Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đến năm 2050, Tây Ninh trở thành một tỉnh kinh tế phát triển trên nền tảng công nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển, là cửa ngõ thương mại quốc tế phía Nam của vùng Đông Nam bộ và cả nước.
Cửa khẩu quốc tế Xa Mát.
Công nghiệp
Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai và ít thâm hụt lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp hiện có; thành lập mới, mở rộng thêm các khu công nghiệp ở những nơi có điều kiện. Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, phát triển xanh và bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước. Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như sau:
Dệt, sản xuất sợi vải, nguyên phụ liệu dệt may: Đáp ứng nhu cầu và trở thành một khâu quan trọng trong chuỗi giá trị sản phẩm dệt may của địa phương. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp trong nước, khuyến khích các doanh nghiệp hiện nay đang sản xuất may trang phục trước đây chủ yếu nhập nguyên liệu, nay chuyển sang đầu tư công nghiệp dệt, để chủ động được nguồn nguyên liệu, tránh rủi ro, phụ thuộc trong sản xuất và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường tiềm năng như Liên minh châu Âu (EU), các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Sản xuất, chế biến cao su và plastic: Nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hoá sản phẩm cao su. Tập trung chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Thu hút các dự án sản xuất các sản phẩm sau cao su, như săm, lốp xe, chi tiết thiết bị, cao su kỹ thuật...
May mặc - da giày: Chuyển dịch mạnh từ gia công sang các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu, kết hợp với sản phẩm đã có năng lực cạnh tranh tốt trên địa bàn như dệt và chế biến da, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cao.
Sản xuất, chế biến mía đường và khoai mì, tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Cơ khí, điện tử, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao: Đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp, như máy nông nghiệp (dựa trên lợi thế về nông nghiệp có khả năng cơ giới hoá cao), cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử...
Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản
Trồng trọt: Phát triển theo hướng tập trung, quy mô lớn, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh cơ giới hoá đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu, công đoạn từ giống, trồng trọt, thu hoạch, bảo quản, chế biến... gắn với hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và phát triển thương hiệu sản phẩm. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành trong đầu tư phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế với các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường nhằm tháo gỡ các rào cản thương mại, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.
Lâm nghiệp: tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vừng, gia tăng tỷ lệ độ che phủ rừng. Phát triển, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế rừng sản xuất, gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa bảo vệ và phát triển rừng với khai thác hợp lý, hiệu quả các loại hình du lịch, dịch vụ dưới tán rừng, cho thuê môi trường rừng theo quy định.
Thuỷ sản: Khai thác, phát triển hình thức, mô hình nuôi trồng thuỷ sản ở những nơi có điều kiện, phù hợp gắn nuôi trồng thuỷ sản với chế biến và xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ. Tiếp tục phát triển nuôi trồng thuỷ sản tại các địa phương có điều kiện, phù hợp theo định hướng của ngành nông nghiệp…
Thương mại, dịch vụ và du lịch
Thương mại: Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng đa dạng, chất lượng, hiệu quả, chủ động thúc đẩy thương mại đối ngoại với các tỉnh Campuchia giáp biên và thúc đẩy thương mại vùng Đông Nam bộ, đặc biệt với Thành phố Hồ Chí Minh. Gắn cơ chế điều tiết quy hoạch sản xuất, thu hút phát triển thương mại. Mở rộng, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu cho từng mặt hàng gắn với thu hút đầu tư phát triển các hệ thống thương mại, siêu thị hiện đại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường; khai thác hiệu quả và hiện đại hoá hệ thống hạ tầng thương mại tại các cửa khẩu phục vụ xuất nhập khẩu hàng hoá; chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại; phát triển các giái pháp vận tải và dịch vụ logistics đa phương thức phục vụ phát triển thương mại.
Dịch vụ logistics: Phát triển logistics thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, đưa Tây Ninh trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng hoá, vận tải, kho bãi, logistics, thương mại của vùng Đông Nam bộ. Tập trung phát triển trung tâm dịch vụ logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát, cảng Hưng Thuận và cảng Thanh Phước.
Du lịch: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ các dự án thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, các dự án thương mại - dịch vụ - du lịch trong khu vực hồ Dầu Tiếng, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, khai thác các loại hình du lịch, dịch vụ phù hợp khu vực Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Nghiên cứu định hướng phát triển các loại hình du lịch ven sông, các điểm đến du lịch văn hoá, lịch sử, tôn giáo, các khu di tích cách mạng trên địa bàn toàn tỉnh...
Giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp
Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển giáo dục tiên tiến gắn với đặc điểm văn hoá của địa phương bảo đảm sự phát triển toàn diện hệ thống giáo dục ở đầy đủ các cấp học. Mạng lưới trường, lớp từng bước được bảo đảm các yêu cầu về cơ sở vật chất trường học, đáp ứng và phù hợp với nhu cầu học tập. Bảo đảm cơ hội tiếp cận giáo dục cơ bản cho mọi đối tượng. Phát triển giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Huy động tối đa các nguồn lực tham gia xã hội hoá giáo dục, tăng cường mô hình liên kết nâng cao chất lượng, loại hình và quy mô đào tạo. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp học.
Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục gắn với nhu cầu của xã hội. Phát triển lực lượng lao động đáp ứng xu hướng chuyển dịch kinh tế chung, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ nhưng vẫn bảo đảm tính hài hoà về cơ cấu và cân đối nhân lực theo ngành, lĩnh vực.
Y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng
Phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại và bền vững, trong đó gắn y tế chuyên khoa, chuyên sâu với y tế phổ cập; kết hợp hài hoà giữa phòng bệnh với khám, chữa bệnh - phục hồi chức năng, giữa y học cổ truyền với y học hiện đại nhằm phục vụ hiệu quả chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Xây dựng hệ thống y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật đồng bộ, công nghệ hiện đại, đủ năng lực dự báo, kiểm soát các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường sống.
Khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao, áp dụng thiết bị công nghệ khám, chữa bệnh hiện đại, được bố trí tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu đô thị mới, cạnh các khu công nghiệp. Bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ y tế; thu hút nhân lực y tế có trình độ chuyên môn cao công tác lâu dài tại địa phương.
Khoa học và công nghệ, văn hoá và thể thao
Đầu tư xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống các thiết chế văn hoá, ưu tiên tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá, xây dựng con người và môi trường văn hoá lành mạnh. Hoàn thiện các chính sách xã hội hoá các dự án đầu tư xây dựng để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực văn hoá kết hợp với phát triển du lịch. Tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò chiến lược, là động lực thúc đẩy tăng trưởng các ngành trọng điểm, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh của tỉnh và các doanh nghiệp trên địa bàn. Phát triển khoa học công nghệ có trọng tâm, ưu tiên cho các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Chủ động tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có năng lực, kỹ năng và trình độ về công nghệ trong một số lĩnh vực có lợi thế phát triển bền vững của tỉnh.
Việt Đông
(Còn tiếp)