Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đảng lãnh đạo quân đội trong mọi tình huống, mọi giai đoạn lịch sử
Bài 1: Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội
Thứ tư: 14:26 ngày 15/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Từ 34 chiến sĩ của buổi đầu thành lập, “34 ngôi sao” ấy từng bước phát triển, không ngừng lớn mạnh đủ sức bảo vệ non sông gấm vóc.

Tháng 4.2024, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản lần thứ hai cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách gồm 39 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân uỷ Trung ương, thể hiện tư tưởng nhất quán, xuyên suốt của người đứng đầu Đảng ta về quan điểm, mục tiêu chỉ đạo và phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Nội dung những chỉ đạo này kế thừa truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đồng thời đúc rút những bài học kinh nghiệm phong phú, sinh động, thể hiện sự sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của cố Tổng Bí thư, góp phần làm sáng tỏ bước phát triển trong tư duy lý luận của Đảng về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng, đặc biệt vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng ta đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những ngày Cách mạng tháng Tám 1945. Ảnh tư liệu

Tháng 12.2024, cả nước kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐNDVN). Từ 34 chiến sĩ của buổi đầu thành lập, “34 ngôi sao” ấy từng bước phát triển, không ngừng lớn mạnh đủ sức bảo vệ non sông gấm vóc. Sự trưởng thành ấy không tách rời sự lãnh đạo của Đảng, bởi QĐNDVN do Đảng sáng lập và rèn luyện.

Chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo

“Sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định từ rất sớm và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện. Đó là sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ... bằng một cơ chế, phương thức chặt chẽ, phù hợp.

Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên (năm 1930), Đảng chỉ rõ phải nhanh chóng “Tổ chức ra quân đội công nông”. Trong Nghị quyết đội tự vệ (năm 1935), Đảng xác định “luôn luôn phải giữ quyền chỉ huy nghiêm ngặt của Đảng trong Tự vệ thường trực, các đội trưởng và đảng đại biểu phải hợp tác mà chỉ huy”.

Trong lãnh đạo xây dựng, phát triển lực lượng cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, Đảng xác định phải làm cho các đội du kích đi đúng “con đường chính trị” của Đảng... Đầu năm 1944, trước yêu cầu thành lập đội quân chủ lực quốc gia, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Tổ chức của đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”.

Thi hành đúng chỉ thị của Bác Hồ, chi bộ Đảng của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, lãnh đạo Đội thực hiện các nhiệm vụ một cách tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” - tác giả -Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN (22.12.1944 - 22.12.2014).

Cố Tổng Bí thư viết tiếp, giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quân đội ta có sự phát triển nhanh về lực lượng. Để giữ vững sự lãnh đạo, Đảng tiếp tục nghiên cứu xác lập, triển khai cơ chế lãnh đạo quân đội: Thành lập Trung ương Quân uỷ (tháng 1.1946) và thành lập các cấp uỷ từ quân khu đến chi uỷ, đặt chế độ hai thủ trưởng (quân sự, chính trị) để chỉ huy đơn vị từ cấp khu đến trung đội; lập chế độ chính trị uỷ viên đại diện Đảng phụ trách trong quân đội (tháng 10.1948).

Từ thực tế tổ chức sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong kháng chiến, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá II ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 20.5.1952 về tổ chức đảng trong bộ đội chủ lực, thực hiện chế độ tập thể Đảng uỷ lãnh đạo toàn diện, thủ trưởng quân sự, thủ trưởng chính trị phân công thực hiện theo chức trách, nhằm thực hiện sự lãnh đạo tập thể, thống nhất của Đảng về mọi mặt công tác.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cơ chế trên tiếp tục được thực hiện; nhờ đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội luôn được giữ vững, tăng cường và phát huy được sức mạnh chiến đấu “càng đánh, càng mạnh, càng thắng lợi”.

Các đơn vị trong toàn quân đều nhận thức đầy đủ và chấp hành nghiêm, thực hiện triệt để nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy được sức mạnh lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng phát huy cao độ trí tuệ, sự sáng tạo của thủ trưởng quân chính trong việc tổ chức thực hiện. Sự lãnh đạo của Đảng đã góp phần quyết định vào thắng lợi của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trở thành truyền thống, kinh nghiệm quý báu của quân đội.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22.12.1944. Ảnh tư liệu

Ba lần đổi mới, bổ sung cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội

Từ năm 1975 đến nay, Đảng đã có ba lần đổi mới, bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Từ năm 1975 đến năm 1982, quân đội vẫn thực hiện cơ chế lãnh đạo của Đảng như trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 15.12.1982, Bộ Chính trị khoá V ra Nghị quyết số 07-NQ/TW (Nghị quyết số 07) về việc “Đổi mới, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, sự nghiệp quốc phòng và thực hiện chế độ một người chỉ huy trong quân đội”.

Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết số 07, Đảng đã sớm phát hiện thấy một số khiếm khuyết, vì thế, ngày 4.7.1985, Bộ Chính trị khoá V đã ra Nghị quyết số 27-NQ/TW (Nghị quyết số 27) về việc “Tiếp tục kiện toàn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam và sự nghiệp quốc phòng”.

Nghị quyết số 27 của Bộ Chính trị quyết định khôi phục lại hệ thống tổ chức đảng trong quân đội. Toàn quân có Đảng uỷ Quân sự Trung ương do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp lãnh đạo. Cấp uỷ các cấp có trách nhiệm lãnh đạo toàn diện các đơn vị thuộc quyền, theo phạm vi chức năng và nội dung quy định cho từng cấp.

Gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 27 (1985 - 2005) đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức tư tưởng và hành động trong toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Trước yêu cầu giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội trong thời kỳ mới, ngày 20.7.2005, Bộ Chính trị khoá IX ban hành Nghị quyết số 51-NQ/TW (Nghị quyết số 51) về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Nghị quyết chỉ rõ: “Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng xây dựng quân đội, đặc biệt là nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, bảo đảm cho quân đội luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành và tin cậy của Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa và của Nhân dân, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống”.

Cơ chế lãnh đạo theo Nghị quyết số 51 xác định rõ những nội dung cơ bản để định hướng, chỉ đạo, tổ chức hoạt động lãnh đạo của tổ chức đảng, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, hoạt động của cán bộ chỉ huy, chính uỷ, chính trị viên, cơ quan chính trị trong các đơn vị quân đội. Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XI đã ban hành quy định về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và quy định về tổ chức cơ quan chính trị trong quân đội.

Các văn bản quan trọng của Đảng đã khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam mà thường xuyên và trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội. Sự lãnh đạo đó được thực hiện thông qua hệ thống tổ chức đảng, hệ thống tổ chức chỉ huy, hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp và tổ chức quần chúng ở đơn vị cơ sở.

“Suốt 70 năm qua, nhờ không ngừng bổ sung, hoàn thiện phương thức, cơ chế lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã giữ vững vai trò lãnh đạo đối với quân đội trong mọi tình huống, mọi giai đoạn lịch sử. Đó cũng là nhân tố quyết định sự trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng của Quân đội ta.

70 năm qua, Quân đội đã luôn xứng đáng là công cụ bạo lực cách mạng sắc bén, lực lượng chính trị trung thành của Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; giữ vững bản chất giai cấp công nhân, là quân đội của dân, do dân, vì dân, viết nên truyền thống quyết chiến, quyết thắng với nhiều chiến công hiển hách, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, xứng đáng là Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng”- cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết năm 2014.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục