Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay
Bài 1: Di sản Hồ Chí Minh - hiện thân của khát vọng tự do
Thứ hai: 09:06 ngày 12/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với Việt Nam, Hồ Chí Minh đã làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc - từ thân phận một dân tộc nô lệ thành một dân tộc độc lập, tự do.

“Kết tinh truyền thống văn hoá tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hoá thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân của thời đại chúng ta - vì vai trò lớn lao của Người đối với sự phát triển của lịch sử việt Nam và đóng góp to lớn của Người cho tiến trình lịch sử nhân loại. Với Việt Nam, Hồ Chí Minh đã làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc - từ thân phận một dân tộc nô lệ thành một dân tộc độc lập, tự do. Với thế giới, Người đã góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một tấm gương sáng ngời và sự cống hiến to lớn vào sự nghiệp chung giải phóng xã hội, giải phóng con người trên toàn thế giới” - trích lời giới thiệu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tại hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”, năm 2010, kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Là sự kết tinh của truyền thống văn hoá tốt đẹp hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hoá thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vĩ nhân của thời đại chúng ta bởi vai trò thúc đẩy của Người đối với sự phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam và đóng góp vào tiến trình lịch sử nhân loại”.

Thay đổi vận mệnh dân tộc

“Là biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam, từ thân phận nô lệ trở thành dân tộc tự do, độc lập.

“Là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc của mình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người đầu tiên đã lãnh đạo nhân dân ta thi hành Bản án chế độ thực dân ở Việt Nam mà còn cùng nhân dân các dân tộc thuộc địa thực hiện bản án đó, xoá đi sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa thực dân trên hành tinh của chúng ta. Là “tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau” giữa các dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam thực hiện mục tiêu hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh cho đất nước của mình, đồng thời Người cũng “góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Là “vị anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”, cuộc đời, sự nghiệp và di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới ở thời đại hiện nay”- GS, TS Lê Hữu Nghĩa- Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện CT- HC quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu, 15 năm trước.

Di sản Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc

Giới nghiên cứu chỉ rõ, độc lập dân tộc là một nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Chủ nghĩa thực dân - một trong những điều sỉ nhục lớn của loài người - đã đem xiềng xích, áp bức, đói nghèo, ngu dốt, bệnh tật... đè nặng lên số phận các dân tộc nhược tiểu. Giành lại tự do, độc lập là khát vọng cháy bỏng của các dân tộc bị áp bức trong thế kỷ XX. Hồ Chí Minh là một trong những người tượng trưng cho ý chí và khát vọng đó. Người đã nêu lên một chân lý nổi tiếng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Người được coi là một chiến sĩ đi tiên phong trong việc thức tỉnh dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc và phẩm giá con người.

Người không chỉ coi trọng đại đoàn kết dân tộc, giải quyết thành công mối quan hệ dân tộc với giai cấp, mà còn hết sức coi trọng tăng cường tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với các lực lượng yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới, kể cả với nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ. Người đã giải quyết thành công mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế, hình thành trên thực tế một mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống xâm lược, đưa hai cuộc kháng chiến vĩ đại của Việt Nam đến thắng lợi hoàn toàn. Đường lối chiến lược đó được loài người tiến bộ thừa nhận là đường lối chiến lược hoàn hảo của thời đại chúng ta.

Tư tưởng và tấm gương đấu tranh bất khuất cho độc lập, tự do của Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ đối với phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ XX. Nhiều quốc gia độc lập đã thừa nhận ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của cách mạng Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Ngày nay, tư tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn giữ nguyên sức sống. Hàng trăm nước sau khi thoát khỏi chế độ thuộc địa vẫn đang bị kìm hãm trong tình trạng lạc hậu, kém phát triển. Một số cường quốc đang lợi dụng toàn cầu hoá, lợi dụng thế mạnh về kinh tế - tài chính, khoa học - công nghệ cao để mở rộng biên giới lợi ích quốc gia, xâm phạm độc lập và chủ quyền của các nước đang phát triển, đe doạ hoà bình, an ninh chính trị - xã hội của các nước này. Trong tình hình đó, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc, chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa quốc tế, độc lập phồn vinh cho đất nước mình, đồng thời cho tất cả các dân tộc, vẫn đang tiếp tục toả sáng, vẫn là mục tiêu và khát vọng của loài người trong thời đại ngày nay.

Độc lập dân tộc ở Hồ Chí Minh luôn luôn gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Theo Người, “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Người tìm thấy giá trị của độc lập, tự do, hạnh phúc trong mục tiêu và lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học, vì vậy, Người khẳng định “cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”.

Chủ nghĩa xã hội ở Hồ Chí Minh không phải là những giáo điều cứng nhắc, xa lạ với lợi ích vật chất và tinh thần của con người. Người nói “Chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”...

Có thể gọi đó là chủ nghĩa xã hội “dân giàu, nước mạnh”, một quan niệm về chủ nghĩa xã hội phù hợp với quan niệm truyền thống của dân tộc Việt Nam và hợp với xu thế của thời đại hiện nay.

Tất nhiên, quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, kém phát triển, lại trải qua 30 năm chiến tranh tàn phá, là một quá trình lâu dài và gian khổ, chưa thể có ngay đời sống vật chất và văn hoá cao. Tuy nhiên, theo Hồ Chí Minh, chúng ta vẫn có thể từng bước phấn đấu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, có đời sống đạo đức lành mạnh và có mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người.

Quan niệm của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Marx - Lenin kết hợp với truyền thống văn hoá Việt Nam, với khát vọng công bằng, bác ái của loài người. Vì vậy, các dân tộc, trong khi từ chối con đường đau khổ của chủ nghĩa tư bản, có thể tìm thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội một hướng đi thích hợp cho sự lựa chọn của mình.

Ngày nay, nhận thức của chúng ta về chủ nghĩa xã hội, về con đường và phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trong sự thay đổi đó vẫn có những điều cơ bản không hề thay đổi, đó là khát vọng về một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, nhân đạo, văn minh - nói chung là lý tưởng mà Hồ Chí Minh đã nêu lên và suốt đời theo đuổi.

Việt Đông

(Còn tiếp)

 

Tin cùng chuyên mục