Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bản sắc Tây Ninh dưới lăng kính của các nhà nghiên cứu văn hoá
Bài 1: Nhận diện bản sắc Tây Ninh
Thứ hai: 00:34 ngày 02/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một cách vắn tắt, bản sắc độc đáo nhất của Tây Ninh nằm ở sự đa dạng phong phú về nguồn lực, mọi giá trị cơ bản có ở Nam bộ đều có thể tìm thấy ở Tây Ninh.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm trình bày tại hội thảo khoa học “Nhận diện bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh”

“Hồ Dầu Tiếng như một hồ nhân tạo lớn nhất khu vực Đông Nam Á với những đảo nhỏ trong lòng hồ và thiên nhiên hùng vĩ bên cạnh hồ là địa điểm lý tưởng để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng và phát triển các trò chơi, hình thức thể thao trên nước. Dòng sông Vàm Cỏ hoang sơ với cảnh quan làng quê thơ mộng và Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát khi được khai thác trong một dự án xây dựng tuyến du lịch sinh thái Vàm Cỏ - Lò Gò - Xa Mát và kết nối với các điểm đến khác thành một chuỗi giá trị du lịch sẽ giúp Tây Ninh lột xác, vươn mình trở thành một hình mẫu phát triển du lịch đặc biệt ở Nam bộ" - GS.TSKH Trần Ngọc Thêm.

Tham luận “Tây Ninh: Từ nhận diện bản sắc đến tích hợp nguồn lực đa dạng để tăng tốc phát triển du lịch” do Giáo sư, Tiến sĩ khoa học (GS.TSKH) Trần Ngọc Thêm trình bày tại hội thảo khoa học “Nhận diện bản sắc văn hoá và truyền thống gia đình tỉnh Tây Ninh” vừa được tổ chức cách nay vài ngày được xem là có góc nhìn khá mới về bản sắc văn hoá, nguồn lực, tiềm năng du lịch của Tây Ninh.

“Bản sắc (văn hoá) của một đối tượng là một hệ giá trị (hoặc một giá trị) cho phép nhận diện đối tượng đó, phân biệt nó với những đối tượng cùng loại. Tây Ninh thuộc trường hợp rất hiếm hoi là có một giá trị đặc trưng mà chỉ cần dùng một mình cũng đủ để phân biệt nó với tất cả các tỉnh, thành còn lại của cả hai vùng Đông và Tây Nam bộ. Giá trị đặc trưng đó là sự đa dạng phong phú về nguồn lực”- GS.TSKH Trần Ngọc Thêm mở đầu tham luận về văn hoá, nguồn lực của Tây Ninh.

Nguồn lực vị trí địa lý, theo hướng Bắc - Nam, Tây Ninh cùng với Bình Phước là hai tỉnh của Nam bộ có vị trí cầu nối giữa cao nguyên Nam Trung bộ với đồng bằng Nam bộ. Theo hướng Đông-Tây, Tây Ninh có vị trí độc đắc là cửa ngõ của hành lang Xuyên Á, cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh (mặc dù toàn Nam bộ có tới 6 tỉnh giáp ranh và kết nối với Campuchia thông qua 28 cửa khẩu).

Nguồn lực thiên nhiên, Tây Ninh cùng với An Giang là hai tỉnh của Nam bộ có núi cao, trong đó, Tây Ninh là tỉnh có núi cao nhất (núi Bà Đen cao 986m), được mệnh danh là nóc nhà của Nam bộ. Đông Nam bộ không có thế mạnh nhiều về thuỷ văn bằng Tây Nam bộ, nhưng trong số các tỉnh Đông Nam bộ thì riêng Tây Ninh với hai con sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông cùng hồ nhân tạo Dầu Tiếng lại làm thành một hệ sinh thái sông - hồ và rừng đầu nguồn với cảnh quan vùng đệm tạo nên sự đa dạng cao về sinh học, sự đa dạng này đang được bảo tồn tốt tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Vừa có núi cao vừa có đồng bằng và cảnh quan sông nước, Tây Ninh có sự đa dạng cao về nguồn lực thiên nhiên.

Nguồn lực con người, Tây Ninh có đủ bốn tộc người chính của vùng Tây Nam bộ là Việt, Khmer, Chăm, Hoa; ngoài ra, Tây Ninh lại có các tộc ít người của riêng Đông Nam bộ như Stiêng, Tà Mun và một số tộc ít người khác. Điểm yếu của nguồn lực con người Tây Ninh, theo GS Trần Ngọc Thêm, là chất lượng thấp. Theo điều tra dân số 2019, Tây Ninh là tỉnh có tỷ lệ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo thấp nhất trong toàn vùng Đông Nam bộ (tỷ lệ này của Tây Ninh là 15,2%, trong khi tỷ lệ chung của Đông Nam bộ là 27,5%).

Nguồn lực kinh tế, Tây Ninh có đủ các loại hình kinh tế và các ngành kinh tế nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), lâm nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại và dịch vụ.

Nguồn lực văn hoá, Tây Ninh là nơi giao thoa, tích hợp của nhiều luồng văn hoá theo thời gian - từ cổ đến kim (tháp Bình Thạnh, tháp Chót Mạt; đạo Cao Đài), theo không gian (từ Ấn Độ, Campuchia, Trung Quốc, phương Tây) và theo chủ thể (Việt, Khmer, Chăm, bản địa Phù Nam).

Về nguồn lực du lịch, Tây Ninh có tiềm năng du lịch vô cùng phong phú, từ du lịch văn hoá - lịch sử, lễ hội - tâm linh đến du lịch sinh thái, mạo hiểm. Tây Ninh có 90 di tích được xếp hạng, từ di tích quốc gia đặc biệt đến các di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh. Những tài nguyên thiên nhiên như núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, sông Vàm Cỏ, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát… là tiềm năng để du lịch phát triển.

“Một cách vắn tắt, bản sắc độc đáo nhất của Tây Ninh nằm ở sự đa dạng phong phú về nguồn lực, mọi giá trị cơ bản có ở Nam bộ đều có thể tìm thấy ở Tây Ninh. Có thể xem Tây Ninh là một Nam bộ thu nhỏ. Sự đa dạng phong phú không dễ gì có được này có thể dẫn đến hai thái cực: Một mặt, nếu khéo lựa chọn và phát huy thì có thể biến nó trở thành cội nguồn sức mạnh cho sự phát triển; trong trường hợp ngược lại (không nhận diện được, không biết lựa chọn và phát huy), nó có thể gây nên sự phân tán nguồn lực, làm giảm đi sức mạnh”- GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho biết thêm.

Đánh giá thực trạng du lịch Tây Ninh, ông Trần Ngọc Thêm nhìn nhận, du lịch Tây Ninh trong một thời gian dài rơi vào thái cực thứ hai, chỉ khai thác phần rất nhỏ là du lịch hành hương về lễ hội núi Bà Đen với hạn chế cơ bản là tính mùa vụ, các tài nguyên đa dạng còn lại bị phân tán mạnh, đóng góp không đáng kể. Nếu Khu du lịch núi Bà Đen chiếm gần 91% lượng khách hằng năm thì tổng lượng khách của 4 khu/điểm du lịch chính còn lại chỉ chiếm hơn 9%.

Sau khi quy hoạch xây dựng Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được phê duyệt vào tháng 9.2018; hệ thống cáp treo và cảnh quan trên đỉnh núi được Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng đi vào hoạt động trong các năm 2020-2021, từ Tết Nguyên đán 2022, sau thời gian “ngủ đông” do đại dịch Covid-19, du lịch Tây Ninh đã hồi sinh, lượng khách tăng vọt, đánh dấu một giai đoạn mới của ngành văn hoá - du lịch Tây Ninh. Tuy nhiên, nếu ngành văn hoá - du lịch Tây Ninh bằng lòng với thành công bước đầu này thì hiệu quả của nó sẽ không được phát huy, tình trạng phân tán và lãng phí nguồn lực vẫn tiếp diễn.

Để khắc phục hạn chế này, trên cơ sở thực trạng, cần có sự đánh giá chính xác những hạn chế của du lịch Tây Ninh hiện nay. Theo tinh thần này, ông Trần Ngọc Thêm cho rằng, những hạn chế của du lịch Tây Ninh tại thời điểm hiện nay (2022) thể hiện qua hai nghịch lý cơ bản.

Nghịch lý 1: Trong khi bản sắc của Tây Ninh là sự đa dạng phong phú về nguồn lực tới mức có thể xem Tây Ninh là một Nam bộ thu nhỏ, thì tâm điểm của du lịch Tây Ninh là Khu du lịch núi Bà Đen lại mới chỉ mượn tên núi và các huyền thoại về Bà Đen để khai thác thế mạnh độ cao của núi Bà để rồi nương theo đó thu hút du khách thông qua việc xác lập các loại kỷ lục, mà hầu như chưa quảng bá được gì cho bản sắc rất độc đáo của quê hương mình là Tây Ninh nói riêng và Nam bộ nói chung; chưa khai thác được thế mạnh quan trọng vốn có là giá trị văn hoá tích hợp từ bao đời nay qua nhiều lớp trầm tích giao lưu - tiếp biến văn hoá được khắc sâu trong lòng người dân Tây Ninh nói riêng và Nam bộ nói chung về một Bà Đen - Linh Sơn Thánh Mẫu thiêng liêng.

Một nghịch lý nữa là, trong khi bản sắc của Tây Ninh là sự đa dạng phong phú về nguồn lực, nhiệm vụ mà Đảng bộ và chính quyền đặt ra cho du lịch Tây Ninh là phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì du lịch Tây Ninh chưa khai thác hết thế mạnh của những giá trị vô giá khác như các di tích lịch sử của cách mạng miền Nam, Toà thánh Cao Đài, các tài nguyên sinh thái. Du lịch Tây Ninh đang loay hoay, tiếp tục để cho các du khách đến Tây Ninh phải ra về tay không mà gần như không có cơ hội nào để tiêu tiền, vì sản phẩm du lịch chưa phong phú.

Việt Đông - Đức An

Tin cùng chuyên mục