Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Quyền con người và an ninh con người ở Việt Nam
Bài 2: Chính sách nhất quán của Việt Nam: Bảo vệ quyền con người
Thứ sáu: 11:04 ngày 06/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việt Nam đã trở thành thành viên của 7/9 công ước cơ bản về quyền con người và một số nghị định thư của các công ước này.

Việt Nam phối hợp với Vương quốc Hà Lan tổ chức nhiều lớp tập huấn về Công ước CAT cho điều tra viên, giảng viên, báo cáo viên pháp luật trong CAND. Việt Nam còn phối hợp với Cơ quan phòng chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tổ chức 1 cuộc hội thảo và 1 khoá tập huấn về Bộ Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của LHQ về đối xử với phạm nhân (Quy tắc Nelson Mandela).

Việt Nam luôn nỗ lực bảo vệ và phát huy những giá trị, thành tựu về quyền con người.

Ý nghĩa của việc gia nhập Công ước chống tra tấn

Ngày 7.11.2013, tại trụ sở chính của LHQ, Đại sứ trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ thay mặt nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Ngay sau đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đã khẩn trương thực hiện việc nghiên cứu, đề xuất phê chuẩn Công ước theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 và theo lộ trình đã được phê duyệt.

Ngày 28.11.2014, sau một năm kể từ ngày ký Công ước, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIII thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Việt Nam đã trở thành thành viên của 7/9 công ước cơ bản về quyền con người và một số nghị định thư của các công ước này.

Việc phê chuẩn Công ước chống tra tấn là sự kiện chính trị pháp lý có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ nhân quyền và thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, góp phần thiết thực thực thi Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Trong bối cảnh Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, việc phê chuẩn Công ước là sự khẳng định chính sách nhất quán của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bảo vệ quyền con người.

Việc tham gia và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước góp phần làm tăng uy tín chính trị của nhà nước ta trên trường quốc tế, lần nữa khẳng định quyết tâm của nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, tranh thủ được cảm tình và sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới, tạo cơ sở cho việc tăng cường đối thoại và trao đổi với các nước và tổ chức quốc tế về nhân quyền.

Bối cảnh thực thi Công ước chống tra tấn tại Việt Nam

Sau khi phê chuẩn, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn. Ngày 17.3.2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước chống tra tấn trên toàn quốc và chỉ định Bộ Công an làm cơ quan đầu mối trong triển khai Công ước. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Công an và các bộ, ngành khác có liên quan đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp để thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn tại Việt Nam, trong đó tập trung vào một số nhóm giải pháp chính, cụ thể như sau:

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn: Để phổ biến, tuyên truyền Công ước và các quy định pháp luật trong nước có liên quan đạt hiệu quả cao, Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người và chống tra tấn. Ngày 12.1.2018, Việt Nam ban hành Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước CAT (chống tra tấn) để thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Trên cơ sở đó, các cơ quan của Việt Nam ban hành hàng loạt kế hoạch, đề án tuyên truyền có liên quan đến nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn như: Đề án tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước CAT cho lực lượng CAND năm 2020 .

Ngày 14.9.2022, Việt Nam ban hành Đề án truyền thông về quyền con người với nội dung thúc đẩy tuyên truyền pháp luật quốc tế về quyền con người để thực hiện trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt quan tâm tới 7 Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, bao gồm Công ước CAT.

Đặc biệt, ngày 14.2.2023, Việt Nam ban hành Quyết định số 87, trong đó nhiệm vụ “Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn, về nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong thực thi Công ước CAT và các khuyến nghị phù hợp của Uỷ ban CAT” rất được quan tâm.

Ngoài các kế hoạch, đề án chuyên sâu về Công ước CAT, một số bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã lồng ghép nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn vào các kế hoạch, đề án tuyên truyền những văn bản có nội dung liên quan trực tiếp đến thực hiện nội dung của Công ước CAT như BLHS 2015, BLTTHS 2015, LTHAHS 2019, các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên…

Việt Nam đã tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, chương trình giảng dạy, các tin, bài, phóng sự chuyên sâu hoặc lồng ghép về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn thông qua các pa-nô, áp-phích, chương trình phát thanh, truyền hình, mạng internet ở cấp Chính phủ, cấp bộ, ngành, địa phương và cả với các đối tác nước ngoài cho hàng ngàn cán bộ thực thi công quyền và toàn thể người dân. Nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn đã thường xuyên được tuyên truyền cùng với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

Việt Nam đã hoàn thành xây dựng Bộ tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước CAT và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành và 63 địa phương có liên quan (tháng 2.2020).

Việt Nam đã phát hành 10.000 cuốn sách tuyên truyền với tựa đề “Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước CAT” (2019) và hàng loạt cuốn sách tuyên truyền về quyền con người như: Bảo vệ quyền con người của trẻ em bằng pháp luật hình sự Việt Nam (2020), Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân theo LTHAHS Việt Nam (2021); các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền con người; cơ chế quốc tế về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người; cơ chế bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; Pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền con người ở một số nước trên thế giới.

 Việt Nam thường xuyên cập nhật giáo trình đào tạo, nhất là giáo trình đào tạo đại học (cử nhân luật), đào tạo nghiệp vụ điều tra và các môn học như “Quyền con người trong thế giới đương đại”, “Quyền con người và các yếu tố bảo đảm quyền con người”.

Việt Nam đang triển khai đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có quyền không bị tra tấn, quyền được bồi thường thiệt hại. Đến nay, Việt Nam đã phối hợp với Hà Lan xây dựng tài liệu giảng dạy, tập huấn về Công ước CAT, gửi các cơ sở đào tạo để tham khảo xây dựng nội dung tài liệu, giáo trình có liên quan.

Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cao cấp của Việt Nam, đã lồng ghép nội dung Công ước CAT vào bài giảng tại môn Nhà nước và pháp luật Việt Nam.

Đây là những hoạt động rất thiết thực, góp phần phổ biến, tuyên truyền và tăng cường nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp về nội dung, tinh thần, giá trị của Công ước. Ngoài nhóm giải pháp nêu trên, hai nhóm giải còn lại được thực hiện tích cực, trách nhiệm cao, gồm các hoạt động tập huấn, hội nghị, hội thảo, toạ đàm, hoạt động báo chí tuyên truyền. Trong đó, đối với báo chí, các phiên toà xét xử cán bộ thực thi pháp luật nhưng vi phạm pháp luật được tường thuật, đăng tải rộng rãi trên phương tiện thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước.

Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn:
Việt Nam đã tiếp tục tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài như Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ trong phòng, chống tra tấn, thông qua trao đổi thông tin, kinh nghiệm về tổ chức, thực thi Công ước sử dụng trang thiết bị có hiệu quả về phòng, chống tra tấn. Việt Nam tham gia, tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế có liên quan đến chống tra tấn, góp phần tăng cường năng lực cho cán bộ.

Việt Đông

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục