Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập - 22 năm vẫn còn dang dở
Bài 2: Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện
Thứ bảy: 06:53 ngày 31/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo lộ trình, hết năm học 2025-2026, bỏ thu học phí đối với cấp trung học cơ sở và tới đây, miễn học phí đối với học sinh mầm non 5 tuổi. Nếu như tính toán này thành thực tế, hoạt động của nhà trường gần như hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách.

Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 16 thực hiện cơ chế tự chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Một trong những vướng mắc khi thực hiện cơ chế tự chủ là Nghị định 16 ban hành năm 2015 chỉ mới là nghị định chung, áp dụng cho nhiều lĩnh vực. “Không có nghị định chuyên ngành thì không thể thực hiện được”- một cán bộ ngành Giáo dục phát biểu trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của HÐND tỉnh vào năm 2020.

HĐND tỉnh trong lần khảo sát chính pháp luật về cơ chế tự chủ trong ngành Giáo dục.

Diễn biến chính sách

Thấy rõ điều này, năm 2019, tại một cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với 36 tỉnh, thành, đại điện chính quyền các tỉnh Ðiện Biên, Hoà Bình, Hà Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Tây Ninh đã có ý kiến đối với lãnh đạo Bộ Tài chính về việc triển khai Nghị định 16 như thế nào. Bộ Tài chính có văn bản trả lời các địa phương nêu trên. Theo đó, tại thời điểm năm 2016, chỉ mới có Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng được cơ chế tự chủ tài chính có tính chất chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Từ năm 2017 cho đến hết năm 2019, thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Trung ương, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực, thay thế Nghị định số 16/2015/NÐ-CP. Tuy nhiên, trong thời gian từ năm 2017-2019, vẫn chưa có nghị định nào thay thế hoặc bổ sung Nghị định 16 được ban hành.

Trong khi đó, trên thực tế, trong thời gian này hầu như chưa địa phương hoặc bộ, ngành nào có thể triển khai Nghị định 16 một cách cụ thể. Văn bản của Bộ Tài chính trả lời một số địa phương còn đề cập đến việc tự chủ về tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp công lập, và cho biết vấn đề này sẽ do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng, trình Chính phủ xem xét.

“Các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp pháp luật chuyên ngành giao Chính phủ hướng dẫn thì các bộ quản lý chuyên ngành xây dựng nghị định trình Chính phủ xem xét quyết định”- văn bản của Bộ Tài chính nêu.

Về đề nghị hướng dẫn thay đổi phương thức bố trí dự toán ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập, tại thời điểm đó, Bộ Tài chính cho biết, ngoài lĩnh vực khoa học và công nghệ, Chính phủ chưa ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ đối với các lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và du lịch, thông tin truyền thông và báo chí, vì vậy chưa có căn cứ để xây dựng thông tư hướng dẫn.

Liên quan đến việc triển khai thực hiện, năm 2017, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, sau khi rà soát biên bản làm việc với các ngành có liên quan và ý kiến của Sở Tài chính, Sở Nội vụ đã có báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện cơ chế tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Giáo dục và Ðào tạo và ngành Y tế; đồng thời kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Tài chính hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc hai ngành Y tế, Giáo dục và Ðào tạo tạm thời thực hiện tự chủ theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NÐ-CP của Chính phủ.

Sau khi các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn thực hiện Nghị định số 16/2015/NÐ-CP sẽ thực hiện theo hướng dẫn. Tuy nhiên, sau khi rà soát, nghiên cứu công văn của Bộ Tài chính, về việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là SNCL) và hướng dẫn phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2017, Sở Nội vụ báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh nội dung và kiến nghị tại Báo cáo số 174/BC-SNV ngày 23.11.2017 như sau: căn cứ điểm C, khoản 1, công văn của Bộ Tài chính về việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập và hướng dẫn phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2017.

Trong đó, đối với các đơn vị SNCL thuộc các lĩnh vực khác giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và du lịch, thông tin truyền thông và báo chí, Bộ Tài chính đề nghị: “UBND các tỉnh (hoặc cơ quan cấp dưới theo phân cấp) tạm giao quyền tự chủ tài chính năm 2017 cho các đơn vị SNCL thuộc phạm vi quản lý theo phương án tự chủ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt như năm 2016 cho đến khi Chính phủ ban hành các nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị SNCL trong từng lĩnh vực và có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định của các nghị định mới”.

Ðến đây có thể khái quát, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến việc thực hiện tự chủ trong đơn vị SNCL khó khăn là do hành lang pháp lý chưa ổn định. Tuy vậy, giai đoạn 2017-2019, các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh sử dụng nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm để chi tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức, người lao động trên cơ sở định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định hiện hành.

Ngân sách Nhà nước đã giảm chi trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khoá XII). Năm 2019, giảm chi trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015 hơn 195,6 tỷ đồng (chủ yếu do giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách và giảm số lượng đơn vị sự nghiệp do sắp xếp lại bộ máy).

Bất cập

Theo Luật Giáo dục hiện hành, hệ thống giáo dục ở Việt Nam có hai loại hình trường: công lập và tư thục (dân lập). Ðối với trường dân lập, các cá nhân, tổ chức góp vốn đầu tư mở trường và hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, độc lập hoàn toàn về tài chính, Nhà nước gần như không liên quan gì đến chuyện tài chính của trường.

Nếu trường nào không thu hút được người học, thu không đủ chi thì chủ trường đó chấp nhận đối mặt với khả năng đóng cửa, cho phá sản theo Luật Doanh nghiệp. Trên thực tế, bên cạnh những trường ăn nên làm ra, hoạt động hiệu quả, cũng có nhiều trường ngoài công lập đang tồn tại kiểu vật vờ.

Riêng với hệ thống trường công lập, quy định về tự chủ tài chính thực tế cho thấy, chưa thực sự có thay đổi về bản chất câu chuyện và hiện có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Khái niệm trường công lập, tự thân nó đã mang nặng tính bao cấp về nhiều lĩnh vực, trong đó có bao cấp tài chính. Nhà nước cấp ngân sách để nhà trường thực hiện chức năng, nhiệm vụ của sự nghiệp giáo dục.

Mức học phí của từng cấp, bậc học thuộc hệ thống trường công cũng được quy định thống nhất trên toàn quốc hoặc trong từng tỉnh, thành phố nhưng không vượt trần quy định của Chính phủ. Ngoài học phí thì quỹ đất, cơ sở vật chất trường lớp do ngân sách nhà nước đầu tư.

Chính sách thu học phí để trả tiền lương cho giáo viên đã được áp dụng từ lâu, nhưng nguồn thu từ học phí không đủ để chi trả toàn bộ lương của giáo viên, cán bộ ngành Giáo dục. Ðó còn chưa kể, xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, tình trạng thất thu (và cả thoát) tiền học phí đang diễn ra ở không ít cơ sở giáo dục.

Theo lộ trình, hết năm học 2025-2026, bỏ thu học phí đối với cấp trung học cơ sở và tới đây, miễn học phí đối với học sinh mầm non 5 tuổi. Nếu như tính toán này thành thực tế, hoạt động của nhà trường gần như hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách.

Như vậy, lộ trình, mức độ tự chủ tài chính càng gian nan, khái niệm tự chủ tài chính nặng tính hình thức. Từ trước đến nay, bên cạnh những ý kiến đề nghị tăng quyền tự chủ tài chính cho cơ sở giáo dục, cũng có nhiều ý kiến khẳng định: giáo dục công lập là trách nhiệm của Nhà nước, không thể liên tục tăng học phí, vì người dân đã đóng thuế cho ngân sách.

Cũng có ý kiến bày tỏ sự quan ngại rằng không nên giao giáo dục cho doanh nghiệp, nghĩa là không được tư nhân hoá giáo dục. Trong khu vực giáo dục công lập, Nhà nước bao cấp về ngân sách nhưng nhà trường lại tự tiện thu nhiều khoản tiền (lạm thu), nguồn thu này hoàn toàn không phục vụ cho việc chi cải cách tiền lương, nâng cao thu nhập của giáo viên.

Nhà trường gần như không có trách nhiệm giải trình với xã hội hay với chính quyền các cấp về nguồn thu - chi này. So với giáo dục phổ thông, giáo dục đại học và nghề nghiệp có cơ hội tự chủ tài chính cao hơn nhưng cũng có nhiều trường không muốn tự chủ, chỉ trông chờ ngân sách.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục