Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát triển thị trường nghệ thuật- xu thế khách quan
Bài 2: Sản phẩm nghệ thuật - nhập nhiều hơn xuất
Thứ tư: 00:39 ngày 09/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chất lượng dịch vụ sản phẩm nghệ thuật nhìn chung chưa cao và đồng đều, năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế thấp, thiếu các thương hiệu ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, chưa có nhiều sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao.

Poster phim “Mùa len trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Bộ phim từng đoạt Giải thưởng trẻ (LHP Locarno, Thuỵ Sĩ ), hai giải đạo diễn xuất sắc nhất (Chicago, Mỹ và Cape Town, Nam Phi), hai giải phim xuất sắc nhất (Amiens, Pháp và Makuhari, Nhật Bản), giải đặc biệt (Amazonas, Brazil), quay phim xuất sắc nhất (LHP châu Á - Thái Bình Dương)… Đặc biệt, năm 2005, Oscar lần thứ 78, "Mùa len trâu" nằm trong danh sách tranh giải Oscar

Thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn còn khá nhỏ bé, chưa tạo ra sự bứt phá, chưa có sức ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ trong tiêu dùng của người dân Việt Nam.

Chất lượng dịch vụ sản phẩm nghệ thuật nhìn chung chưa cao và đồng đều, năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế thấp, thiếu các thương hiệu ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế, chưa có nhiều sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Tình trạng nhập khẩu, nhập siêu sản phẩm nghệ thuật nước ngoài vào Việt Nam còn vượt trội so với xuất khẩu hàng hoá nghệ thuật.

TRẢ TÁC QUYỀN THEO KÍCH THƯỚC

Tình trạng phát triển sơ khai, tự phát, vi phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phổ biến. Mặc dù Việt Nam đã thông qua Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29.11.2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (có hiệu lực từ ngày 1.1.2010), cũng như gia nhập các công ước quốc tế có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực phát triển các ngành công nghiệp văn hoá nhưng mức độ thực thi luật bản quyền và các quyền liên quan còn thấp. Tổ chức Liên minh quốc tế về tài sản trí tuệ ước tính rằng Việt Nam nằm trong danh sách những nước vi phạm bản quyền cao nhất thế giới (đứng ở vị trí thứ 8 năm 2010 và vị trí thứ 11 vào năm 2020). Vi phạm bản quyền chính là rào cản cho phát triển thị trường nghệ thuật, trở ngại cho các động lực sáng tạo, đầu tư vào các ngành công nghiệp nghệ thuật của Việt Nam.

Đặc biệt, nguồn lực đầu tư vào sự phát triển của thị trường nghệ thuật còn hạn chế do chính sách xã hội hoá chưa được triển khai thành những cơ chế, biện pháp cụ thể. Nguồn vốn và các mô hình đầu tư tài chính cho nghệ thuật thiếu sự đa dạng, một phần do chưa có các chính sách ưu đãi thuế một cách đầy đủ, toàn diện làm cơ sở pháp lý để khơi thông các nguồn lực như đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho nghệ thuật. Nhà nước vẫn là nhà đầu tư chính, độ hạn hẹp, dàn trải, chưa thực sự đem lại hiệu quả. Hàng hoá nghệ thuật công vẫn tồn tại nhiều bất cập về cơ chế, chính sách, cách thức quản lý hành chính hoá. Ví dụ, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng với hàng hoá, dịch vụ công do Nhà nước mua, đặt hàng chưa cập nhật với thực tiễn nhưng vẫn được sử dụng (trả chi phí tác phẩm nghệ thuật tượng đài tính theo kích thước, tranh tính theo mét vuông, bản nhạc tính theo trang...), vì vậy, chưa thực sự phát huy sự sáng tạo của các chủ thể liên quan.

Đầu tư của các doanh nghiệp và nguồn đầu tư hỗn hợp bắt đầu được vận hành nhưng còn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ. Một số yêu cầu thiết yếu của thị trường như tính minh bạch, cạnh tranh, sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và tư nhân chưa thực sự được bảo đảm. Sự hợp tác của nhiều chủ thể, thành phần chính trong quy trình sản xuất còn rời rạc, tự phát. Hệ thống luật pháp liên quan tới mô hình kinh doanh, đầu tư, kiểm duyệt, chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cần được Nhà nước tiếp tục hoàn thiện. Bên cạnh khó khăn về thiếu hụt nguồn vốn, mô hình đầu tư, các ngành công nghiệp văn hoá - nghệ thuật Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thiếu hụt đáng kể các kiến thức và kỹ năng cần thiết để vận hành hiệu quả trong cơ chế thị trường (kỹ năng, kiến thức về sáng tạo, kinh doanh, marketing, gây quỹ, truyền thông…).

Mặc dù có rất nhiều tranh luận xung quanh chủ đề làm thế nào để phát triển thị trường nghệ thuật, đặc biệt, khi mà thị trường nghệ thuật Việt Nam vẫn trong tình trạng phát triển sơ khai, tự phát, chưa có giải pháp tổng thể hệ thống, mang tính tích hợp, liên ngành, đa chiều. Để giải quyết những vấn đề này, cần huy động sự tham gia của nhiều bên liên quan, nhiều chủ thể khác nhau, xây dựng hệ sinh thái sản xuất, sáng tạo và thúc đẩy sự liên thông, kết nối giữa các công đoạn cơ bản trong chuỗi quy trình sản xuất. Nói cách khác, để phát triển được thị trường nghệ thuật thì không chỉ chú trọng vào các hoạt động kinh doanh, trao đổi, mua bán, giao dịch của các bên tham gia thị trường, mà còn mở rộng khuôn khổ tiếp cận để "giải bài toán" phát triển từ mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Poster phim Hai Phượng. Năm 2019, bộ phim tham dự vòng sơ tuyển Giải thưởng Oscar lần thứ 92 dành cho "Phim truyện quốc tế" 

CÁCH TIẾP CẬN MỚI

Sự xuất hiện và phát triển của thị trường nghệ thuật luôn đi cùng với việc gia tăng các lợi ích và tác nhân. Nếu như với mô hình tập trung, bao cấp cho nghệ thuật, Nhà nước chịu trách nhiệm toàn bộ từ quá trình sản xuất, phân phối, tiêu dùng sản phẩm nghệ thuật, người sáng tạo, người tiêu dùng thường chỉ đóng vai trò thụ động và tách biệt thì trong thị trường nghệ thuật, các tác nhân, chủ thể tương tác sẽ tăng lên, có mối quan hệ phức tạp, tương tác đa chiều. Cần thúc đẩy sự cộng hưởng và hiệp lực của các tác nhân và thành phần có liên quan đến thị trường, chú trọng huy động nguồn lực từ xã hội, lĩnh vực tư nhân cùng với vai trò của Nhà nước. Có thể hiểu "khu vực thứ ba" nằm cạnh Nhà nước và thị trường bao gồm các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các cộng đồng, nhóm xã hội và người dân (trong đó có thể bao gồm các cộng đồng trên không gian mạng, cộng đồng khởi nghiệp, cộng đồng của những người di chuyển và làm việc trên internet...). Điều này xuất phát từ thực tế là thị trường nghệ thuật không chỉ được hình thành và phát triển bởi các tổ chức kinh doanh vì lợi nhuận mà có rất nhiều tổ chức, thiết chế, tác nhân khác cùng tham gia cung cấp các dịch vụ, hàng hoá nghệ thuật. Ví dụ, các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội, nhóm, cá nhân... đóng góp cho nhiều khía cạnh khác nhau của chuỗi quy trình sản xuất như: đồng sáng tạo, truyền thông, đào tạo, lưu trữ... Về cơ bản, khu vực này có thể đóng góp những nguồn lực đa dạng cho sự phát triển của thị trường nghệ thuật như: nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và các nguồn lực phi vật thể quan trọng khác (kiến thức, thông tin, chuyên môn, danh tiếng, sự tin cậy, kinh nghiệm, mạng lưới làm việc, ý tưởng). Trong bối cảnh hiện nay, cần chú trọng đổi mới và huy động vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, của các nhóm xã hội như nhóm chuyên gia, công chúng, các tổ chức phi lợi nhuận... trong việc tham gia tích cực vào chuỗi chu trình sản xuất. Cần xây dựng cơ chế thúc đẩy phát huy nguồn lực, tạo nên sự hiệp lực, hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, thành phần tư nhân và xã hội để hỗ trợ cho sự phát triển bền vững, tăng trưởng, cạnh tranh và cải tổ trong lĩnh vực văn hoá, góp phần nuôi dưỡng hệ sinh thái sáng tạo cho thị trường nghệ thuật.

Nghệ thuật là một lĩnh vực rộng lớn và đa dạng. Đặc điểm này khiến cho việc nhận diện, lý giải mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý và phát triển nghệ thuật trở nên phức tạp, cần có sự cẩn trọng cần thiết. Trong từng ngành nghệ thuật, cụ thể từng thành tố của bộ ba (Nhà nước, thị trường, xã hội) có thể nắm giữ các vị trí khác nhau và mối quan hệ cơ cấu quyền lực giữa các thành tố này không đồng nhất hoặc không hoàn toàn cân xứng. Chẳng hạn, việc sản xuất, phân phối, tiêu dùng các sản phẩm điện ảnh thương mại có thể dễ dàng thích ứng hơn với cơ chế thị trường, bởi loại hình này có khả năng thu hút nguồn lực khá lớn từ xã hội và tạo ra lợi nhuận, thì các loại hình nghệ thuật khác như sân khấu truyền thống lại đòi hỏi sự cân nhắc cẩn trọng của Nhà nước, vì những loại hình này khó tạo được nguồn thu tài chính trong cơ chế thị trường với các quy luật cung, cầu cạnh tranh khắc nghiệt. Hay nói cách khác, sự phân bổ điều tiết về vai trò giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý và phát triển đối với mỗi loại hình, mỗi ngành của thị trường nghệ thuật là không đồng nhất và cần sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp trong các trường hợp khác nhau.

Tương ứng với điều này, mô hình can thiệp của Nhà nước với lĩnh vực thị trường nghệ thuật cần là một mô hình hỗn hợp và thích ứng linh hoạt. Nhà nước có thể đóng những vai trò khác nhau, từ vai trò người "chèo lái", "chỉ đạo", "định hướng", đến "tạo điều kiện", "kiến tạo" nhằm tạo môi trường xúc tác để giải phóng các lực lượng thị trường và điều tiết các quan hệ bằng chính sách và pháp luật. Trong các trường hợp cần thiết, Nhà nước vẫn cần là chủ thể chính trong bảo hộ hỗ trợ, đầu tư cho những sản phẩm, loại hình nghệ thuật nhất định (ví dụ đối với nghệ thuật truyền thống mang bản sắc của dân tộc hay đối với nghệ thuật đương đại thể hiện năng lực sáng tạo của nghệ thuật Việt Nam hoà vào dòng chảy của nghệ thuật thế giới).

Mặt khác, Nhà nước không chỉ đơn thuần chỉ dựa vào "bàn tay vô hình" của thị trường mà phát huy tác dụng điều khiển, tạo "luật chơi" thông qua các công cụ chính sách như tạo dựng các khuôn khổ pháp lý, nhằm thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, cải thiện các quy tắc và luật lệ chi phối môi trường kinh doanh sản phẩm nghệ thuật, tạo thuận lợi cho sự phát triển của các công ty khởi nghiệp sáng tạo, cải tổ bộ máy quản trị hướng đến hiệu quả thực chất, phân bổ nguồn lực công sao cho hiệu quả.

Phát triển thị trường nghệ thuật là xu hướng tất yếu, góp phần thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá về văn hoá và củng cố sức mạnh mềm của đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục