Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sự thử thách đó đến từ nhiều yếu tố, nguyên nhân khác nhau, đôi khi, không hẳn xuất phát từ kinh tế.
Cô giáo người dân tộc Thái Sầm Ngọc Mai
Những trí thức người dân tộc thiểu số xuất hiện trong loạt bài này gần như có chung một điều kiện: đều vượt qua thử thách khó khăn nhất để xây dựng tương lai, sự nghiệp cho bản thân. Sự thử thách đó đến từ nhiều yếu tố, nguyên nhân khác nhau, đôi khi, không hẳn xuất phát từ kinh tế.
Cái họ vượt qua để có được như ngày hôm nay, là định kiến xã hội (đối với nữ trí thức), ngôn ngữ tiếng phổ thông, có người vào lớp 1 mới bắt đầu học tiếng Việt nhưng sau đó thành giáo viên dạy Ngữ văn, dạy Ngoại ngữ, bác sĩ, sĩ quan quân đội.
“CÔ GẶP LẠI MÌNH TRONG TIẾNG ƯỚC MƠ EM”
“Mình thích học tiếng Anh từ nhỏ. Khi học đến trung học phổ thông, hình mẫu của mình, vào thời điểm đó là cô Nguyễn Phương Nga- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam. Tốt nghiệp trung học phổ thông, mình thi vào khoa tiếng Anh của Trường đại học Cửu Long với mong ước trở thành nhà ngoại giao”- cô giáo Thạch Thị Thảo, người dân tộc Khmer mở đầu câu chuyện về con đường học vấn của bản thân.
Thạch Thị Thảo sinh ra, lớn lên ở huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Học hết trung học cơ sở, cô giáo tương lai được tuyển vào học ở trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh. Những năm tháng đó, theo lời cô giáo Thảo, gian khổ không sao nói hết nhưng niềm vui cũng vô bờ.
Thảo kể, những lúc không có điện, học sinh phải dùng đèn cầy (nến) học bài. Tốt nghiệp phổ thông, Thảo đăng ký dự thi vào khoa tiếng Anh thương mại của Trường đại học dân lập Cửu Long.
Tốt nghiệp đại học, Thảo dự định đi tìm một công việc nào đó liên quan đến ngành ngoại giao như thần tượng của mình. Nhưng đúng lúc đó, một giáo viên nói với Thảo rằng, trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh nhà (Trà Vinh) chưa có giáo viên tiếng Anh, điều này thiệt thòi cho học sinh. Thầy giáo gợi ý, Thảo nên học thêm nghiệp vụ sư phạm để về dạy ngoại ngữ cho học sinh, thế hệ đàn em của mình.
Nghe lời thầy, Thảo đăng ký học nghiệp vụ sư phạm tại Trường đại học Cần Thơ để trở về phục vụ quê hương Trà Vinh. “Nhưng, lại cũng duyên số, thời điểm đó, tôi quen ông xã (hiện tại) ở Tây Ninh. Thuyền theo lái, gái theo chồng. Thấm thoắt đã hơn 10 năm, mình trở thành giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh”- cô giáo Thảo kể về cơ duyên đến với Tây Ninh.
Nhớ lại những năm tháng vất vả nhất, cô Thảo cho biết, cả gia đình cô, anh chị em đều dừng việc học giữa chừng, hy sinh, ưu tiên cao nhất để cô theo đuổi con đường học vấn. Bây giờ, ngày ngày lên lớp, cô giáo Thạch Thị Thảo dạy cho “đồng bào mình”, cô mong muốn thế hế học trò hôm nay - con em các dân tộc thiểu số hãy nỗ lực thật nhiều, hãy có ước mơ và biến ước mơ đó thành hiện thực.
“Không thể trở thành nhà ngoại giao nhưng tôi cũng không có gì phải hối tiếc, vì công việc hiện tại đem lại nhiều niềm vui, không chỉ cho bản thân mà còn cho lớp lớp học sinh con em đồng bào mình. Tôi gặp lại mình trong tiếng ước mơ của các em học sinh”- cô giáo Thạch Thị Thảo bộc lộ cảm xúc.
Đến từ một tỉnh miền Trung, cô giáo Sầm Ngọc Mai, người dân tộc Thái, hiện công tác tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh cho biết, cô không nghĩ rằng mình lại thành một giáo viên dạy Ngữ văn, vì khi vào lớp 1, cô mới bắt đầu học tiếng Việt (tiếng dân tộc Kinh).
“Trở ngại về ngôn ngữ là điều thiệt thòi nhất của đồng bào các dân tộc thiểu số” - cô giáo Mai bình luận. Tốt nghiệp đại học, cô giáo người dân tộc Thái trở thành giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh.
Như một sự đồng cảm, trong ánh mắt của con em đồng bào các dân tộc thiểu số đang học tại ngôi trường này, cô giáo Mai thấy hình ảnh ngày xưa của mình. “Các em mới vào trường, học xa nhà, không tránh khỏi cảm giác bỡ ngỡ.
Trong vai trò là cô giáo, từng có kinh nghiệm của những năm tháng đi học xa gia đình, tôi hướng dẫn, nhắc nhở học sinh của mình cách sống, nền nếp sinh hoạt tập thể sao cho văn minh, tránh những va chạm, hiểu nhầm giữa các em.
Thực ra, học sinh dân tộc nội trú đang học ở đây cũng là hình ảnh của những tháng ngày tôi từng trải qua, thời sinh viên”- cô Mai nói. Cô giáo cũng gửi đến học sinh “thông điệp” từ chính bản thân mình: nỗ lực hết mình, cố gắng không ngừng nghỉ, không mệt mỏi rồi thành quả cũng sẽ đến.
Ông Lê Minh Trung- Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh thông tin, toàn trường chỉ có hai cô Thảo và Mai là giáo viên người dân tộc thiểu số. Hành trình theo đuổi con đường học vấn của hai cô có thể xem như tấm gương để học sinh nhà trường, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt học sinh nữ vốn ít nhiều còn chịu những định kiến, noi theo.
Cô giáo người dân tộc Khmer Thạch Thị Thảo.
“LÀM CHỦ CUỘC ĐỜI MÌNH”
“Tôi mong các bạn trẻ, đặc biệt các bạn học sinh nữ người dân tộc thiểu số, hãy cố gắng vươn lên làm chủ cuộc đời mình”- nữ bác sĩ Sa Quy, người dân tộc Chăm, công tác tại Khoa nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh nhắn nhủ đến thế hệ đàn em.
Bác sĩ Sa Quy cho hay, gia đình chị người dân tộc Chăm, ngụ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Học hết phổ thông, chị theo học ngành Y đa khoa, Đại học Y Tây Nguyên theo diện cử tuyển. Tốt nghiệp đại học, chị về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh.
Chị cho biết thông thường con gái không được gia đình ủng hộ học lên cao, trường hợp như chị rất hiếm. Chị mong các bạn trẻ người dân tộc thiểu số nỗ lực học tập, vì chỉ có học mới tìm được công việc ổn định, thoát cảnh đói nghèo.
Bác sĩ Sa Quy cho rằng, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho con em người dân tộc thiểu số rất tốt, từ nhỏ đến lớn chị đi học không phải mất học phí, ngược lại còn được hưởng nhiều chế độ ưu tiên khác.
Từ khi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, bác sĩ Sa Quy luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm của một nữ bác sĩ trẻ, hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đợt dịch Covid- 19, chị được nhận bằng khen của UBND tỉnh vì có đóng góp lớn trong công tác phòng, chống dịch.
Chị cho biết, hiện tại ở Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh có 8 y, bác sĩ, nhân viên y tế là người dân tộc thiểu số như Khmer, Chăm, Mường, Cao Lan. Tất cả họ đều đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để có một vị trí việc làm như hôm nay.
Một người khác, anh Hoàng Đức Danh, người dân tộc K’Ho, tỉnh Bình Thuận, hiện làm trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, Sư đoàn Bộ binh 5. “Tôi tốt nghiệp đại học sĩ quan chính trị.
Tôi thấy các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số rất tốt. Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để con em người đồng bào dân tộc thiểu số phấn đấu học tập, cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước. Những chính sách đúng đắn ấy còn giúp họ tiếp cận nhiều hơn nguồn tri thức hiện đại, làm chủ được bản thân, cải thiện đời sống kinh tế gia đình”- anh Hoàng Đức Danh nói.
Sĩ quan quân đội người dân tộc K’Ho Hoàng Đức Danh.
Theo anh Danh, trí thức người dân tộc thiểu số là kênh tuyên truyền hiệu quả nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến chính người thân và đồng bào của mình để tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động.
“Là thế hệ trẻ, nhất là tuổi trẻ người đồng bào dân tộc thiểu số đang học tập và làm việc trong lực lượng vũ trang phải luôn luôn nỗ lực phấn đấu, cống hiến hết mình, phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc giữa cống hiến và hưởng thụ. Đừng bao giờ hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay"- sĩ quan chính trị Hoàng Đức Danh chia sẻ.
Trên cương vị, vị trí công tác của mình, anh Hoàng Đức Danh tích cực viết tin, bài tuyên truyền hoạt động công tác Đoàn, phong trào thanh niên, gương người tốt việc tốt, những mô hình mới, cách làm hay, tạo sức lan toả trong xã hội…
Từ đầu năm 2018 đến nay, anh Hoàng Đức Danh viết hàng trăm tin bài đăng trên các báo như Quân đội nhân dân, Quân khu 7, Tây Ninh… Anh được Đảng uỷ, Chỉ huy Sư đoàn tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí và truyền thanh nội bộ Sư đoàn. 5 năm liền, Hoàng Đức Danh là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Việt Đông - Hoàng Yến
(Còn tiếp)