Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xét lại lịch sử - một hành vi nguy hiểm
Bài 2: Không được “tẩy trắng lịch sử”
Thứ sáu: 00:23 ngày 20/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Lịch sử là những gì đã xảy ra, nói khác đi, lịch sử là lịch sử, lịch sử không phụ thuộc góc nhìn cá nhân. Mặt khác, không ai cấm anh nhìn nhận, đánh giá về lịch sử, nhưng đưa ra góc nhìn, quan điểm như thế nào cho đúng, lại là câu chuyện khác!

Lính Mỹ đưa xác đồng đội bị quân Giải phóng tiêu diệt trong trận càn Junction City tháng 4.1967 ở chiến khu Bắc Tây Ninh. Ảnh: Tư liệu

Cách nay đã lâu, kênh VTV1 công chiếu bộ phim “Thái sư Trần Thủ Độ”, phía dưới góc phải màn hình chạy dọc đề từ “lịch sử phụ thuộc những góc nhìn”. Câu đề từ này từng bị nhiều người phê phán, vì lẽ, góc nhìn của mỗi người dễ rơi vào chủ quan, cảm tính, phiến diện. Lịch sử là những gì đã xảy ra, nói khác đi, lịch sử là lịch sử, lịch sử không phụ thuộc góc nhìn cá nhân. Mặt khác, không ai cấm anh nhìn nhận, đánh giá về lịch sử, nhưng đưa ra góc nhìn, quan điểm như thế nào cho đúng, lại là câu chuyện khác!

CẦN TÔN TRỌNG SỰ THẬT KHÁCH QUAN

Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, trên trang cá nhân của một người từng giữ trọng trách trong lĩnh vực ngoại giao đăng bài viết dài về cuộc chiến tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược. Nhìn nhận một cách công bằng, bài viết không hoàn toàn vô giá trị.

Song, ngoài những nội dung tích cực, người viết, có vẻ như để cảm xúc cá nhân chi phối quá nhiều khi ông lặp lại những luận điệu cũ rích từ bao nhiêu năm nay: Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đồng thời cũng là cuộc nội chiến. Ngoài nội dung trên, ông còn kiến nghị, đề xuất Đảng phải làm thế này thế nọ để hoà hợp, hoà giải dân tộc.

Chỉ sau thời gian ngắn, bài viết lan nhanh trên mạng xã hội, đặc biệt những trang cá nhân tự nhận là “nhân sĩ, trí thức, cấp tiến, dân chủ” đồng loạt chia sẻ hoặc trích dẫn một phần thể hiện thái độ ủng hộ bài viết của vị cựu cán bộ ngoại giao.

Tuy vậy, ngoài những cá nhân, tổ chức (thiếu thiện chí, có phần ác cảm với chế độ) hùa theo, bài viết cũng bị nhiều người chỉ trích gay gắt, phân tích các luận điểm sai trái của tác giả. Thật ra, không có gì khó khăn để chứng minh những cái sai của tác giả bài viết, vì điều này cũng đã được bàn nhiều. Bằng các thông tin đã công khai từ nhiều phía, một lần nữa có thể khẳng định: cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ là để giải phóng và thống nhất đất nước, thu giang sơn về một mối sau 117 năm bị chia cắt, đô hộ.

Phản bác lại bài viết của cựu cán bộ ngoại giao, trong bài viết mới đây đăng trên Tạp chí Cộng sản đã dẫn ra nhiều tư liệu, qua đó chứng minh rằng, cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược không phải nội chiến, vì ngay tên gọi cuộc chiến cũng đã cho thấy điều đó.

Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản dẫn ra một bài viết khác, có tên gọi “Chiến tranh Việt Nam là gì?”, của Christian G. Appy đăng trên tờ New York Times, ngày 26.3.2018. Bài báo đưa ra nhận xét: “Cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam không phải là một cuộc xung đột cục bộ, cô lập, không liên quan đến an ninh quốc gia của Mỹ, mà là một cuộc chiến không thể tách rời với ưu tiên cao nhất của quốc gia - cuộc chiến chống Cộng sản trên toàn cầu trong chiến tranh lạnh.

Các nhà hoạch định chính sách cảnh báo rằng nếu miền Nam Việt Nam rơi vào tay chủ nghĩa Cộng sản, các nước láng giềng chắc chắn sẽ lần lượt gục ngã, lần lượt như một hàng quân cờ domino”. Từ đó, để có cái cớ ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản, nước Mỹ, theo từng giai đoạn, đã can thiệp vào Việt Nam với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta.

“Từ năm 1950, Mỹ chính thức can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Phái bộ cố vấn viện trợ quân sự Đông Dương (MAAG) của Mỹ bắt đầu viện trợ quân sự cho Pháp. Tiếp đó, Mỹ nhanh chóng gạt Pháp, trực tiếp tổ chức quân đội, chính quyền mới, bầu cử riêng rẽ ở miền Nam Việt Nam (đầu năm 1955), lập ra cái gọi là chính thể “Việt Nam Cộng hoà”, âm mưu chia cắt lâu dài nước Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, căn cứ quân sự của Mỹ”.

Và, một thực tế rõ ràng là, tuy Mỹ coi lực lượng tay sai ở miền Nam Việt Nam là những người “quốc gia chủ nghĩa”, nhưng chưa bao giờ thực sự coi trọng những lực lượng này. Mỹ chỉ xem họ như những quân cờ trên bàn cờ chiến lược của mình.

Một khi quân cờ nào không còn hữu dụng nữa thì Mỹ sẵn sàng thay thế, vứt bỏ họ. Một học giả Mỹ đánh giá: “Quan hệ đồng minh Mỹ - Diệm là một sản phẩm của tính toán địa chính trị của Mỹ thời chiến tranh lạnh”. Ngay những quan chức cấp cao của chính quyền Sài Gòn cũng nhận thức được thân phận làm tay sai cho Mỹ của mình, và nhận ra cuộc chiến này là cuộc chiến của người Mỹ chống lại nhân dân Việt Nam.

Trong cuốn sách “Trở về đất mẹ” của tác giả Lý Nhân, NXB Công an nhân dân, cựu Phó Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ thổ lộ: “Ông Mỹ luôn luôn đứng ra làm sân khấu, làm “kép nhất”. Vì vậy ai cũng cho rằng thực chất đây là cuộc chiến tranh của người Mỹ và chúng tôi là những kẻ đánh thuê”.

Nếu ai từng xem bộ phim “The VietNam War” (Chiến tranh Việt Nam) do chính người Mỹ làm, được phát rộng rãi trên VTV1 và cả trên Youtube hẳn sẽ nhớ chi tiết: trong một cuộc điện đàm có ghi âm, Tổng thống Mỹ nói thẳng thừng với vị Ngoại trưởng nước này, như sau: “Nếu ông ta (ý nói Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu) không chịu tham gia để ký kết hiệp định Paris thì tôi sẽ lấy đầu nó, nếu cần”.

Đồng minh kiểu gì khi ông chủ luôn đe doạ lấy đầu tổng thống của một nước “đồng minh”, nếu thấy cần thiết? Chỉ cần dẫn ra vài chi tiết như vậy cũng đã đủ chứng minh, chính quyền Sài Gòn trước đây chỉ là công cụ của nước Mỹ.

Quân Giải phóng đọc lệnh trao trả 3 tù binh Mỹ James Brigham, Thomas Jones và Donald Smith ở chiến khu Bắc Tây Ninh ngày 1.1.1969. Ảnh: Tư liệu

HỘI CHỨNG “VỀ HƯU NÓI HAY”

Thế giới đang chứng kiến những biến động ở châu Âu, trong đó có chiến sự giữa Nga và Ukraine cùng nhiều khu vực khác trên khắp địa cầu. Trong bài trả lời phỏng vấn trên đài BBC, một giáo sư người Nga (ông này nói tiếng Việt rất giỏi) đã so sánh: Năm 1990, khi Liên Xô tan rã, tổng sản phẩm xã hội của Ukraine gấp ba lần Việt Nam, dân số quốc gia này thời điểm đó khoảng 52 - 54 triệu người. Ba chục năm sau, tổng sản phẩm quốc dân của Việt Nam hiện nay gấp đôi Ukaraine và dân số đông hơn gấp hai lần.

Đã có khoảng gần hai mươi triệu người Ukraine rời khỏi đất nước vì kinh tế trì trệ, an ninh bất ổn. “Trước cuộc xung đột với Nga, Ukraine có khoảng 42 triệu dân, song, đó chỉ là con số trên giấy tờ, nhiều người dân đã ra đi nhưng không khai báo. Dân số hiện nay của Ukraine chỉ còn chừng 37-38 triệu người”- vị giáo sư người Nga nói bằng tiếng Việt. Ông này nói thêm, đường lối phát triển “đa dạng, đa phương, hội nhập quốc tế của Việt Nam là đúng”.

Người nước ngoài, đặc biệt người châu Âu luôn có tư duy khoa học, ít bị cảm tính chi phối, những điều họ nói ra, đặc biệt trong phát triển kinh tế, luôn có dữ liệu, số liệu chứng minh. Những điều vị giáo sư người Nga (một người chuyên nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh) nói ra, là hoàn toàn có cơ sở.

Thế nhưng, ở chiều ngược lại, ở trong nước, có không ít vị quan chức từng giữ trọng trách, khi đương chức nói khác, lúc về hưu lại nói khác nhằm thu hút sự chú ý của đám đông. Nhóm người này được gọi là “hội chứng về hưu nói hay”.

Nhưng, như có lần đã nói: “Rượu nhạt uống lắm cũng say/ người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm”. Đó còn chưa kể, những tư liệu đâu đó còn rơi rớt lại, khi bình thường, nó có thể vô sự nhưng khi có chuyện, những tư liệu đó có thể “quật ngã” chủ nhân.

Trường hợp này ứng vào đúng nhà ngoại giao trong bài này. Sau khi ông công bố bài viết gây xôn xao dư luận, chỉ vài ngày sau, một đoạn video clip được trích ra từ chính đài truyền hình cho thấy, trong tham luận phát biểu tại một kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, nhà ngoại giao này, khi đó đang đương chức phát biểu rất chuẩn, thậm chí hùng hồn, thề thốt trung thành với tổ chức… đủ mọi cung bậc.

Rõ ràng, cùng một con người đó, nhưng khi đương chức, họ “diễn cho tròn vai”, còn lúc nghỉ hưu, họ lôi bao chuyện cũ ra kể, chỉ trích, lên án này kia, có lẽ có nhiều mục đích, trong đó họ không muốn bản thân bị lãng quên. Trong chừng mực nào đó, đây là biểu hiện của chủ nghĩa “dân tuý”.

Việt Đông

Tin liên quan