mua với giá “vừa phải”.

Trong khi đó, trừ những hộ trồng lúa, phần lớn người dân Tây Ninh đã phải mua gạo của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh từ nơi khác đưa vào tỉnh tiêu thụ với giá thị trường. Nếu như doanh nghiệp tỉnh ta chú trọng hơn nữa khâu chế biến, tiêu thụ lúa gạo “tại chỗ”, nông dân lẫn người tiêu dùng đều có lợi đáng kể, bởi không phải gánh nhiều chi phí ở các khâu trung gian.

“Phải làm thế nào để phát triển cây lúa, nâng cao năng suất - chất lượng - giá trị sản phẩm lúa gạo và xây dựng thương hiệu lúa gạo cho địa phương là điều chúng tôi luôn băn khoăn. Ðó là một câu chuyện dài và còn nhiều khó khăn phía trước nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để trong thời gian gần nhất, Tây Ninh sẽ có ít nhất một sản phẩm gạo mang thương hiệu và bản sắc riêng của mình”, Thạc sĩ Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh chia sẻ.

Giá trị chưa cao

Theo kết quả khảo sát gần đây của Tiến sĩ Huỳnh Thế Du và các đồng sự, đa phần nông dân địa phương không có nhiều nỗ lực để gia tăng giá trị hay mong muốn làm giàu từ cây lúa, mà có xu hướng chuyển sang các loại cây trồng khác nếu có thể. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lúa trong tỉnh đang vận hành theo cách truyền thống nhiều năm qua, sản phẩm lúa tươi chủ yếu được bán cho thương lái.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ cơ giới hoá hiện khá cao và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa ngày càng được đẩy mạnh, nhưng đến thời điểm hiện tại và trong vài năm tới, cây lúa Tây Ninh vẫn chưa thể trở thành cây trồng chủ lực hay “cây làm giàu” cho nông dân. Việc sản xuất lúa gạo của tỉnh còn nhiều hạn chế như hệ thống giao thông, thuỷ lợi còn thiếu, gây khó khăn cho việc vận chuyển và tưới - tiêu ở nhiều nơi. Hầu hết các địa phương trong tỉnh thiếu sân phơi, máy sấy để bảo đảm chất lượng hạt lúa, hạt gạo nhằm tăng giá trị sản phẩm khi bán ra.

Trong khi đó, trình độ sản xuất của phần lớn nông dân trồng lúa chưa cao, còn thói quen sạ thủ công, sạ dày. Diện tích sản xuất lúa còn manh mún, nhỏ lẻ. Diện tích lúa đạt chứng nhận VietGAP vẫn còn "khiêm tốn". Nhiều người chưa sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, dẫn đến sản phẩm có nguy cơ thiếu an toàn và tăng chi phí không cần thiết.

Cấy lúa bằng máy ở HTX giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp Bàu Ðồn (ảnh: Thuý Hằng)

Ðáng chú ý là cho đến nay, Tây Ninh vẫn chủ yếu bán sản phẩm lúa thô (hầu hết là lúa tươi) cho thương lái miền Tây thu mua đưa đi nơi khác chế biến, tiêu thụ. Do chất lượng sản phẩm còn hạn chế, năng suất chưa đạt mức cao, cộng với việc vận chuyển xa khiến thương lái tốn nhiều chi phí nên lợi nhuận của nông dân chỉ ở mức thấp đến mức khá.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hoá sản phẩm lúa gạo, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa gạo trong tỉnh (sản phẩm VietGAP, lúa đặc sản, sản phẩm hữu cơ, organic) vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên giá trị của hạt lúa, hạt gạo chưa được nâng lên. Trong khi đó, việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất còn chậm, mối liên kết chưa bền vững, chưa có sự liên kết đầy đủ và chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp.

Bảo Tâm

(còn tiếp)

Theo đề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tỉnh, định hướng trong thời gian tới, lúa sẽ là cây trồng không khuyến khích và giảm dần diện tích canh tác ở mức bảo đảm các yêu cầu về an ninh lương thực quốc gia và của địa phương.

Dự kiến diện tích canh tác cây lúa của tỉnh đến năm 2020 là khoảng 43.300 ha, đến năm 2025 là 41.700 ha và đến năm 2030 sẽ ổn định ở mức 40.000 ha. Trong đó, diện tích đất trồng lúa 1 vụ kém hiệu quả sẽ được chuyển sang canh tác rau, củ, quả và cây dứa. Diện tích đất trồng lúa 2 vụ sẽ được chuyển sang luân canh với rau, củ, quả thực phẩm nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và giảm sâu hại.

Riêng diện tích chuyên trồng lúa sẽ được tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng lúa, hướng đến việc hình thành vùng lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ.

Tin cùng chuyên mục