Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chăn nuôi an toàn dịch bệnh, giải pháp phát triển bền vững
Bài 2: Trợ lực cho ngành chăn nuôi
Chủ nhật: 07:58 ngày 19/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Với tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng định hướng phát triển chăn nuôi và nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã được trợ lực và có sự thay đổi tích cực để phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn.

Công nhân tiêm vaccine phòng bệnh cho gia cầm.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Những năm qua, cùng với chính sách hỗ trợ của Trung ương, Tây Ninh đã và đang chủ động xây dựng, triển khai thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự chuyển dịch chăn nuôi quy mô nông hộ sang chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã ban hành 6 Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như: Chính sách hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh; Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025; Chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019-2025... nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp.

Trong đó nhiều chính sách đã thật sự đi vào cuộc sống, không ít tổ chức, cá nhân được tiếp cận như: Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh phê duyệt 1 dự án, UBND cấp huyện phê duyệt 12 dự án với tổng mức đầu tư trên 297 tỷ đồng, trong đó kinh phí được phê duyệt hỗ trợ 53,9 tỷ đồng, kinh phí đã giải ngân 35 tỷ đồng;

Hay chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2022-2025. Đến cuối năm 2023, ngành nông nghiệp đã tiếp nhận 34 hồ sơ đăng ký áp dụng và hỗ trợ quy trình VietGAP, trong đó có 8 hồ sơ lĩnh vực chăn nuôi với diện tích 6 ha; đã ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí cho 7 hồ sơ lĩnh vực chăn nuôi heo, bò với số tiền 224 triệu đồng.

Nhiều trang trại quy mô lớn được hình thành.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Các chính sách góp phần hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp và hợp tác xã có thêm nguồn vốn đầu tư vào quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả hoạt động, thúc đẩy nông nghiệp Tây Ninh ngày càng phát triển; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng liên kết và áp dụng các quy trình thực hành sản xuất tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm trên các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh như: mãng cầu, cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi heo thịt, gà thịt, bò thịt, bò sữa...

Bên cạnh đó, tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương đã ban hành về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển chăn nuôi bền vững

Từ sự hỗ trợ kịp thời đó, xu hướng chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang chăn nuôi có tổ chức theo mô hình trang trại đang mang đến những kỳ vọng mới, các doanh nghiệp, tập đoàn, cá nhân trong và ngoài tỉnh như “tiếp thêm sức mạnh” để đầu tư xây dựng các khu trang trại tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ với những dây chuyền hiện đại đã, đang và sẽ đi vào hoạt động, góp phần cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tìm hiểu và đầu tư, huyện Tân Châu triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh; đồng hành cùng với nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Từ những giải pháp tích cực, đến nay Tân Châu đã hình thành nhiều trang trại sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chăn nuôi trang trại lạnh, quy mô khép kín giúp bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Đơn cử như trang trại chăn nuôi gà thịt KCK đóng trên địa bàn xã Suối Ngô có quy mô khá lớn ở địa phương. Được sự hỗ trợ từ địa phương về thủ tục hành chính, hướng dẫn các quy định bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh môi trường, trang trại đã nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định với tổng đàn trên 192 ngàn con, với 12 khu chuồng lạnh khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Mỗi lứa gà xuất chuồng được nuôi trong một chu kỳ từ 35 đến 45 ngày. Trang trại đạt chuẩn vệ an toàn phòng dịch và có hợp đồng nuôi gia công cho một số công ty, được bao tiêu bảo đảm đầu ra. Nhờ đó, hoạt động của trang trại khá thuận lợi.

Ông Trần Văn Chiến, quản lý trang trại cho biết, được sự hỗ trợ của địa phương cũng như các sở, ngành tỉnh, trang trại sớm đi vào hoạt động ổn định. Trang trại tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cùng việc áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, thời gian qua, trang trại không phát sinh dịch bệnh, đây cũng là “nền móng” để phát triển chăn nuôi bền vững.

Bên cạnh những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, không thể không nhắc đến “làn sóng” đầu tư từ các tập đoàn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như: Tập đoàn De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn (DHN); Vinamilk…

Vào tháng 6.2023, trong khuôn khổ “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp đầu tư, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Tây Ninh năm 2023”, UBND tỉnh, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MoU) về việc khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó giải quyết các khó khăn, vướng mắc và cơ bản hoàn thành các thủ tục về đất đai, về đầu tư đối với 7 dự án trọng điểm tổ hợp Khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh do Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư, gồm dự án Tổ hợp nhà máy chế biến thực phẩm DHP tại thị xã Trảng Bàng và 6 dự án nhà máy Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN tại huyện Tân Châu.

Ông Vũ Mạnh Hùng- Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hùng Nhơn Việt Nam cho biết: “Ngày 19.5.2024, Liên doanh Tập đoàn De Heus và Tập đoàn Hùng Nhơn (DHN) tổ chức lễ khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh; đồng thời, công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030 và công bố Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal. Tổng mức đầu tư dự kiến cho chuỗi 8 dự án nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh giai đoạn 1 và 2 là 2.500 tỷ đồng”.

Doanh nghiệp cũng cam kết với chính quyền địa phương là sẽ không cạnh tranh với người chăn nuôi, mà ngược lại, người dân sẽ được hưởng lợi khi DHN phối hợp liên kết. Như phối hợp hình thành từng vùng nguyên liệu thức ăn; Hỗ trợ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tiếp cận trang thiết bị và quy trình chăn nuôi hiện đại, bảo đảm đầu ra ổn định…

Có thể nói đây là những tín hiệu tích cực, phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động... của các địa phương. Song song đó, các chuỗi liên kết chăn nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ gia súc, gia cầm dần được hình thành và phát triển, mở ra hướng đi mới trong điều kiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp.

Vũ Nguyệt

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục