Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Ðể du lịch làng nghề trở thành "điểm đến" hấp dẫn
Bài 1: Ðiểm tựa phát triển kinh tế nông thôn
Thứ sáu: 05:59 ngày 18/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Phát triển du lịch làng nghề để người dân vừa có thể gìn giữ được nghề xưa, vừa tăng thu nhập hiện ngành du lịch hướng đến trước việc nhiều làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một. Tuy nhiên, để làng nghề trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, ngành du lịch cần có chiến lược toàn diện hơn.

Nghề làm chén đựng mủ cao su. Ảnh: Lê Văn Hải

Hiện nay, Tây Ninh có đến 30 loại ngành nghề sản xuất đang hoạt động thuộc 12 nhóm ngành nghề: làm bánh tráng, làm muối ớt, chế biến sản phẩm mây tre, làm nhang, làm mộc gia dụng, làm nón lá, rèn, may, sản xuất gạch, cơ khí, chế biến khoai mì và chế biến nông - lâm - thuỷ sản. Có 10 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống được công nhận, tập trung tại các huyện Hoà Thành, Trảng Bàng và thành phố Tây Ninh.

Những làng nghề này đã góp phần không nhỏ trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Tuy nhiên việc phát triển nghề còn mang tính tự phát; cơ sở sản xuất quy mô nhỏ; thiếu liên kết để tìm đầu ra... khiến các làng nghề phát triển thiếu bền vững.

Quyết giữ nghề xưa

Tây Ninh có nhiều làng nghề như mây tre đan tại Hoà Thành, chằm nón (phường Ninh Sơn), làm mắm chua (xã Bàu Năng), làm bánh tráng phơi sương (thị trấn Trảng Bàng).

Ông Hà Ngọc Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan số 2 (xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành) chia sẻ, hiện HTX có 7 thành viên với hơn 40 lao động, sản xuất các mặt hàng giỏ, cần xé…. Trước đây, mọi công đoạn sản xuất đều được làm thủ công. Nay thì có máy móc, đặc biệt là máy chẻ, lột cật, vót bụng liên hoàn nên giảm đáng kể công lao động, sản phẩm làm ra cũng bắt mắt hơn. Hiện thu nhập của mỗi nhân công tại HTX này từ  6,5 - 7 triệu đồng/tháng.

Huyện Trảng Bàng có 53 hộ làm nghề rèn, chủ yếu tập trung ở ấp Tân Lộc (xã Gia Lộc), trong đó nhiều người có tay nghề cao. Các sản phẩm chủ yếu là công cụ cầm tay như: dao, rựa, cuốc, kéo, cày, bừa… được tiêu thụ trong tỉnh khoảng 60%, còn lại bán ra ngoài tỉnh. Người làm nghề rèn có thu nhập bình quân khoảng 7,7 triệu đồng/lao động/tháng.

Description: DSC_0363.JPG

Nhân công phơi bánh tráng tại cơ sở bánh tráng Thu Vân, xã Phan, huyện Dương Minh Châu.

Ông Văn Minh, thợ rèn lâu năm trong nghề cho biết: “Nghề này đang dần bị mai một. Chúng tôi bám do yêu nghề cha ông truyền lại chứ thu nhập thì không ổn định. Nguyên nhân do sản phẩm làm ra đa phần là thủ công nên không cạnh tranh được về mẫu mã với sản phẩm ngoại nhập… Dù rằng sản phẩm của chúng tôi được người dùng đánh giá là có chất lượng tốt, bền hơn”.

Một động lực khác giúp nhiều người dân xã Gia Lộc quyết giữ nghề xưa là sự đồng hành, chia sẻ của Nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ làng nghề như cho vay vốn đầu tư trang thiết bị, định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, việc phát triển ngành nghề nông thôn đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho lao động nông thôn, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững.

Quy mô nhỏ, thiếu gắn kết

Cũng theo Sở NN&PTNT, hoạt động sản xuất của các ngành nghề truyền thống còn mang tính nhỏ lẻ, cầm chừng, không ổn định, hiệu quả thấp, có xu hướng bị thất truyền, nhưng các địa phương chưa có kế hoạch hỗ trợ cụ thể nhằm bảo tồn và phát triển. Hoạt động sản xuất thiếu tính liên kết và hợp tác; sản phẩm phần lớn chưa có nhãn hiệu, thương hiệu; chất lượng chưa ổn định. Các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp về nghề nông thôn, nghề truyền thống vẫn còn gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng…

Ông Hà Ngọc Quyết trăn trở, nghề mây tre đan ở Long Thành Nam đã tạo thu nhập cho nhiều lao động nông thôn, trong đó có lao động nữ và lao động lớn tuổi. Tuy nhiên, việc quảng bá thương hiệu còn hạn chế nên hiện nay hầu hết các sản phẩm của HTX và nhiều hộ làm nghề chỉ bán trong nước và một phần nhỏ xuất khẩu, chủ yếu sang thị trường Campuchia. Hộ gia đình, HTX còn gặp khó khăn trong việc huy động vốn, vay vốn để đầu tư máy móc hiện đại.

Bên cạnh đó, do mẫu mã chưa phong phú, thị trường tiêu thụ không ổn định, nguồn nguyên liệu tự nhiên đang khan hiếm, thu nhập lại không cao, vì vậy, hầu hết các làng nghề chưa thu hút được lao động trẻ tuổi, có trình độ cao.

Gắn làng nghề vào cung đường du lịch

Việc phát triển thế mạnh các làng nghề gắn với phát triển du lịch là một trong những hướng đi của tỉnh nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của làng nghề, tăng thu nhập cho người lao động. Bởi làng nghề truyền thống được xem là tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng. Bên cạnh những lợi ích kinh tế, hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các làng nghề.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) cho biết, Tây Ninh là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thể để phát triển du lịch, trong đó, có nhiều làng nghề và truyền thống ẩm thực lâu đời. Đây là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú góp phần tạo nên sản phẩm du lịch.

Một trong những nét nổi bật trong phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống là vừa thu hút được khách du lịch đến địa phương để tìm hiểu về nét văn hoá độc đáo, vừa giúp tiêu thụ những sản phẩm của làng nghề qua việc bán quà lưu niệm hoặc trải nghiệm những công việc của nghệ nhân. Điều đó giúp các hộ dân quay lại với nghề thủ công truyền thống. Một khi các làng nghề thu hút được du khách, phát triển du lịch làng nghề, nâng cao thu nhập của người dân thì nghề và làng nghề truyền thống sẽ thoát khỏi nguy cơ bị mai một.

Description: DSC_0233.JPG

Người dân phơi nhang tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.

Được biết, theo đề án xây dựng - phát triển sản phẩm du lịch và các dịch vụ hỗ trợ tại huyện Hoà Thành và các vùng lân cận huyện Hoà Thành đã được phê duyệt, các làng nghề truyền thống như đúc gang, làm nón, se nhang, đan lát mây tre… sẽ được gắn vào cung đường du lịch tâm linh với Toà thánh Cao Đài, núi Bà Đen và các điểm du lịch farmstay, du lịch sinh thái của huyện.

Theo ông Nguyễn Văn Tánh- Trưởng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Hoà Thành, sau khi đề án trên được phê duyệt, huyện đã triển khai bước đầu một số công tác như nâng cấp hạ tầng giao thông, khảo sát các làng nghề truyền thống…Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở VH,TT&DL, công tác phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống hiện nay hiệu quả mang lại chưa cao và chưa có sự chuyển biến tích cực.

Vũ Nguyệt

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục