Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nói đến nghệ thuật, lâu nay, người ta ít bàn, ít đề cập đến yếu tố thị trường, vì cho rằng như thế là thương mại hoá nghệ thuật. Thực tế không phải như vậy. Công nghiệp văn hoá, thị trường nghệ thuật đang đặt ra nhiều vấn đề, cách tiếp cận mới, một tư duy mới về làm nghệ thuật.
Ca sĩ Tạ Minh Tâm biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật tại Tây Ninh. Ảnh: Đ.H.T
“Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận nghệ thuật như một bộ phận quan trọng của văn hoá. Trong thời kỳ kháng chiến, nghệ thuật đồng hành cùng dân tộc và được coi như một mặt trận cốt yếu về tư tưởng, với vai trò tiên phong của người nghệ sĩ - chiến sĩ.
Khi đất nước hoà bình, thống nhất, độc lập, tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, trong bối cảnh hội nhập quốc tế kinh tế thị trường, trong kỷ nguyên số hoá, khoa học công nghệ hiện nay, phát triển thị trường nghệ thuật lại là xu thế khách quan, đáp ứng yêu cầu chiến lược về phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam”- PGS.TS Đỗ Thị Thanh Thuỷ, Trưởng Ban Nghiên cứu văn hoá thuộc Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã nêu vấn đề như trên, tại Hội nghị văn hoá toàn quốc.
Nói đến nghệ thuật, lâu nay, người ta ít bàn, ít đề cập đến yếu tố thị trường, vì cho rằng như thế là thương mại hoá nghệ thuật. Thực tế không phải như vậy. Công nghiệp văn hoá, thị trường nghệ thuật đang đặt ra nhiều vấn đề, cách tiếp cận mới, một tư duy mới về làm nghệ thuật.
KHÁI NIỆM
Theo nghĩa hẹp, thị trường nghệ thuật là nơi diễn ra tương tác giữa người bán và người mua, là nơi lưu thông, phân phối, trao đổi quyền sở hữu các sản phẩm, dịch vụ nghệ thuật, nhằm thoả mãn nhu cầu của bên cung và bên cấp.
Thị trường được xem như một động lực có khả năng tạo ra những dàn xếp hiệu quả, nhằm đáp ứng các nhu cầu và phân phối nguồn lực dưới góc nhìn của các nhà kinh tế. Trong hàm nghĩa rộng, thị trường còn là các thể chế, các bên liên quan, các thành tố phức hợp khác có mối quan hệ tác động đến sự hình thành và lưu thông của hàng hoá nghệ thuật.
Thị trường nghệ thuật có nhiều cấp độ như: thị trường sơ cấp, thị trường thứ cấp, trong đó, thị trường sơ cấp là thị trường mà người sáng tạo và người tiêu dùng trao đổi mua bán trực tiếp, còn thị trường thứ cấp là thị trường mà trao đổi mua bán được diễn ra thông qua các trung gian.
Hai loại thị trường này có những đặc trưng riêng, góp phần làm nên sự hoàn chỉnh của thị trường, trong đó, thị trường nghệ thuật thứ cấp có xu hướng phát triển mạnh, có phạm vi rộng trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phổ biến.
Thị trường nghệ thuật có thể đã xuất hiện từ lâu đời trong lịch sử loài người, bởi bất cứ khi nào nghệ thuật trở thành hàng hoá, dịch vụ, được mua bán, trao đổi dựa trên các quy luật về giá trị, cung, cầu, cạnh tranh thì sẽ có thị trường.
Tuy nhiên, về mặt học thuật, lý luận về thị trường nghệ thuật mới chỉ manh nha xuất hiện trên thế giới vào thập niên 60 của thế kỷ XX, bắt đầu với phạm trù lý thuyết về kinh tế học nghệ thuật, sau này được mở rộng thành kinh tế học văn hoá tại các nước phương Tây.
Các nhà nghiên cứu kinh tế và quản lý nhận thấy, nghệ thuật không chỉ là một bộ phận quan trọng của đời sống tinh thần, thẩm mỹ, chuyển tải nhiều giá trị vô hình khác, nghệ thuật cũng là một phần của hoạt động kinh tế.
Các công trình nghiên cứu về kinh tế học nghệ thuật được viết bởi các học giả vốn là các nhà kinh tế văn hoá "chính thống" (những người áp dụng các công cụ lý thuyết của kinh tế học tân cổ điển) và các nhà kinh tế văn hoá “không chính thống” (những người sử dụng các phương pháp tiếp cận kinh tế từ góc độ chuyên ngành khác như xã hội học, triết học, chính trị và quản lý văn hoá) đều thống nhất rằng: Thị trường nghệ thuật vừa có những điểm tương đồng với thị trường hàng hoá thông thường, lại có những đặc thù riêng.
Trong kinh tế học, giá trị của hàng hoá và dịch vụ được phản ánh trong giá cả, một chỉ báo về tiện ích mà các cá nhân thu được một cách chủ quan từ hàng hoá hoặc dịch vụ. Giá cả quyết định độ phân phối hàng hoá trên thị trường và tạo thành mối liên hệ trao đổi giữa người tiêu dùng và người sản xuất.
Tuy nhiên, giá trị của hàng hoá nghệ thuật không đơn thuần chỉ là giá cả (hay giá trị kinh tế) mà còn bao gồm nhiều giá trị vô hình khác, không mang tính trao đổi như giá trị tinh thần, biểu tượng.
Trong kinh tế thị trường, hàng hoá nghệ thuật có thể bao gồm nhiều loại hình công, tư hoặc hàng hoá hỗn hợp. Nhưng dù thuộc loại nào thì hàng hoá nghệ thuật vẫn thường có những hiệu ứng công vượt ra ngoài phạm vi sở hữu của nó: chúng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành lối sống cũng như bản sắc văn hoá của cá nhân và cộng đồng, củng cố sự đa dạng văn hoá, giúp tăng cường hoà nhập xã hội, làm gia tăng niềm tự hào của công dân, đóng góp vào ưu thế cạnh tranh, là nguồn lực căn bản của sức mạnh mềm của mỗi quốc gia trong xã hội hiện đại.
Nghệ thuật cũng đem những lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp, như tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy du lịch và dịch vụ… Nhìn chung, hàng hoá nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng, những lợi ích của nó sẽ được gia tăng, tích luỹ thêm nếu lĩnh vực tư nhân được củng cố bởi hỗ trợ công và ngược lại.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, về cơ bản, hàng hoá, dịch vụ được sản xuất trong lĩnh vực nghệ thuật vẫn là hàng hoá công, tức là hàng hoá được chính phủ cung cấp trực tiếp hoặc hỗ trợ gián tiếp.
CHUỖI GIÁ TRỊ SẢN XUẤT
Các ngành công nghiệp nghệ thuật chính là một phần cốt lõi, hay còn được coi là các ngành của công nghiệp văn hoá, cụ thể hơn, có thể kể đến các ngành như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, âm nhạc, văn học, nghệ thuật thị giác...
Nghệ thuật còn là yếu tố được lồng ghép trong nhiều ngành công nghiệp văn hoá khác như truyền thông và dịch vụ sáng tạo, ví dụ trong kiến trúc và quảng cáo, thiết kế xuất bản, phát thanh truyền hình, phần mềm, truyền thông đa phương tiện, thủ công nghiệp, trò chơi máy tính.
Với tư cách là ngành công nghiệp văn hoá, sự hình thành và phát triển của thị trường nghệ thuật đòi hỏi phải có sự kết nối giữa những mắt xích trong chu trình sản xuất hàng hoá và dịch vụ.
Chu trình sản xuất này bao gồm có sáu công đoạn: sáng tạo; sản xuất; truyền bá, trưng bày, tiếp nhận; tiêu dùng/tham dự; lưu trữ/bảo quản; giáo dục đào tạo. Chu trình sản xuất này có thể được tóm tắt thành bốn công đoạn chính gồm có sáng tạo, sản xuất, phổ biến, tiêu dùng.
Lý luận về “chu trình sản xuất” giúp chúng ta nhận thức rằng, để phát triển được thị trường nghệ thuật, phải đặc biệt chú ý đến sự liên nối và liên thông giữa các công đoạn hay mắt xích cụ thể của chuỗi giá trị sản xuất.
Chuỗi giá trị này được bắt đầu bằng việc sáng tạo, sản xuất ra các sản phẩm cụ thể, chẳng hạn như một bức tranh, một vở kịch hoặc một bộ phim, dựa trên các tài nguyên, công nghệ và các thiết bị cần thiết, được truyền thông, quảng bá, phân phối và kết thúc bằng việc các sản phẩm được tiêu thụ bởi các nhóm hay những cá nhân cụ thể.
Bối cảnh số hoá và khoa học công nghệ phát triển, tự do hoá kinh tế, toàn cầu hoá đã làm cho cách thức phân phối, tham dự hay tiêu dùng sản phẩm nghệ thuật ngày càng trở nên đa dạng hơn.
Sự hội tụ của công nghệ đa phương tiện và viễn thông đã đem đến sự tích hợp của các phương tiện, thông qua đó, nghệ thuật được sản xuất, phân phối và tiêu thụ song song với sự phá vỡ các rào cản đối với dòng chảy tự do về vốn lao động trên thế giới tạo ra thị trường toàn cầu các sản phẩm nghệ thuật, văn hoá có thể được mua bán trên toàn thế giới.
Điều này dẫn đến kết quả, mặc dù việc sản xuất sản phẩm nghệ thuật có thể được diễn ra tại một vị trí địa lý nhất định, nhưng nhờ có công nghệ thông tin mà sản phẩm được phân phối rộng rãi cho sự tiếp cận của công chúng.
Điện ảnh hay âm nhạc số hoá là những ví dụ điển hình với nhiều cách khai thác tài sản trí tuệ trong các sản phẩm này nhằm mang lại nguồn lợi kinh tế. Khi các sản phẩm nghệ thuật được mở rộng phân phối thì tiềm năng và doanh số bán hàng sẽ lớn hơn.
Tuy nhiên, để có thể khai thác được tiềm năng này của hàng hoá nghệ thuật, cần phát triển các thị trường bán lẻ và phân phối kỹ thuật số của sản phẩm nghệ thuật qua internet, đi kèm với việc triển khai và thực thi tốt luật pháp về bảo vệ bản quyền.
Trong khoảng hơn ba thập niên (1986-2021), thị trường nghệ thuật Việt Nam đã bước đầu phát triển sôi động, đa sắc, đa diện hơn với nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ phong phú, đã bước đầu tham gia tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều sản phẩm, hàng hoá nghệ thuật vừa chuyển tải được bản sắc văn hoá dân tộc, vừa đổi mới về cách thức biểu đạt mang tính hiện đại, tiên tiến, có sức hấp dẫn với công chúng trong nước và quốc tế.
Chưa bao giờ hoạt động trao đổi, mua bán tác phẩm nghệ thuật lại diễn ra sôi nổi, quy mô và thu hút nhiều tầng lớp xã hội tham gia như trong giai đoạn hiện nay. Một số thị trường như hội hoạ, sân khấu, điện ảnh đã đạt được những thành tựu nhất định.
Việt Đông
(còn tiếp)