Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tiến bộ và công bằng xã hội là một giá trị xã hội cơ bản của loài người, là đích hướng tới và đã trở thành một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, dân tộc.
Những nhu cầu của con người không chỉ được nhận biết ở nhu cầu cá nhân mà còn là nhu cầu xã hội, cộng đồng. Vì thế, đứng về mặt chủ thể quản lý sự phát triển xã hội là nhà nước mà xét, thì nó phải có những chính sách và biện pháp như thế nào để làm cho cá nhân và xã hội đạt được sự phát triển thuận chiều, hài hoà, bảo đảm cho từng bước tiến của tăng trưởng kinh tế là từng bước thực hiện được công bằng xã hội cho con người, vì con người với tư cách là mỗi cá nhân và mọi thành viên trong cộng đồng.
Như vậy, chính sách xã hội là kênh quan trọng phản ánh bản chất ưu việt của một chế độ xã hội. Ðảng Cộng sản Việt Nam đã ý thức sâu sắc điều này nên khẳng định rằng: “Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, Ðảng ta chủ trương giải quyết tốt các vấn đề xã hội, coi đây là một hướng chiến lược thể hiện bản chất ưu việt của chế độ ta”.
Tiến bộ và công bằng xã hội là một giá trị xã hội cơ bản của loài người, là đích hướng tới và đã trở thành một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia, dân tộc. Thực chất của tiến bộ và công bằng xã hội là giải quyết hài hoà giữa sự phát triển kinh tế với thực hiện các chính sách xã hội, đem lại cuộc sống hoà bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội còn thể hiện tính ưu việt, nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa hơn hẳn những chế độ xã hội trước, đồng thời phát huy tính năng động, khắc phục những bất cập cố hữu của cơ chế thị trường. Vì thế, quan điểm này cần được quán triệt sâu sắc, triển khai có hiệu quả ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Tiến bộ xã hội là quá trình phát triển của xã hội loài người từ thấp lên cao, từ một hình thái kinh tế - xã hội này đến một hình thái kinh tế - xã hội khác cao hơn, đem lại những giá trị vật chất và tinh thần tốt đẹp hơn cho sự hoàn thiện bản chất con người. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ở thời đại đế quốc chủ nghĩa, đối với các dân tộc bị áp bức thì tiến bộ xã hội còn phản ánh mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội. Người nói:
“Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”. Người giải thích: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc uống, già không lao động thì được nghỉ…
Tóm lại, xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”. Như vậy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là thực hành quá trình tiến bộ xã hội văn minh nhất so với tất cả những xã hội trước đó mà lịch sử xã hội loài người đã và đang trải qua.
Công bằng xã hội là bảo đảm sự “ngang nhau” giữa người với người trong mối quan hệ giữa cống hiến với hưởng thụ, quyền lợi và nghĩa vụ, vinh dự với trách nhiệm. Công bằng xã hội là vấn đề mang tính lịch sử, được quy định bởi chế độ xã hội cụ thể. Mỗi xã hội đều đưa ra chuẩn mực riêng về công bằng xã hội, tuỳ theo tính chất giai cấp nhất định.
C.Mác đã hình dung ra công bằng xã hội dưới chủ nghĩa xã hội được thể hiện trong nguyên tắc phân phối theo lao động. Ông chỉ ra rằng, trong xã hội chủ nghĩa, sau khi đã khấu trừ đi những khoản cần thiết để duy trì sản xuất, tái sản xuất cũng như để duy trì đời sống của cộng đồng, toàn bộ số sản phẩm của xã hội còn lại sẽ được phân phối theo nguyên tắc:
Mỗi người sản xuất sẽ được nhận trở lại từ xã hội một số lượng sản phẩm tiêu dùng trị giá ngang với số lượng lao động mà anh ta đã cung cấp cho xã hội, sau khi đã khấu trừ số lao động của anh ta trong các quỹ xã hội. Cách phân phối này là công bằng, bởi lẽ tất cả những người cùng sản xuất/làm một công việc ngang nhau đều có quyền ngang nhau trong tham dự vào quỹ tiêu dùng của xã hội.
Tuy vậy, với đặc thù của giai đoạn chủ nghĩa xã hội, C.Mác chỉ ra rằng, sự phân phối công bằng đó chẳng những chưa loại trừ được, mà vẫn còn chấp nhận một tình trạng bất bình đẳng nhất định giữa các thành viên trong xã hội, bởi “với một công việc ngang nhau và do đó, với một phần tham dự như nhau vào quỹ tiêu dùng của xã hội thì trên thực tế, người này vẫn lĩnh nhiều hơn người kia, người này vẫn giàu hơn người kia…”. Theo C.Mác, đó vừa là ưu việt, vừa là hạn chế không tránh khỏi của nguyên tắc phân phối theo lao động trong giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Bước vào thời kỳ đổi mới, trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để bảo đảm vừa tăng trưởng kinh tế vừa thực hiện công bằng xã hội, Ðảng ta chủ trương phân phối theo lao động. Ðến Ðại hội Ðảng lần thứ VII (năm 1991), nguyên tắc phân phối đã được bổ sung hoàn thiện và xác định: phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh là chính. Ba năm sau, Hội nghị Ðại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII (tháng 1 năm 1994), Ðảng nêu nguyên tắc “Phân phối theo lao động là chủ yếu, khuyến khích và đãi ngộ xứng đáng các tài năng; đồng thời phân phối theo nguồn vốn đóng góp vào sản xuất, kinh doanh”.
Ðến Ðại hội IX (năm 2001), Ðảng tiếp tục bổ sung: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi xã hội”.
Ðây là nguyên tắc phân phối công bằng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực tiễn công cuộc đổi mới hơn 35 năm qua cho thấy, việc thực hiện các nguyên tắc phân phối ngày càng công bằng này đã kích thích mọi người, mọi nguồn lực tham gia sản xuất, kinh doanh, đó là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tăng trưởng kinh tế nhanh. Ðây chính là ưu việt về sự thực hiện công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của tiến bộ xã hội, trong quá trình lãnh đạo cách mạng cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Ðảng ta xác định: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”.
Tại Ðại hội lần thứ IX, Ðảng ta chính thức đưa ra khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, coi đó là mô hình tổng quát, là đường lối chiến lược nhất quán của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là kiểu tổ chức nền kinh tế - xã hội vừa dựa trên những nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên những nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được mô tả là một nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, trong đó khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, với mục tiêu dài hạn là xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ðại hội XII của Ðảng xác định đặc trưng cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam “là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Ðó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
VIỆT ÐÔNG