Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo quy định; tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện dự án phù hợp điều kiện phát triển của từng địa phương.
HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên, việc ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp là bước đột phá trong việc khuyến khích phát triển nông nghiệp theo định hướng của tỉnh và thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Một số chính sách đã đi vào thực tế như: chính sách hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ liên kết, chính sách đưa cán bộ trẻ về làm việc tại hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.
Một số chính sách đi vào thực tế
Mới đây, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thành lập đoàn giám sát về tình hình triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2021.
Đoàn đã khảo sát thực tế, làm việc tại dự án cánh đồng lớn cây dứa của ông Nguyễn Văn Sáu (xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng); dự án cánh đồng lớn chanh dây và dự án sầu riêng xen mít của ông Đoàn Văn Hữu tại xã Thạnh Đông; khảo sát dự án xây nhà màng trồng dưa lưới của HTX dịch vụ - thương mại - nông nghiệp Tân Châu tại xã Tân Hội và làm việc với UBND huyện Tân Châu; khảo sát dự án cánh đồng lớn chuối già Nam Mỹ của ông Nguyễn Minh Phương, HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc tại xã Thạnh Bắc và làm việc với UBND huyện Tân Biên.
Qua khảo sát, các chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp được ban hành trong thời gian qua đã mang lại một số kết quả khả quan; được các ngành, địa phương quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện. Một số chính sách đã đi vào thực tế như: hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ liên kết, chính sách đưa cán bộ trẻ về làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp.
Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ nông nghiệp trên địa bàn đã tạo điều kiện, khuyến khích nhà đầu tư thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho sản phẩm nông nghiệp.
Chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh được triển khai trong hơn 2 năm (từ 21.5.2017 đến 5.7.2019), đã hỗ trợ được 3 dự án trên địa bàn huyện Tân Biên, 1 dự án tại huyện Tân Châu và 1 dự án ở thị xã Trảng Bàng, tổng kinh phí hỗ trợ là 1 tỷ 623 triệu đồng.
Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 thay thế chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn, được triển khai thực hiện từ ngày 6.7.2019.
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã hỗ trợ được 7 dự án, trong đó, huyện Bến Cầu có 1 dự án, Gò Dầu 1 dự án, Châu Thành 2 dự án, thị xã Trảng Bàng 2 dự án và thành phố Tây Ninh 1 dự án. Tổng kinh phí hỗ trợ là 3.265 triệu đồng trên dự toán 13.649 triệu đồng, đạt 23,9% kinh phí được giao.
Chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025 thay thế chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021, được triển khai từ ngày 27.6.2019.
Đến cuối năm 2021 toàn tỉnh hỗ trợ được 13 dự án, trong đó, huyện Tân Biên có 5 dự án, Tân Châu 4 dự án, Gò Dầu 2 dự án, Châu Thành 1 dự án và thành phố Tây Ninh 1 dự án; đã hỗ trợ 4 tỷ 672 triệu đồng trên dự toán 6 tỷ đồng, đạt 77,9% kinh phí giao.
Cần tháo gỡ khó khăn về nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, tình trạng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn thời gian qua diễn ra khá nhanh, dẫn đến lao động nông nghiệp nông thôn khan hiếm, gia tăng chi phí sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp cấp cơ sở ít nhiều còn hạn chế- cả về số lượng và chất lượng, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đúng lĩnh vực.
Hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn nhìn chung còn khó khăn, quy mô nhỏ, chưa tạo được sự liên kết giữa các nông hộ để đẩy mạnh cơ giới hoá, phát triển chuỗi sản xuất và tiêu thụ.
Ban lãnh đạo HTX còn lúng túng trong khâu bố trí sắp xếp công việc cho cán bộ trẻ, trong khi đó, mức lương hỗ trợ cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc cho HTX nông nghiệp còn thấp, môi trường làm việc chưa thu hút.
Công tác quản lý, kiểm soát giống cây trồng, vật nuôi trên thị trường còn bất cập. Người nông dân thiếu thông tin, định hướng hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp từng vùng, phần lớn tự chuyển đổi cây trồng một cách tự phát, thiếu tính bền vững.
Hiện nay, phần mềm truy xuất nguồn gốc (Kipus) được Sở NN&PTNT hướng dẫn và ứng dụng rộng rãi ở các huyện, thị xã, thành phố nhưng hiệu quả ứng dụng chưa cao. Qua khảo sát có tình trạng thương lái mua sản phẩm của HTX nhưng chỉ thu mua sản phẩm thô, không cho in bao bì, nhãn dán thương hiệu lên sản phẩm, mặc dù HTX đã đăng ký thương hiệu trên thị trường.
Các sàn giao dịch thương mại nông sản điện tử như sannongsan.tayninh.gov.vn, ứng dụng Tây Ninh Smart, Postmart.vn, Voso.vn... chưa đạt hiệu quả, chủ yếu phục vụ trong lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát thời gian qua, để hỗ trợ “giải cứu” các mặt hàng nông sản trên địa bàn; các loại sản phẩm đưa lên sàn chưa đa dạng, chưa cung cấp được nhiều thông tin phục vụ cho việc kết nối cung cầu của nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ông Ngô Ngọc Thành- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành cho biết, huyện tiếp tục lồng ghép, huy động, kết hợp nguồn lực các chương trình cho sự phát triển HTX, nhằm thu hút các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết.
Năm 2021, huyện đã thực hiện hỗ trợ 2 dự án liên kết cho 2 HTX với tổng kinh phí 227 triệu đồng, trong đó, HTX nông nghiệp Biên Giới 115 triệu đồng, HTX sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Hùng Hậu 112 triệu đồng.
Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, như tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, phát sinh sâu bệnh hại nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi, giá vật tư đầu vào tăng cao, chi phí lao động liên tục tăng, trong khi giá cả nông sản bấp bênh.
Việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nhưng giá thành sản phẩm không chênh lệch nhiều so với sản phẩm thông thường, thị trường tiêu thụ cũng không ổn định nên người dân chưa mạnh dạn đầu tư.
Nông dân trên địa bàn tỉnh phần lớn sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, tâm lý e ngại việc liên kết và áp dụng các mô hình sản xuất mới, do đó, việc triển khai các chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.
Công tác thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp còn hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm nên rất khó định hướng cho người dân; thiếu các cơ sở chế biến nông sản nên vẫn còn tình trạng nông dân bị thương lái ép giá dẫn đến việc “được mùa mất giá”.
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng, hướng dẫn tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo quy định; tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu thực hiện dự án phù hợp điều kiện phát triển của từng địa phương.
Đồng thời, rà soát, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất theo định hướng, thu hút nhà đầu tư, từ đó tạo động lực cho ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển.
Đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư như: giảm số lượng thủ tục, giảm thời gian giải quyết thủ tục, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư.
Nhi Trần
(còn tiếp)