Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả
Bài 2: Văn hoá không phải “cái đuôi của kinh tế”
Thứ năm: 16:50 ngày 24/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bảo vệ bản sắc dân tộc không có nghĩa là đóng cửa, tự cô lập, trái lại phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hoá các dân tộc khác, chống tất cả những gì lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ.

Trong một bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản năm 1998, tác giả Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ đang phụ trách công tác tư tưởng, văn hoá và khoa giáo của Đảng phân tích 5 quan điểm của Đảng về phát triển văn hoá trong Nghị quyết hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII.

Cho đến thời điểm đó, nội dung tư tưởng về xây dựng văn hoá được tác giả (Nguyễn Phú Trọng) đánh giá là quan trọng nhất, lớn nhất kể từ năm 1943, khi Đề cương văn hoá của Đảng ra đời. Nội dung bài viết cách đây 26 năm thể hiện tầm nhìn xa, toàn diện, sâu sắc, đầy tính thuyết phục của Tồng Bí thư - ngọn cờ lý luận của Đảng.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các thôn, buôn thuộc xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana, Đăk Lăk) nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất (18.11.1930 - 18.11.2018)

“Thăng hoa của văn hoá là đỉnh cao của sự phát triển”

Tác giả chỉ rõ, lâu nay, khi nhìn nhận các giá trị xã hội, các nhân tố trong phát triển, không ít người chỉ nhấn mạnh một chiều cơ sở kinh tế, vai trò của kinh tế, ít chú ý đến vai trò của văn hoá. Văn hoá chưa được đặt đúng vị trí như nó vốn có trong sự phát triển. Đây đó vẫn còn tồn tại quan niệm coi văn hoá thuộc loại phi sản xuất, là lĩnh vực thứ yếu, thậm chí “là cái đuôi của kinh tế”. Từ đó dẫn đến thụ động trong xây dựng văn hoá, chú ý không đầy đủ việc chăm lo đời sống tinh thần.

Thực tiễn ngày càng giúp chúng ta nhận thức đầy đủ hơn vai trò, vị trí của văn hoá trong phát triển. Sự hiểu biết và trí tuệ do con người tích luỹ được, cùng tâm hồn cao thượng, đạo lý tốt đẹp trong mối quan hệ của con người với đồng loại, với xã hội và tự nhiên được xây dựng, bồi đắp nên suốt chiều dài lịch sử, là các yếu tố cấu thành văn hoá, làm nên nền tảng tinh thần xã hội, giữ vai trò cực kỳ quan trọng, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày nay, chúng ta không khó khăn lắm để nêu những ví dụ về một xã hội tiện nghi vật chất dồi dào nhưng con người ít có hạnh phúc, thậm chí không có hạnh phúc. Kinh tế tăng trưởng nhưng xã hội thiếu công bằng và văn minh. Chúng ta xây dựng, phát triển kinh tế cuối cùng cũng vì sự phát triển bền vững của xã hội, vì cuộc sống văn minh, hạnh phúc của con người. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.

Kinh tế là cơ sở vật chất của xã hội, là nhân tố quyết định tạo ra sự giàu có của xã hội, do đó nó cũng là tiền đề để phát triển văn hoá. Đến lượt mình, văn hoá lại là động lực của phát triển kinh tế. Bởi vì văn hoá bắt nguồn từ yếu tố nguồn lực con người. Con người là chủ thể, là linh hồn của sự sáng tạo, là nhân tố hàng đầu của văn hoá.

Với phẩm chất, đạo đức, tài năng, trí tuệ của mình, con người làm nên tất cả, làm ra vốn liếng, kỹ thuật, làm chủ khoa học - công nghệ, khai thác tài nguyên thiên nhiên... tạo nên sự giàu có về vật chất và tinh thần của xã hội. Hội nghị liên chính phủ về chính sách văn hoá vì sự nghiệp phát triển do UNESCO tổ chức tại Thuỵ Điển một lần nữa khẳng định: “Sự sáng tạo văn hoá là động lực tiến bộ của loài người, sự đa dạng của văn hoá là kho tàng quý báu nhất của nhân loại”. Hội nghị còn nhấn mạnh: “Phân tích đến cùng, sự phát triển của xã hội chính là sự phát triển của văn hoá và sự thăng hoa của văn hoá là đỉnh cao nhất của sự phát triển”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, “văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”. Văn hoá Việt Nam là sản phẩm của cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, là kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc, chính nó đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, góp phần làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Chính nhờ có sức mạnh văn hoá dân tộc, dù tình hình thế giới có những diễn biến rất phức tạp, toàn Đảng, toàn dân ta vẫn vượt mọi khó khăn sóng gió, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Điều đó cắt nghĩa vì sao Đại hội VIII của Đảng, trong khi xác định “xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ” đã đồng thời nhấn mạnh: “Nâng cao dân trí, bồi dưỡng và phát huy nguồn lực to lớn của con người Việt Nam là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.

Hội nghị Trung ương 5 yêu cầu ra sức xây dựng và phát triển nền văn hoá, “làm cho văn hoá thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.

Làm rõ thành tố “tiên tiến, bản sắc”

Tính chất tiên tiến gắn kết với bản sắc dân tộc là đặc trưng bản chất của nền văn hoá Việt Nam, theo tác giả. Nội dung tiên tiến của nền văn hoá trước hết là yêu nước và tiến bộ. Yêu nước là yêu làng quê, yêu phố phường, vùng đất, vùng biển, vùng trời Tổ quốc. Tiên tiến là yêu thương, gắn bó máu thịt với đồng bào, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn độc lập chủ quyền đất nước, quyền tự do, dân chủ và công cuộc lao động hoà bình của nhân dân. Tiến bộ (bao gồm tiến bộ của dân tộc, của thời đại) là sự kết tinh những giá trị cao quý: lao động, lẽ phải, tình thương, cái đẹp, phù hợp với xu thế, quy luật phát triển của lịch sử.

Nói con người trước hết là nói tư tưởng, đạo đức, lối sống. Trong xã hội có giai cấp, những chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, lối sống của giai cấp thống trị giữ địa vị chi phối, thống trị tư tưởng, đạo đức, lối sống của xã hội. Hệ tư tưởng giai cấp công nhân, chủ nghĩa Mác - Lênin đã từng là nội dung văn hoá mà nhân dân ta phấn đấu xây dựng suốt hơn nửa thế kỷ qua. Những chiến công oanh liệt chống ngoại xâm, thành quả tốt đẹp trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, cuộc sống mới của nhân dân ta, nền văn hoá đó đã chứng tỏ sức mạnh lớn lao của nó.

Tính chất tiên tiến của nền văn hoá thể hiện không những ở nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyên tải nội dung. Đó là cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại trong đời sống văn hoá, sinh hoạt văn hoá, trong các ngành thông tin, nghệ thuật, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc… Tính chất tiên tiến không tách rời, trái lại luôn luôn gắn bó hữu cơ với bản sắc dân tộc. Yêu nước và tiến bộ, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thực sự đã chứa đựng trong lòng nó nội dung cốt yếu nhất những giá trị bản sắc dân tộc.

Nói dân tộc trước hết là nói văn hoá

Văn hoá gắn với một dân tộc, có gốc rễ từ dân tộc và là diện mạo của dân tộc. Biểu hiện tập trung diện mạo dân tộc lại chính là bản sắc dân tộc. Cho nên lẽ tự nhiên văn hoá mang bản sắc dân tộc. Hay nói cách khác, bản sắc dân tộc thể hiện ở nền văn hoá dân tộc.

Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân, gia đình, làng xã, Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao dộng, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống.

Bảo vệ bản sắc dân tộc không có nghĩa là đóng cửa, tự cô lập, trái lại phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hoá các dân tộc khác, chống tất cả những gì lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ. Như vậy, nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bao gồm trong lòng nó các mối quan hệ biện chứng giữa truyền thống và hiện đại, kế thừa và phát triển, dân tộc và quốc tế.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục