Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Toàn tỉnh có trên 200 câu lạc bộ, đội, nhóm đờn ca tài tử sinh hoạt tại các Trung tâm Văn hoá tỉnh, huyện, phường, xã, thị trấn.
CLB đờn ca tài tử Trảng Bàng chụp ảnh lưu niệm.
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể. Trong thời kỳ đổi mới, sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí, phong trào đờn ca tài tử không chỉ ở Tây Ninh mà nhiều địa phương khác có dấu hiệu “trầm lắng”.
Tại Tây Ninh, đờn ca tài tử - cải lương luôn có mặt trong các chương trình văn hoá, văn nghệ, các buổi sinh hoạt, vui chơi của người dân. Toàn tỉnh có trên 200 câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm đờn ca tài tử sinh hoạt tại các Trung tâm Văn hoá tỉnh, huyện, phường, xã, thị trấn. Trong cộng đồng dân cư có gần 80 gia đình đờn ca tài tử và hàng trăm nghệ nhân đang là hạt nhân nòng cốt trong các hoạt động văn hoá - văn nghệ ở cơ sở.
Thiếu sân chơi để thể hiện tài năng
CLB đờn ca tài tử - cải lương thị xã Trảng Bàng được thành lập từ năm 2012, tiền thân là Đội văn nghệ thị xã Trảng Bàng. Đến nay, CLB có 25 thành viên do Nghệ nhân ưu tú Trịnh Văn Hỏi (nghệ danh Thế Châu) làm chủ nhiệm. Ông là người đứng ra tổ chức sinh hoạt, sửa sang nhà cửa thành địa điểm sinh hoạt, CLB trở thành nơi “giữ lửa” cho bộ môn đờn ca tài tử ở Trảng Bàng, thu hút nhiều người đam mê trong và ngoài tỉnh tìm đến sinh hoạt, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
Hiện tại, CLB sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng, không có ngày cố định, khi các thành viên sắp xếp được thời gian rảnh rỗi CLB sẽ tổ chức sinh hoạt. Để cho chương trình thêm phong phú và đặc sắc, phù hợp với thời kỳ đổi mới, các thành viên còn sáng tác những bài bản có chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ kính yêu, xây dựng nông thôn mới…
Ông Trịnh Văn Hỏi chia sẻ: “Tôi mê đờn ca tài tử từ nhỏ. Niềm đam mê đó đã ăn sâu vào trong máu của tôi. Vì vậy, khi phong trào đờn ca tài tử ở tỉnh dần lắng xuống, tôi đã mạnh dạn đứng ra thành lập CLB để những người đam mê như tôi có sân chơi giao lưu, tập luyện bài bản, có nơi sinh hoạt chia sẻ kinh nghiệm. Đảm nhận vai trò kết nối CLB, điều tôi quan tâm là làm sao giữ vững được CLB và tạo được sân chơi để người yêu thích bộ môn này gắn bó lâu dài, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống quý báu của ông cha ta”.
Theo ông Hỏi, CLB chỉ là nơi giao lưu, sinh hoạt, tập luyện, những người đam mê thiếu sân chơi để phát huy tài năng của mình. “Được thể hiện sự đam mê, được công nhận mới làm cho người yêu đờn ca tài tử muốn gắn bó lâu dài và đây cũng là cách nhanh nhất để loại hình nghệ thuật này thu hút người nghe, lan toả rộng rãi trong nhân dân”- ông Hỏi nói thêm.
Đồng hành cùng ông Hỏi trong việc kết nối, duy trì hoạt động của CLB, ông Tống Thành Nhơn- Phó Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử thị xã Trảng Bàng cũng gửi gắm tâm huyết vào CLB. Ông vừa là một nghệ sĩ vừa là một người thầy dạy đờn, dạy hát của nhiều thế hệ học trò. “CLB mở ra tạo điều kiện cho nghệ sĩ, người đam mê có nơi sinh hoạt nhưng không có sân chơi để thể hiện tài năng. Hiện nay, không có sân chơi nên nhiều người sau giờ làm thường tham gia các tụ điểm ca nhạc nhiều hơn các CLB. Tôi mong các cấp, các ngành sẽ quan tâm tổ chức các hội thi cho anh em có cơ hội thể hiện tài năng”- ông Nhơn chia sẻ.
Các thành viên nhóm nhạc Đức Lập hát giao lưu với nhau
Mong mỏi của người đam mê
Ở huyện Bến Cầu, nhóm nhạc đờn ca tài tử của ông Lê Văn Lập (Nghệ nhân ưu tú Đức Lập) được thành lập và duy trì hơn 30 năm. Ông Lập là người dẫn dắt nhiều thế hệ đam mê đờn ca tài tử, cải lương của huyện ngày một trưởng thành.
Đến nay, nhóm nhạc của ông duy trì 17 thành viên sinh hoạt thường xuyên và hàng chục thành viên không thường xuyên vào các dịp lễ, tết, hội thi, hội diễn. Thành viên lớn tuổi nhất đã 72 tuổi và nhỏ nhất là 36 tuổi, khác biệt tuổi tác, ngành nghề nhưng đến nhóm sinh hoạt, ai cũng chung niềm đam mê nhạc đờn ca tài tử, gắn kết bằng những câu hát, câu hò, vọng cổ...
Bà Nguyễn Thị Cước, nghệ danh Sơn Cước, một thành viên kỳ cựu của nhóm nhạc cho biết: “Tôi theo học hát đờn ca tài tử, cải lương trong nhóm của thầy Đức Lập hơn 10 năm. Thỉnh thoảng tôi tới tập dượt tại nhóm của thầy để không quên bài bản, có dịp thì tham gia các hội thi. Đây là món ăn tinh thần của tôi sau ngày làm việc mệt mỏi. Được thể hiện bài ca mình yêu thích, gặp tài tử ca, tài tử đờn chung đam mê, tôi thấy cuộc sống thêm vui vẻ, yêu đời”.
Tuy nhiên, theo nhiều người đam mê đờn ca tài tử tại huyện Bến Cầu, vì địa phương còn nhiều khó khăn, nên hoạt động văn hoá - văn nghệ chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, huyện Bến Cầu chưa có CLB đờn ca tài tử, một sân chơi chung cho người đam mê bộ môn nghệ thuật này. Nhiều người phải tìm đến các địa phương như thị xã Hoà Thành, Trảng Bàng, huyện Gò Dầu để được giao lưu, học hát, cũng như có nơi để thoả đam mê ca hát.
Ông Lê Văn Lập- Trưởng nhóm nhạc Đức Lập thông tin thêm, nhiều năm qua, ông cùng các nghệ sĩ, người yêu mến đờn ca tài tử trên địa bàn huyện cố gắng gìn giữ, duy trì lửa nghề, hun đúc đam mê cho các thế hệ kế thừa. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của CLB gặp nhiều khó khăn. Nhóm nhạc của ông tồn tại được trong nhiều năm qua nhờ vào tình cảm, niềm đam mê của các thành viên, dù bận rộn đến đâu cũng sắp xếp thời gian đến sinh hoạt, tập dượt cùng nhau.
Có thể thấy, những người đam mê đờn ca tài tử huyện Bến Cầu không mong mỏi gì hơn ngoài việc có một sân chơi chính thức dành cho người yêu thích đờn ca tài tử, cùng sự đầu tư, quan tâm đúng mức để duy trì hoạt động. Đó cũng chính là mong ước của anh Phan Văn Cao, thành viên Nhóm nhạc đờn ca tài tử Đức Lập. “Khi làm việc mệt mỏi, tôi tìm đến bộ môn này để xả stress. Tôi luôn mong rằng các cấp, ngành huyện, tỉnh sẽ có nhiều sân chơi, hội thi, hội diễn để người đam mê đờn ca tài tử phát huy năng khiếu, sở trường của mình”- ông Lập nói.
Ngọc Bích - Hoàng Yến
(Còn tiếp)