Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
XÂY DỰNG CON NGƯỜI TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Bài 1: Tổ công nghệ số cộng đồng - Đưa người dân đến gần hơn với chính quyền số
Thứ sáu: 00:06 ngày 02/09/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để đưa công nghệ số, kỹ năng số đến người dân góp phần từng bước xây dựng nền tảng chính quyền số ở địa phương, vào tháng 4.2022, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Tổ công nghệ số cộng đồng.

Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả phường 1, TP. Tây Ninh.

Thời gian qua, UBND thành phố Tây Ninh đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, số hoá thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, trong thực tế, người dân và doanh nghiệp tiếp cận, tương tác để sử dụng dịch vụ công, cập nhật dữ liệu dân cư theo thời gian thực rất thấp. Điều này cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia; người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số, chia sẻ dữ liệu.

Để đưa công nghệ số, kỹ năng số đến người dân góp phần từng bước xây dựng nền tảng chính quyền số ở địa phương, vào tháng 4.2022, UBND Thành phố đã có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Tổ công nghệ số cộng đồng.

Theo đó, mỗi phường, xã thành lập một “Tổ công nghệ số cộng đồng” gồm: đại diện lãnh đạo UBND phường, xã làm tổ trưởng; công chức phụ trách cải cách hành chính của phường, xã; các tổ chức chính trị - xã hội phường, xã; trưởng khu phố, ấp thuộc phường, xã và các nhân sự khác có lòng nhiệt tình hoạt động cộng đồng, có tư duy muốn chấp nhận và thử nghiệm cái mới, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số.

Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong ấp, khu phố. Cụ thể: về chính quyền số, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn.

Về kinh tế số, hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm... quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Về xã hội số, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch bệnh, xác định mã định danh cá nhân... thông qua các nền tảng số.

Tổ công nghệ số cộng đồng nhận triển khai các nền tảng số và trực tiếp làm mẫu, hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong ấp, khu phố (như cài ứng dụng sổ sức khoẻ điện tử, ứng dụng phản ánh hiện trường, dịch vụ công...); tạo nhóm mạng xã hội Việt Nam (lập nhóm Zalo, Mocha, Gapo hoặc các mạng xã hội Việt Nam phổ biến khác) gồm tất cả các hộ gia đình/người dân trong ấp, khu phố để hỗ trợ, tương tác, hướng dẫn thường xuyên.

Ông Nguyễn Hoàng Phương- Phó Chủ tịch UBND phường 1, TP. Tây Ninh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, UBND phường thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ thành lập 5 nhóm nhỏ phụ trách 5 địa bàn khu phố. Hằng tuần, các nhóm trực tiếp đến các khu phố hướng dẫn người dân thực hiện, cung cấp cho người dân tài liệu hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản dịch vụ công. Phấn đấu đến cuối năm, phường sẽ tạo khoảng 1.000 tài khoản dịch vụ công cho người dân.

Theo báo cáo sơ kết chuyển đổi số trong 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), có 15/63 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 47/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 40.590 Tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 200.000 thành viên tham gia.

Bộ TT&TT đã triển khai nền tảng học trực tuyến mở đại trà, đã hoàn thành 3 khoá bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 1.648 công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương. Dự kiến sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác chuẩn bị bồi dưỡng chuyển đổi số cho khoảng 30.000 công chức, viên chức, 200.000 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân.

Phường 3 là địa phương đầu tiên triển khai thực hiện Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn TP. Tây Ninh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tổ công nghệ số cộng đồng đã giới thiệu, tạo và hướng dẫn sử dụng tài khoản dịch vụ công quốc gia được hơn 400 tài khoản công dân; hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân lấy 1.097 lượt số thứ tự khi đến giải quyết thủ tục hành chính

Ông Lê Lam Điền- Phó Chủ tịch UBND phường 3 cho biết, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công nghệ số cộng đồng, phường còn thành lập nhóm Zalo công nghệ số cộng đồng mời người dân, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tham gia, đến nay, nhóm Zalo này có trên 400 thành viên. Nhóm Zalo thực hiện tuyên truyền về chuyển đổi số; hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia; tuyên truyền, chia sẻ các thông tin gắn với quyền lợi, chế độ, chính sách của nhân dân; những hoạt động của cấp uỷ Đảng, đoàn thể, Mặt trận, các phong trào trên địa bàn phường, thành phố... giúp người dân tiếp cận nguồn thông tin chính thống.

Theo UBND TP. Tây Ninh, 10/10 phường, xã đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng để thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, chiến lược về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số của Đảng và Nhà nước đến người dân. Các phần mềm ứng dụng trong công việc được tuyên truyền và triển khai sử dụng hiệu quả và ngày càng phát huy tác dụng cao như phần mềm Một cửa điện tử; phần mềm hộ tịch; phần mềm chứng thực điện tử; phần mềm Egov; dịch vụ công và các ứng dụng trên các thiết bị thông minh... Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp trên tất cả các lĩnh vực ở cả 2 cấp tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình giao dịch hành chính, nhất là việc nộp hồ sơ trực tuyến. Đồng thời triển khai áp dụng việc thanh toán trực tuyến đối với tất cả các thủ tục có phát sinh phí, lệ phí ở cả hai cấp.

Đến nay, Cổng thông tin điện tử Thành phố được nâng cấp và xây dựng mới 10 cổng thông tin điện tử ở 10 phường, xã nâng cao sự tương tác giữa chính quyền với người dân. Ngoài ra, Thành phố còn tăng cường ứng dụng thư điện tử; tương tác qua mạng xã hội Zalo nhóm để phục vụ cho công việc. Tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc tại cơ quan, đơn vị Thành phố đạt trên 95%. Các loại văn bản thường được trao đổi qua hệ thống gồm có: thông báo, giấy mời, thông báo kết luận, công văn, báo cáo, kế hoạch, lịch công tác, văn bản quy phạm pháp luật...

Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc liên thông 3 cấp được triển khai thực hiện đã đem lại hiệu quả rõ rệt như: hồ sơ được thực hiện qua mạng, kiểm soát được quy trình, thời gian xử lý công việc, vì vậy, hạn chế được tình trạng văn bản quá hạn xử lý, tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm phục vụ cho việc in ấn, gửi nhận văn bản. 100% cán bộ, công chức thành phố và phường, xã được cấp tài khoản đăng nhập hệ thống, tỷ lệ thường xuyên đăng nhập để xử lý công việc đạt 100%.

Qua đánh giá, về số lượng, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin/tổng số lao động của Việt Nam ước đạt gần 1%, thấp hơn một số quốc gia mạnh về công nghệ thông tin như Hoa Kỳ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%). Về chất lượng, theo báo cáo của TopDev, một trong những công ty hàng đầu về tuyển dụng công nghệ thông tin, công bố năm 2021 cho thấy chỉ có khoảng 30% kỹ sư, cử nhân mới ra trường đáp ứng yêu cầu thực tế của công việc.

Về kỹ năng, Việt Nam chưa có chuẩn kỹ năng số quốc gia mà chỉ có chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin do Bộ TT&TT ban hành từ năm 2014, dựa trên những nghiên cứu, khảo sát của giai đoạn trước đó, thiếu một số nội dung như phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo... Ngoài ra, việc triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại một số địa phương còn mang tính hình thức, chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Trúc Ly

Tin cùng chuyên mục