Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
30.4- khúc ca khải hoàn sau cuộc trường chinh vạn dặm
Bài 2: Ngòi bút phơi bày sự thật cuộc chiến tranh phi nghĩa
Thứ sáu: 21:44 ngày 03/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cuốn sách của nhà báo Daniel Ellsberg- cựu sĩ quan cao cấp Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dài 688 trang chứa đựng nội dung phong phú, tác giả công bố nhiều thông tin rất có giá trị về cuộc chiến tranh do chính phủ Mỹ gây ra ở Việt Nam.

Trong cuốn sách “Những bí mật về chiến tranh Việt Nam” của Daniel Ellsberg (Nhà xuất bản Công an nhân dân), tác giả công bố bảy ngàn trang tài liệu của Lầu Năm Góc. “Là một người yêu chuộng hoà bình và đã từng có thời gian tham chiến tại Việt Nam, hiểu rõ bản chất phi nghĩa của cuộc chiến, Dan đã đánh cược cả cuộc đời mình, sao chụp 7.000 trang tài liệu của hồ sơ Lầu Năm Góc.

Ông bắt đầu công việc này từ năm 1969 và đến năm 1971, ông đã đi đến quyết định làm chấn động nước Mỹ, công bố toàn bộ tài liệu trên tờ Thời báo New York. Dan đã từng nói: Lẽ ra, nếu tôi có thể đưa các tài liệu đó ra từ khi tôi mới vào làm việc tại Lầu Năm Góc và Nhà Trắng, vào năm 1964-1965, thì có thể những tài liệu đó đã góp phần ngăn chặn cuộc chiến.

Tháng ba năm 2006, Daniel trở lại thăm Việt Nam, và được trao Kỷ niệm chương “Vì hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc”, tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của ông đã góp phần thức tỉnh dư luận về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Ông đã cho phép Nhà xuất bản Công an nhân dân dịch và xuất bản cuốn hồi ký của mình”- trích lời giới thiệu của Nhà xuất bản Công an nhân dân.

Xe tăng Mỹ bị quân giải phóng bắn cháy ở chiến khu Bắc Tây Ninh mùa khô năm 1966-1967. (Ảnh tư liệu)

“NGƯỜI DÂN BỊ SĂN ĐUỔI TỪ TRÊN KHÔNG TRUNG”

Cuốn sách của nhà báo Daniel Ellsberg- cựu sĩ quan cao cấp Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dài 688 trang chứa đựng nội dung phong phú, tác giả công bố nhiều thông tin rất có giá trị về cuộc chiến tranh do chính phủ Mỹ gây ra ở Việt Nam. Nhưng trên hết và trước hết, nhà báo người Mỹ dành sự quan sát tinh tế của mình đối với mảnh đất và con người Việt Nam, ông viết: “Tôi cảm thấy rất yêu mến trẻ em Việt Nam. Tôi chưa bao giờ thấy ở bất cứ đâu trên thế giới, trẻ em lại tươi vui, thân thiện và ngộ nghĩnh đến vậy. Chúng làm tôi nhớ lại thời thơ ấu của mình. Chúng chạy theo với những nụ hết sức ngộ nghĩnh làm tôi nhớ tới Robert và Mary chạy ra ôm tôi mỗi khi đi làm về, trái tim tôi lại thổn thức”.

Đặt chân đến Việt Nam trong vai trò một người lính viễn chinh Mỹ, Daniel Ellsberg, từ những điều mắt thấy tai nghe, đã bày tỏ sự hoài nghi về hành động của chính phủ Hoa Kỳ. “Sau khi chúng tôi hạ cánh trên một đường băng nhỏ, viên phi công nói với tôi, “này, anh vừa có một chuyến đi tuần vòng quanh rất tốt. Anh đã chứng kiến một cuộc không kích và đã nhìn thấy một số Việt Cộng…”. Tôi muốn biết làm thế nào anh ta biết họ là Việt Cộng, viên phi công nói: “Chẳng có gì ngoài Việt Cộng ở vùng này”. Đây là “một vùng bắn tự do”, nghĩa là chúng ta được phép bắn chết bất cứ ai chúng ta phát hiện thấy trên vùng đất đó. Quay trở về Đại sứ quán, tôi kiểm tra lại những điều anh ta nói. John Vann cho tôi biết có khoảng gần 2.000 dân chài sống trong khu vực đó, họ vẫn đánh cá trong khu vực mặc cho các cuộc tấn công của chúng ta. Điều này không chứng minh được là viên phi công đã sai đối với hai trường hợp mà chúng tôi nhìn thấy. Nhưng khi quay trở lại tôi nói với tướng Edward Geary Lansdale về cảm giác lo lắng của mình rằng tất cả những người dân Việt Nam đang bị săn đuổi từ trên không trung như những động vật mà chỉ dựa vào nơi họ đang ở và những bộ đồ họ đang mặc”- nhà báo, người lính viễn chinh thuật lại cuộc săn tìm “Việt Cộng”.

“CHÚNG TA ĐANG CHỐNG LẠI CẢ MỘT DÂN TỘC”

Cựu sĩ quan, nhà báo người Mỹ, bằng sự quan sát tinh tường đã sớm nhận thấy chính phủ Hoa Kỳ đang làm điều sai trái khi đem quân chống lại khát vọng độc lập, thống nhất non sông của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là đồng bào miền Nam. “Tại Nam Việt Nam, chúng ta không chiến đấu chống lại toàn bộ dân số. Ngay cả nếu chúng ta chống lại thì cũng chỉ với khoảng năm trăm nghìn lính Mỹ. Tại Bắc Việt Nam, chúng ta sẽ phải chiến đấu với từng người, đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Trong tình huống đó, gần như chắc chắn rằng chúng ta phải đối mặt với sự khó khăn quân sự lớn gấp nhiều lần trước đây”- tác giả viết ngay trong thời điểm nóng bỏng nhất của cuộc chiến.

Trong chương 14 của cuốn sách (bối cảnh năm 1969), tác giả viết, việc ném bom vẫn diễn ra ác liệt tại miền Bắc cho đến tận vĩ tuyến 19. Ngày 1.8, báo chí đưa tin máy bay Mỹ đã ném 2.581.876 tấn bom và tên lửa xuống Đông Dương kể từ năm 1965. Đó là tính thêm cả 1 triệu tấn tính đến ngày 1.3, khi số lượng bom ném xuống đã là 1,5 triệu tấn, bằng số bom Mỹ ném xuống châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ hai, kể từ khi Clifford thay thế McNamara tại Lầu Năm Góc. Trong vòng 5 tháng, có tới 4 tháng sau khi Johnson đã ngừng ném bom phần lớn Bắc Việt Nam và kêu gọi đàm phán, người Mỹ ném một nửa tổng số bom sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, tức là 2 triệu tấn. Chủ tịch Hồ Chí Minh thậm chí còn chỉ ra sự tương đồng mà tôi đã sử dụng khi lý giải hành vi của phe Việt Cộng trong những bài phát biểu mà tôi viết cho McNaughton và McNamara vào năm 1965. Ông Hồ nói rằng nước Mỹ hành động như những kẻ cướp Chicago, những kẻ đồng ý không bắn vào mục tiêu của mình nếu được trả một khoản tiền. Để đổi lại, Hà Nội thực sự đã hứa và bảo đảm rằng Hà Nội sẽ không ném bom và xâm lược Bắc Mỹ. Điều này nghe rất logic nhưng bị các nhà thương thuyết Mỹ cho là “tầm phào”- nhà báo viết về sự dối trá và đòi hỏi vô lý của chính phủ Hoa Kỳ khi họ đưa ra yêu sách để ngừng ném bom miền Bắc.

“KHÔNG AI CÓ THỂ CHIA CẮT VIỆT NAM”

Chương 16 của cuốn sách có tên gọi “Khía cạnh đạo đức của cuộc chiến kéo dài”, tác giả bày tỏ quan điểm rằng, ông không tin đội quân viễn chinh Mỹ sẽ thắng dân tộc Việt Nam và việc “áp đặt ý nguyện chính trị của chúng ta bằng biện pháp quân sự đã biến mất trong tôi”. Trong phần này, tác giả đã chứng minh, ngay từ những ngày đầu năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ thiện chí hợp tác với Mỹ, song, chính phủ Mỹ không đáp lại thiện chí đó. “Từ lúc đó đến tháng 12.1946, khi quân Pháp bắt đầu chiến dịch sử dụng vũ lực hòng tái chiếm lại thuộc địa cũ của mình thì người Pháp có ý muốn coi ít nhất là khu vực Bắc Bộ, một phần ba lãnh thổ Việt Nam ở phía Bắc, là nhà nước độc lập và chủ tịch nước là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc đó lời đề nghị khẩn thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới nước Mỹ yêu cầu công nhận cả Việt Nam là một nhà nước độc lập đã bị Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống Truman bác bỏ”- tác giả viết. “Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh được trọng vọng như một nguyên thủ quốc gia và sử dụng tư cách đó để đàm phán với Pháp. Jean Sainteny- viên toàn quyền trước đây của Pháp tại Việt Nam, vào tháng 3 đã ký một bản thoả thuận rằng việc có đưa Sài Gòn vào nhà nước độc lập ở Bắc Việt Nam hay không sẽ được quyết định thông qua trưng cầu dân ý. Nhưng chính phủ Pháp không có ý định thực hiện bản thoả thuận đó”- tác giả cuốn sách chứng minh sự hiếu chiến, dã tâm của chính phủ Pháp khi đem quân tái chiếm Việt Nam lần thứ hai. Sự thật lịch sử này, không ai có thể bác bỏ.

Đối với Hiệp định Geneva, tác giả cuốn sách viết, hiệp định này quy định rõ khu vực phi quân sự không phải là biên giới quốc tế chia cắt hai nhà nước độc lập. Năm 1956, họ kêu gọi tổng tuyển cử với sự giám sát quốc tế để quyết định về chính phủ của nhà nước Việt Nam thống nhất. “Khi còn là quan chức Lầu Năm Góc, tôi không hề hay biết gì về việc này. Lúc đó tôi tin vào lý lẽ nguỵ biện của Bộ Ngoại giao Mỹ mà tôi được đọc, thậm chí trong những công văn giấy tờ tối mật về Hiệp định Geneva và việc không tổ chức tổng tuyển cử được. Dù nội bộ hay công khai, Ngoại trưởng Mỹ, Rusk và cấp dưới nhiều lần tuyên bố rằng “tất cả những gì chúng tôi yêu cầu là Bắc Việt Nam hãy để cho người láng giềng của mình được yên” và tuân thủ các điều khoản của Hiệp định Geneva năm 1954. Giả thuyết hiểu ngầm và nhiều khi tuyên bố công khai thể hiện ở chỗ hiệp định này đã sinh ra hai nhà nước tách biệt, độc lập và có chủ quyền, hai “người láng giềng”, Bắc và Nam Việt Nam. Cuối cùng khi tôi đọc hiệp định, tôi phát hiện ra rằng điều đó hoàn toàn trái ngược với tinh thần của hiệp định như nó vốn có trên giấy trắng mực đen. Trái ngược đến mức trơ trẽn. Và cũng trơ trẽn không kém là việc trong suốt thập kỷ 60, Mỹ thường xuyên yêu cầu “phải quay lại tuân thủ những điều khoản của hiệp định” trong khi Mỹ chưa bao giờ có ý định ủng hộ và cho phép tuân thủ những điều khoản chính trị cốt lõi của hiệp định, kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước” - thông tin và lập luận trong đoạn trích này bác bỏ hoàn toàn lý lẽ nguỵ biện của chính phủ Mỹ, Pháp trong âm mưu chia cắt Việt Nam.

Việt Đông

(Còn tiếp)

Tin liên quan